Bà Trương Thị Thanh Hương bên cạnh bộ hồ sơ cầu Trường Tiền mà bà đã mua để mang về tặng cho Huế - Ảnh: M.TỰ
Tại cuộc hội thảo "Quá trình duy tân Huế và Trung Bộ trong thời kỳ Pháp thuộc" tổ chức ở Huế vào hôm 19-12 vừa rồi, giới nghiên cứu bất ngờ khi được xem toàn bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền với những trang vẽ công phu và chi tiết đến từng chiếc đinh.
Đó là bộ hồ sơ của hai đợt "đại trùng tu" chiếc cầu lịch sử này, vào những năm 1937 - 1939 và 1953 - 1954, do Hãng Eiffel của Pháp thực hiện.
Bộ hồ sơ quý giá đó đã được đưa về Huế, bằng tâm huyết của một người phụ nữ gốc Huế xa quê.
Mua lại bằng mọi giá
Bà Trương Thị Thanh Hương người gốc làng Hiền Lương, ngôi làng ở Huế nổi tiếng với nghề rèn. Năm Mậu Thân 1968, ba mạ bà Hương tản cư vào Đà Nẵng rồi sinh ra cô gái này ở đó.
"Ngày còn nhỏ, mỗi lần về thăm quê, tôi lại đi qua cầu Trường Tiền. Hình ảnh chiếc cầu duyên dáng nhưng lại mang thương tật, sáu vài mà gãy mất một vài, cứ ám ảnh mãi trong tôi", bà Hương kể.
Thế rồi bà Hương xuất ngoại định cư ở Mỹ, mà tâm khảm vẫn không nguôi nỗi nhớ Huế và chiếc cầu quê hương.
Sau một thời gian dài, bà Hương trở về với tâm nguyện làm một việc gì đó thật ý nghĩa cho quê nhà.
Như là nhân duyên tiền định, bà được tin có người bán đấu giá bộ hồ sơ thiết kế trùng tu cầu Trường Tiền của Hãng Eiffel.
Vậy là bà tham gia đấu giá ngay, với quyết tâm phải mua cho bằng được. Nhất là khi bà biết rằng nhiều thợ rèn làng Hiền Lương quê mình đã tham gia hai cuộc đại trùng tu chiếc cầu này.
Lúc này đã có một số người tham gia đấu giá, nên giá đã tăng lên. Bà Hương quyết định đặt giá thật cao và đã mua được.
"Tôi biết rằng bộ hồ sơ này rất có ý nghĩa với Huế, với Trường Tiền. Nếu đưa về Huế thì mới phát huy hết giá trị của nó. Vì vậy, tôi quyết mua bằng mọi giá", bà Hương chia sẻ.
Vậy là bộ hồ sơ cầu Trường Tiền đã được đưa về Huế.
Bà Hương cho biết trước mắt tạm giao cho Phân viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế (VICAS) bảo quản và khai thác nội dung của nó để phục vụ việc nghiên cứu. Sau đó trưng bày cho công chúng xem, rồi làm tiếp những việc tôn vinh chiếc cầu và tạo các sản phẩm sinh lợi cho du lịch Huế.
Cầu Trường Tiền của Huế trong phim Em và Trịnh - Ảnh: ĐPCC
Bộ tư liệu quá quý giá!
TS Trần Đình Hằng, phân viện trưởng VICAS, cho biết đây là một bộ tư liệu quá quý giá, chứa đựng nhiều thông tin xác thực về hai cuộc "đại trùng tu" cầu Trường Tiền, bao gồm những văn bản hành chính, những bản vẽ kỹ thuật, có những trang bản vẽ dài đến 10m...
Bộ tư liệu cũng cho thấy vì sao Hãng Eiffel không phải là đơn vị thiết kế và thi công nhưng lại ghi dấu ấn sâu đậm trên chiếc cầu nổi tiếng này. Bởi vì cuộc đại trùng tu năm 1937 - 1939 của Eiffel đã tạo nên chiếc cầu hoàn hảo với hình hài duyên dáng, kích thước rộng rãi và đầy tiện lợi.
Đó chính là cầu Trường Tiền như ta đang nhìn thấy hiện nay. Nó khác hẳn với chiếc cầu ban đầu (hoàn thành năm 1900) chật hẹp và thô sơ.
Tháng 12-1946, cầu bị đánh sập ba nhịp. Quân đội Pháp đã làm một đoạn cầu tạm để nối lại giao thông hai bờ sông Hương. Cho đến năm 1953, Hãng Eiffel được mời trở lại để tái thiết chiếc cầu. Cuộc tái thiết này kéo dài đến năm 1954 thì hoàn tất.
Trong 123 năm tồn tại, cầu Trường Tiền đã qua bốn lần tu sửa lớn, chưa kể hàng chục lần tu sửa nhỏ. Nhưng cuộc sửa chữa năm 1937 - 1939 được xem là "đại trùng tu".
Bộ hồ sơ cũng cho biết thêm lực lượng thi công cầu gồm kỹ sư Pháp, lính thợ, thợ cơ khí tốt nghiệp Trường Bá công - Kỹ nghệ thực hành Huế và thợ rèn xuất thân từ làng rèn Hiền Lương.
Dấu ấn Eiffel sâu đậm
Trong bộ hồ sơ, chiếc cầu này được người Pháp gọi là "cầu Clémenceau" - tên của vị thủ tướng nước Pháp những năm 1906 - 1909 và 1917 - 1920. Có thể nhìn thấy quá trình xâm nhập vùng đất Đông Dương và Trung Kỳ của Hãng Eiffel qua lịch sử của chiếc cầu này.
Công ty Eiffel được thành lập vào năm 1863 bởi kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel. Vào năm 1872, công ty này đã mở văn phòng tại Nam Kỳ, đặt ở Sài Gòn.
Năm 1889, công ty này đã xây dựng tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris. Một năm sau, năm 1890, Gustave Eiffel thành lập Công ty Établissements Eiffel, trong đó ông góp hơn 50% vốn.
Sau một sự cố nghề nghiệp, Eiffel từ chức hội đồng quản trị của Công ty Établissements Eiffel vào năm 1893. Công ty này cũng đổi tên thành Société de Constructions de Levallois-Perret (SCLP). Đây chính là công ty đã tham gia đấu thầu xây dựng cầu Trường Tiền vào năm 1897, nhưng không trúng thầu.
Đến năm 1937, Công ty SCLP lại đổi tên thành Société des Anciens Établissements Eiffel (Hiệp hội các cơ sở cũ của Eiffel, viết tắt là SAEE).
Cũng vào năm đó, 1937, SAEE đã được mời trùng tu cầu Clémenceau ở Huế. Để thực hiện dự án này, công ty này đã mở văn phòng tại Huế, có tên là Anciens etablissements Eiffel Centre Vietnam Agence de Hue, đặt tại số 14 đường Rheinart (đường Ngô Quyền bây giờ).
Tái hiện diễn trình 123 năm Trường Tiền
TS Trần Đình Hằng cho biết sau khi số hóa bộ hồ sơ này để lưu trữ, sẽ tiến hành biên dịch tiếng Pháp, phân tích các thông tin chuyên môn cầu đường, rồi biên soạn thành một công trình nghiên cứu về chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, nối liền con đường thiên lý Bắc - Nam cách trở đò giang suốt mấy thế kỷ.
Đây là một trong những cây cầu sắt đầu tiên của Đông Dương được xây dựng bằng kỹ thuật mới vào cuối thế kỷ 19.
Về lâu dài, VICAS sẽ tiếp tục tìm kiếm để sao chụp bộ hồ sơ đầu tiên thiết kế cầu Trường Tiền của nhà thầu Société Schneider et Cie et Letellier, đơn vị đã thiết kế - thi công chiếc cầu này vào năm 1897. Đồng thời sẽ sao chụp bộ hồ sơ của đợt trùng tu lớn cuối cùng 1991 - 1995 do Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện.
"Diễn trình lịch sử 123 năm Trường Tiền sẽ được tái hiện đầy đủ và trưng bày ngay trên cầu cho công chúng và du khách thưởng lãm. Lúc đó, cầu Trường Tiền sẽ chuyển thành phố đi bộ. Và đó sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo của Huế", TS Hằng nói.
Một phần của bộ hồ sơ cầu Trường Tiền - Ảnh: M.TỰ
Tôi đã biết đến bộ hồ sơ này từ hơn 10 năm trước khi có người mời mua. Tôi có nghe ông chủ tịch UBND TP Huế hứa sẽ mua, nhưng sau đó thì không thấy.
Vì vậy, tôi rất bất ngờ và quá vui mừng khi thấy chị Thanh Hương mua về cho Huế. Là người nghiên cứu cầu Trường Tiền nên tôi biết tư liệu về nó ở Huế hiện rất mỏng. Bộ hồ sơ này là một nguồn tài liệu bổ sung quá giá trị.
Nhà nghiên cứu HỒ VĨNH (Huế)
Dấu ấn của Eiffel trên chiếc cầu lịch sử của Huế - Ảnh: M.TỰ
Để thực hiện bản thiết kế, nhà thầu đã khảo sát bằng cách đếm số người và xe qua cầu mỗi ngày, với 25.000 lượt người đi bộ, 6.000 lượt xe máy, 5.000 lượt xe kéo, 300 lượt xe hơi, 500 lượt xe chở đồ kéo tay.
Từ đó, các kỹ sư đã cho xây dựng mặt cầu bằng xi măng cốt sắt, dành trọn bề rộng 5,6m giữa hai vòng cầu để làm đường xe chạy; hai bên đúc cái gờ 0,3m để bánh xe khỏi đụng các cây sắt vòng cầu.
Hai bên cầu làm thêm hai lối đi cho khách bộ hành, rộng đến 1,95m. Ở mỗi chỗ trụ cầu, nới rộng ra tạo thành cái bao lơn, làm chỗ tránh nhau, ngắm cảnh.
Cuộc đại trùng tu thực hiện trong 29 tháng thì hoàn tất. Tổng chi phí ước khoảng 435.000 francs tiền Pháp. (Theo bài "Điều tra: chung quanh việc mở rộng cầu Trường Tiền", báo Tràng An số 433/7-1939)