Nghinh Ông Sông Đốc là một lễ hội lớn ở tỉnh Cà Mau từ hàng chục năm qua. Lễ hội này bắt nguồn từ sự kiện ngư dân phát hiện xác một con cá voi (ngư dân gọi là cá Ông) trôi dạt vào bờ.
Loài cá này theo người đi biển cho là "ân nhân" của các tàu, thuyền, ngư dân gặp nạn ngoài biển khơi. Vì vậy, ngư dân rất tôn kính, biết ơn loài cá này.
Tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có thờ cá Ông, nơi thờ gọi là Lăng Ông Nam Hải.
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức tại Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào giữa tháng 2 âm lịch.
Hoạt động sôi nổi nhất là đoàn tàu treo cờ, hoa... diễu hành ở khu vực cửa biển (Ảnh: CTV).
Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc thường được chính quyền địa phương và người dân Cà Mau tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16/2 âm lịch, tại cửa sông Ông Đốc.
Phần lễ của lễ hội diễn ra rất long trọng, trang nghiêm, thành kính. Người dân khắp nơi tụ hội về để cúng, viếng, tham gia nhiều hoạt động vui chơi ở phần hội trong không khí rất náo nức.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức để cầu cho biển yên, sóng gió lặng, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi được may mắn, bội thu tôm, cá.
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã trao quyết định của Bộ VH-TT&DL đưa lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vào di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Quân cũng đề nghị các ngành chức năng xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản này (Ảnh: CTTĐT Cà Mau).
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là một vinh dự của địa phương.
Do đó, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, để di sản ngày càng phát triển, sống mãi với thời gian.
Huỳnh Hải