Nguyễn Chí Sơn không chỉ là người sống chân thành mà còn là tên tuổi ở Ninh Thuận. Đến tham dự nhiều cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật tại TP.HCM, giới báo chí thường bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn đứng lặng lẽ.
Mặc dù ở xa nhưng mỗi khi có lời mời của anh chị em trong giới là ông từ Phan Rang lặn lội vào TP.HCM, gởi lẵng hoa chúc mừng rồi dành dụm tiền mua tranh ủng hộ cho các họa sĩ làm nghề. Có hôm ông khoe, đợt này mua nhiều tranh nhưng có lúc thấy ông buồn vì mua được tranh ít quá. Ông cũng không giấu ước mơ làm một bảo tàng nhỏ cho riêng mình ở quê nhà. Hiện ông sở hữu khoảng 500 tác phẩm của hơn 300 họa sĩ trước 1975 và họa trẻ Việt sau này.
Phòng tranh sưu tập của vợ chồng ông Nguyễn Chí Sơn tại Ninh Thuận Ảnh: Lý Đợi |
Rất nhiều hiện vật quý giá và độc đáo |
Các tác phẩm mỹ thuật được vợ chồng ông Nguyễn Chí Sơn cất công sưu tập và trưng bày đẹp mắt thu hút người xem Ảnh: Lý Đợi |
Nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn sinh ngày 5 tháng 2 năm Đinh Dậu (1957), theo bạn bè hiểu ngầm thì ông mạng hỏa (sơn hạ hỏa - lửa xuống núi), có lẽ vì vậy mà cha mẹ đặt tên Chí Sơn. Hiện ông có Nhà sách Nhân Văn ở TP.Phan Rang (Ninh Thuận) rất uy tín. Nhiều hiện vật về văn hóa Chăm sưu tầm hoặc mua được, ông bà đều hay ưu ái hiến tặng cho Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm của tỉnh Ninh Thuận.
Nhà báo Lý Đợi, một người em thân thiết với vợ chồng nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn cho biết: “Nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn gốc Huế. Ông sống ở Phan Rang từ lâu, bắt đầu chơi tranh từ sự khích lệ của anh trai và vợ - chị Trương Liễu, nhưng tự thân đã có am hiểu về nghệ thuật Chăm và đồ cổ, đồ gốm sứ. Ông rất ít khi tỏ ra mình am hiểu, mà chỉ nhẹ nhàng, gần gũi. Bộ sưu tập của ông có hai hướng chủ đạo, hội họa miền Nam trước 1975 và hội họa đương đại. Với các tác giả trẻ, nhiều bức ông mua với sự khích lệ, thấy thích là mua, giá hợp lý, chứ không quá băn khoăn về chuyện tương lai và thanh khoản. Nói tóm lại, dù bắt đầu hơi muộn một chút, nhưng bộ sưu tập của Nguyễn Chí Sơn - Trương Liễu tại Phan Rang đang đúng hướng, nên tự nhiên tương lai rộng mở, xán lạn".
Cũng theo nhà báo Lý Đợi: "Tại triển lãm Kết nối vừa tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, vợ chồng ông vào dự, nhưng về ngay khai mạc hôm 16.7.2020, vì tối 15.7 ông Sơn bị ngộ độc thức ăn. Về Phan Rang, ông phải nhập viện ngay sau đó, nhưng có vẻ bị chẩn đoán sai. Đến 22.7 thì chuyển vào Sài Gòn, với chẩn đoán mới là viêm lao màng não”.
Từ đó, nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn phải nằm viện điều trị. Qua thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo thì vào sáng nay 11.8, ông đã đuối sức và trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, sau 20 ngày mệt mỏi với căn bệnh viêm lao màng não. Hiện ông đang được gia đình đưa về nhà để chuẩn bị cho việc hậu sự.
Gia đình ông Nguyễn Chí Sơn và họa sĩ Võ Văn Quý (Nhất Quý, đầu tiên bên phải) tại triển lãm “Kết nối” ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Ảnh: Lý Đợi |
Tin buồn quá đỗi bất ngờ, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh tâm sự: “Dẫu biết là sinh tử vô thường, nhưng không thể tin nổi là anh đã ra đi. Hôm triển lãm Kết nối, tui nhờ anh trả lời phỏng vấn, anh bảo hôm qua anh mới bị ngộ độc nên nói lưu ý với chị phóng viên chỉ hỏi ngắn thôi, anh không trả lời dài được. Không ngờ đây là lần sau cùng anh xuất hiện, thật buồn quá đi, anh Sơn ơi. Cầu nguyện hương linh anh nhẹ bước trực vãng Tây phương - siêu sanh tịnh cảnh”.
Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn chia sẻ: “Từ hôm gặp anh ở triển lãm, tôi cũng có nghe anh nói đang bị mệt nên không ở chơi lâu được mà phải về. Anh với tôi cũng đã biết nhau bốn năm rồi, lúc anh nhờ Hữu Đức ở Đà Nẵng mua tranh tôi giùm cho anh. Sau đó biết nhau rồi tự liên lạc với nhau nhưng vừa rồi là lần gặp nhau đầu tiên. Anh cũng đã sưu tập của tôi bốn tác phẩm. Không ngờ lần gặp này lại là lần duy nhất và sau cùng. Mấy hôm nay không thấy anh lên mạng xã hội, có ngờ đâu anh lại từ giã bạn bè rồi. Xin thắp nén hương lòng tiễn biệt anh, một người đam mê sưu tập hội họa”.
Nhà báo Lý Đợi cũng thì không thể nào ngờ về sự mất mát quá lớn này: “Dẫu biết rằng biệt ly là đau khổ, nhưng sự ra đi bất ngờ của ông khi còn vui khỏe, quả là khó tin được. Ông ra đi để lại vợ và hai con gái còn đang đi học. Và họa giới mất đi một người sưu tập chân thành, hào phóng, gần gũi”.
Vĩnh biệt ông, nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn chí tình, chí nghĩa với anh em, đồng nghiệp và một tình yêu cháy bỏng với mỹ thuật Việt Nam.