Chuyên mục  


base64-17233649721071516969051.jpeg

Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ với bạn đọc trong buổi ra mắt hồi ký Khắc đi... khắc đến - Ảnh: HỒ LAM

Sáng 11-8, tại phòng tranh Lotus diễn ra buổi ra mắt hồi ký Khắc đi… khắc đến của đạo diễn Xuân Phượng. 

Đây là phần nối tiếp hồi ký Gánh gánh... gồng gồng..., cuốn sách giúp bà nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào 4 năm trước. Khi ấy, bà 92 tuổi. Còn hiện tại, bà đã 95 nhưng vẫn miệt mài viết, làm việc và cống hiến.

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng

Trò chuyện với độc giả, đạo diễn Xuân Phượng mong Khắc đi…Khắc đến như một "cầu nối" của bà với các bạn trẻ để có thể góp thêm được phần nào sự nhiệt huyết, năng lượng cho họ. 

Trong hành trình gắn bó với nghệ thuật hội họa, có không ít lần đạo diễn Xuân Phượng gặp những người trẻ giỏi giang, năng động nhưng cũng "chóng nản". 

Có bạn vừa mở phòng tranh được vài năm thì than thở với bà: "Bà ơi! Cháu oải lắm rồi! Làm sao để có thể tiếp tục được sự nghiệp khó khăn này...".

"Vậy nên, tôi nghĩ đến việc đưa những kinh nghiệm, thành công, thất bại, cay đắng, ngọt ngào về nghệ thuật hội họa của mình vào trang sách.

Hy vọng nó là chỗ dựa cho các bạn trẻ thấy câu chuyện của người đi trước và có động lực cố gắng.

Khắc đi…Khắc đến có nghĩa là "có đi thì mới có đến". Dù xa hay gần thì chúng ta vẫn sẽ đến khi có sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và lòng quyết tâm của chính mình". 

Trong sách, đạo diễn Xuân Phượng kể những trắc trở bà gặp phải khi theo đuổi nghệ thuật hội họa như: cháy xưởng tranh 2 lần, chuyển phòng tranh 7 lần vì khó khăn về kinh phí, điều kiện vật chất, rồi thì bị lừa mất một số tiền bán tranh không nhỏ...  

Nhưng tất cả những điều đó không làm bà chùn bước.

base64-17233649721371677939391.jpeg

Đạo diễn Xuân Phượng ký tặng độc giả - Ảnh: HỒ LAM

Qua cuốn hồi ký này, bà cũng muốn truyền tải thông điệp rằng: dù đã nghỉ hưu, đi qua nửa đời người thì ta vẫn có thể có một "cuộc đời thứ hai" trọn vẹn khi có đủ can đảm, nghị lực. Đó là một cuộc đời sau tuổi hưu không phí hoài bất kỳ một giây phút nào. 

"Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Đây là tên một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi rất thích. Đừng nản chí vì khó khăn, đừng tự giới hạn mình. Để làm được những điều đó, tôi nghĩ cần sự cố gắng rất nhiều" - đạo diễn Xuân Phượng tâm sự. 

'Hotel de la kho' trên đất Virginia

Trong hồi ký Khắc đi…Khắc đến, đạo diễn Xuân Phượng viết: 

“Kể từ những bước đầu tiên vác chuông đi đánh xứ người đầy vấp váp thiếu kinh nghiệm của năm 2001, trong hai mươi năm đi triển lãm tranh ở một số nước từ châu Á, châu Âu, châu Úc đến châu Mỹ, càng dày dặn kinh nghiệm càng có thêm nhiều thành tựu. 

Nhưng phía sau những nụ cười, những thành công ấy là những chông gai, cạm bẫy luôn rình rập. Gai nhọn hớt bất ngờ đâm thẳng vào người, cạm bẫy ngụy trang khéo léo đưa mình vào tròng".

base64-17233649721731434328867.jpeg

Hồi ký Khắc đi...khắc đến của đạo diễn Xuân Phượng - Ảnh: HỒ LAM

Có một kỷ niệm "dở khóc dở cười" khiến đạo diễn Xuân Phượng không thể quên trong hành trình "mang chuông đi đánh xứ người" này. 

Đó là một lần bà nhận được một lời mời sang triển lãm tranh tại bang Virginia, Mỹ. 

Rút kinh nghiệm về những đợt triển lãm đầu tiên ở các nước khác, bà hỏi tỉ mỉ về nơi ở, địa điểm treo tranh, cách di chuyển... Tất cả đều được trả lời nhanh chóng và đầy thiện chí. 

Sau đó, bà thành lập một đoàn gồm 4 họa sĩ, 1 nhiếp ảnh gia cùng 2 nhân viên phòng tranh lên đường đến Virginia. 

Nhưng khi đến nơi thì nơi nghỉ của đoàn là một ngôi nhà nằm khuất dưới những tán cây rậm rạp. Đồ đạc chuyển xuống ngổn ngang trước hiên nhà. 

"Không giường, không chăn, vài cái nệm, vài cái túi ngủ, một tủ lạnh chỏng chơ một bịch nước, mấy gói khoai tây chiên...

Đêm đầu tiên trên đất Mỹ, trên sàn gỗ lanh, tám con người như tám con sâu kèn cuộn tròn trong những chiếc túi ngủ. Mở vali đựng thức ăn dự trữ, lót lòng bằng những cốc mì tôm sống sít. Một đêm trắng.

Sáng hôm sau, tá hỏa nhận ra đây là một nhà kho bỏ không từ lâu giữa rừng" - bà kể trong hồi ký.

Vậy nên, bà mới nghĩ ra cái tên "Hotel de la kho" để đặt cho chỗ ở...đặc biệt này. Dù sau đó, đoàn của bà đã được phụ giúp giường xếp, nệm, gối bông, nồi cơm điện, xà phòng... từ những người bạn nhưng bà vẫn xem đây là một "kinh nghiệm nhớ đời" vì sự chủ quan và dễ tin người.

Đạo diễn Xuân Phượng sinh năm 1929. Bà là người đứng sau một số tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Việt Nam và chiếc xe đạp, Khi tiếng súng vừa tắt, Khi những nụ cười trở lại, Ông năm Yersin...

Bà được mệnh danh là "người đàn bà thép" của hội họa Việt.

Ở lĩnh vực văn học, bà gây tiếng vang với tác phẩm Gánh gánh... gồng gồng..., Giải thưởng Văn học năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020