Chuyên mục  


Ở làng hoa Đằng Hải (nay là phường Đằng Hải, quận Hải An ở TP Hải Phòng) quê tôi, việc bán hoa ngày xưa hầu như là việc của phụ nữ và gắn liền với đôi quang gánh. Sáng ngày Rằm, mùng Một, làng như có hội khi hàng trăm phụ nữ gánh hoa vào phố bán rong.

Tôi còn nhớ như in những gánh hoa ấy. Ngày 14, 30 âm lịch, tôi thường được mẹ gọi ra vườn cùng hái các loại hoa mẫu đơn, ngâu, sói, hồng, cúc, tỉa cánh hoa huệ… để ngày mai bà gánh lên phố bán cho người cúng Rằm, mùng Một.

Đường làng tôi sáng ngày rằm, chụp khoảng năm 1996

Người làng gọi như thế là đi "gói hoa". Trong đôi quang tre, sau này là quang sắt, luôn là 2 rổ sảo, dưới gài chiếc ghế gỗ. Một rổ sảo là mấy bó "hoa cành" bán cho người cắm lọ, vài nải chuối, hoặc dăm bó rau vườn nhà. Sảo còn lại dưới lót lá "màng ràng" rứt ở bụi tre cùng lá chuối, bó rơm, trên là các loại hoa xếp như mâm xôi. Ai mua hoa sẽ được các bà, các chị gói vào lá chuối, buộc dây rơm để về bày đĩa cúng trên ban thờ. Mỗi gói hoa giá vài ba hào vào đầu những năm 1980.

hoa-2-17292991129271116206074.jpg

Một khoảnh khắc khá thú vị khi cả ba phụ nữ cùng “đổi vai”, tức là chuyển đòn gánh từ vai nọ sang vai kia. Tôi không đi chợ bán hoa, nhưng có nhiều năm gánh nước tưới hoa mà không biết làm như họ, nên giờ vai bị lệch

Các bà, các chị khởi hành khoảng 6 giờ sáng và đi về phía Cát Bi, Cầu Rào hoặc Ngã Năm, Ngã Sáu; đông nhất là lên hướng Lạch Tray, Cầu Đất. Chợ Đổ, chợ Sắt, chợ Cố Đạo… cũng là nơi họ hay ngồi để bán hoa. Hôm nào bán chạy, chỉ 2-3 giờ chiều các bà, các chị đã về đến nhà. Ngày ế thì 6-7 giờ tối.

hoa-3-17292991130251780581663.jpg

Các gánh hoa đi trên “đường bao phía Nam” TP Hải Phòng những năm đầu 1990s, khi ấy mới chỉ được san gạt, con đường này nay là QL5 kéo dài

Khi đi thì gánh bộ cho tiện bán hàng, còn lúc về, muốn nhanh nên nhiều bà, nhiều chị chung tiền đi xích lô. Xích lô Hải Phòng khá rộng, chở được 2 người cùng quang gánh. Bà Đôi, bác họ tôi, một người bán hàng hoa chuyên nghiệp (ngày nào cũng đi) là một người như thế, đặc biệt là mỗi buổi tối cưỡi xích lô về qua đường An Đà (nay gần Trường ĐH Y Hải Phòng), bà đều cho xe dừng trước một quán bia hơi và đợi chủ quán bê ra nửa già cốc bia để bà uống cạn ngay trên xe, rồi trả 1.000 đồng. Khi ấy là đầu những năm 1990, bia hơi Hải Phòng giá 1.500 đồng/cốc.

hoa-4-17292991129042072547113.jpg

Cô Dung, bạn học cấp 1 của tôi, đang vẩy nước cho hoa trên phố cổ Tam Bạc, năm 2000

Để chụp được ảnh họ, tôi dậy sớm, lắp film độ nhạy cao và đón ở đầu làng. Chỗ dễ chụp nhất là mương nước liên xã, nay thuộc khuôn viên trường chuyên Trần Phú, nơi các gánh hoa thường dừng thành dãy để các bà và xuống múc nước rẩy cho hoa tươi lâu. Mỗi lần biết bị người làng chụp ảnh, họ lại cười hồn nhiên: ông Phổ chụp tôi cho lên báo đi. Họ không biết rằng đối với tôi, được chụp ảnh là một niềm vui, nhiều khi chụp chỉ để mà chụp, hoặc để… đấy.

Vì thế, những người trong các bức ảnh này không biết là phải 30 năm sau, họ mới được "lên báo". Bà Đôi và nhiều người trong số họ đã rời cõi tạm từ lâu. Nhưng hình ảnh họ, những người phụ nữ Việt Nam tảo tần chắt bóp để nuôi con, gây dựng gia đình sẽ mãi mãi còn đây trong yêu thương và kính trọng. Đó cũng là thông điệp mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc của Thể thao và Văn hóa nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Cuộc sống sau ống kính: Tạm biệt cảng lâu đời nhất Hải Phòng!

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020