Mâm cơm cúng rước ông bà ở một gia đình miền Tây Nam Bộ - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Từ bao đời nay, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với những người có công sinh thành, dưỡng dục dạy dỗ chúng ta nên người.
Tục lệ cúng rước ông bà về quây quần cùng con cháu ba ngày Tết là một trong những điều quan trọng đối với bất kỳ gia đình nào.
Dù khá giả hay nghèo khó, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ để cúng rước ông bà. Tùy vào hoàn cảnh, vùng miền mà những món ăn cúng rước ông bà cũng khác nhau.
Những món ăn trong mâm cúng thường là món ông bà thích ăn nhất lúc còn sống hoặc là những món ăn ngon con cháu muốn dâng cúng.
Mâm cúng thường có cơm trắng, thịt kho trứng, cháo vịt, cải chua, thịt xào đậu, thịt vịt khìa nước dừa... và trái cây, rượu, nước - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Tiến sĩ Trần Long - giảng viên khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết ngày trừ tịch năm nay là 30 tháng chạp, đêm trừ tịch là đêm 30 tháng chạp (ngày cuối cùng của năm, là ngày 29 tháng chạp nếu là tháng thiếu).
"Vào ngày cận Tết, sau khi đưa ông Táo về trời, người dân quét dọn, sửa sang nhà cửa. Sau đó mọi người đi tảo mộ ông bà, tổ tiên. Công việc này chậm nhất ngày 30 tháng chạp phải xong (ngày 29 tháng chạp nếu tháng thiếu).
Người dân sẽ cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Theo quan niệm dân gian, có thể rước ông bà về trước ngày 30 tháng chạp, để ông bà có thể tham gia sinh hoạt cùng con cháu lâu hơn.
Tùy gia đình, có những gia đình có việc sẽ đưa ông bà đi sớm. Thường thường ông bà ở với con cháu ba ngày Tết. Sớm nhất là mùng 4 Tết bắt đầu đưa ông bà đi" - tiến sĩ Trần Long nói.
Tùy theo từng gia đình, mâm cúng rước ông bà có thể là những món chay - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Tiến sĩ Trần Long - giảng viên khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: NVCC
Còn thời điểm cúng rước ông bà phải trước giờ Tý (giờ Tý bắt đầu từ 23h đến 1h sáng hôm sau).
Theo quan điểm của nhiều người xưa, Tết bắt đầu từ sau 23h đêm 30 tháng chạp.
Tiến sĩ Trần Long cho biết thêm: "Ngày cuối cùng cúng rước ông bà là ngày 30 tháng chạp, nhưng không được rước quá 23h, qua giờ đó là có lỗi với ông bà.
Do nước ta chủ yếu làm nông nghiệp nên xong việc đồng án, cúng rước ông bà tầm 18h.
Thông thường, việc cúng rước ông bà được chọn vào giờ Ngọ (từ 11h đến 13h), cũng là thời điểm thong dong.
Nhưng thời điểm đẹp nhất rước ông bà là giờ Thìn (từ 7h đến 9h) ngày 30 tháng chạp".