Trưng bày thu hút đông những người trẻ và du khách nước ngoài - Ảnh: BTC
Những câu chuyện tình son sắt, cảm động này được kể trong trưng bày chuyên đề Thắp ngọn lửa hồng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024).
Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai: Trọn một lời thề
Toàn bộ trưng bày kể câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù, được thể hiện qua ba phần:Tiếng súng mở đầu, Trọn một lời thề và Dấu xưa vang mãi.
Trong phần Tiếng súng mở đầu, người xem được tìm hiểu về các phong trào cách mạng từ 1930 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ở phần Trọn một lời thề, cuộc đời hoạt động cách mạng đầy dũng cảm và can trường của các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai được kể tóm tắt cùng những trích dẫn câu nói đầy khí phách của các nhân vật.
Và đặc biệt là những câu chuyện tình yêu son sắt của các chiến sĩ cách mạng cùng chung lý tưởng cao đẹp.
Hình ảnh vợ chồng Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai tại trưng bày
Khi bị bắt giam vào nhà tù thực dân, tình yêu càng tiếp thêm sức mạnh để họ vượt lên những đòn roi tra tấn tàn bạo. Tình yêu giữa những người đồng chí ấy dẫu phải chia lìa, dẫu phải hy sinh nhưng hạnh phúc riêng của họ đã hòa cùng hạnh phúc chung của dân tộc.
Đó là chuyện tình yêu xúc động của vợ chồng Lê Hồng Phong (1902 - 1942) và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941);
Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944) và đồng chí Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân) (1921 - 1949); Nguyễn Văn Mẫn (1909 - 1943) và Mai Ngọc Thuyết (1908 - 1994).
Năm 1934, đám cưới của hai người đồng chí Lê Hồng Phong (Lê Huy Doãn) và Nguyễn Thị Minh Khai diễn ra đầm ấm, giản dị ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Sau khi về nước, để đảm bảo nguyên tắc hoạt động bí mật, hai vợ chồng phải xa nhau.
Con gái họ, Hồng Minh, ra đời (đầu năm 1939) lúc Lê Hồng Phong bị địch bắt giam. Ít lâu sau, bà Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị địch bắt. Khi chúng bố trí cho hai người gặp nhau ở Sở Cảnh sát (1940), hai vợ chồng phải làm như không quen biết.
Ngày 28-8-1941, bà Nguyễn Thị Minh Khai bị xử bắn, lúc này chồng của bà bị giam ở Côn Đảo. Trước hôm bị xử bắn, bà chỉ kịp viết vội những dòng thư vĩnh biệt để gửi cho chồng.
Một năm sau, ngày 6-9-1942, ông Lê Hồng Phong cũng trút hơi thở cuối cùng vì sức khỏe suy kiệt.
Tuy chưa làm đám cưới nhưng bà Hoàng Ngân coi người đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh là chồng mình
Chuyện tình Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân: Đổi tên theo người yêu đã hy sinh
Chuyện tình giữa những người đồng chí cùng tham gia hoạt động cách mạng còn có chuyện của Hoàng Văn Thụ và Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân).
Họ chưa kịp tính đến hạnh phúc riêng thì năm 1941, khi tham gia một cuộc họp bí mật ở Hà Đông, bà Phạm Thị Vân bị địch bắt, kết án 12 năm tù và giam trong Nhà tù Hỏa Lò.
Hai năm sau, ông Hoàng Văn Thụ cũng bị địch bắt, giam tại Hỏa Lò. Ngày 24-5-1944, kẻ thù áp giải ông đi xử bắn. Sau ngày người yêu hy sinh, sức khỏe của bà Phạm Thị Vân suy yếu dần nhưng không nhụt ý chí. Tháng 3-1945, bà vượt ngục thành công.
Để kỷ niệm tình yêu son sắt của mình với người yêu đã hy sinh, bà đã xin tổ chức đổi tên thành Phạm Thị Hoàng Ngân (ghép họ của người yêu và chữ "Ngân"). Tuy chưa kết hôn nhưng bà coi Hoàng Văn Thụ là người chồng tôn kính của mình.
Ngày 1-7-1949, sau một trận sốt rét ác tính, bà trút hơi thở cuối cùng.
Chuyện tình vợ chồng Nguyễn Văn Mẫn - Mai Ngọc Thuyết gây xúc động đặc biệt
Lần duy nhất được ôm con là khi ở Hòa Lò
Còn bà Mai Ngọc Thuyết đã gặp người bạn đời của mình là ông Nguyễn Văn Mẫn (Tám) khi đi "vô sản hóa" ở Nhà máy Dệt Nam Định năm 1929. Sau đám cưới giản dị năm 1930, họ lại xa nhau.
Cuối năm 1931, Nguyễn Văn Mẫn bị địch bắt, khi con gái Hồng Tuyến của ông mới được vài tháng tuổi.
Năm 1933, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Mẫn mới được bế con khi vợ ông bế con vào Nhà tù Hỏa Lò tiễn biệt chồng trước khi chồng bị lưu đày Côn Đảo.
Đây cũng là lần gặp cuối cùng của gia đình nhỏ bởi 10 năm sau (1943), ông Nguyễn Văn Mẫn hy sinh do chế độ tù đày khắc nghiệt.
Biến đau thương thành sức mạnh, bà Mai Ngọc Thuyết vẫn kiên trung theo con đường đã chọn.