Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - Ảnh: NAM TRẦN
Lễ kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII đã được tổ chức trọng thể vào tối 21-6 tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự buổi lễ.
Chủ tịch nước chúc các nhà báo "tâm sáng, lòng trong, bút sắc"
Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới các thế hệ nhà báo, người làm báo, công chúng báo chí trong và ngoài nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ôn lại lịch sử 99 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước suốt một thế kỷ qua.
Chủ tịch nước cũng gửi lời chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII.
Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao cúp và giấy chứng nhận giải A - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên".
Và phải luôn thường trực lời Bác dạy: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ viết", "tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc".
Các nhà báo cần tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung…
Chủ tịch nước nhắn nhủ lực lượng những người làm báo cần tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần.
Không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Đồng thời Chủ tịch nước cũng lưu ý cần tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn".
Để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là "thư ký của thời đại", trở thành "người gác cổng của nhân dân", người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí - truyền thông hiện đại", Chủ tịch nước nhắn nhủ tới những người làm báo.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao giải B cho các tác giả - Ảnh: NAM TRẦN
Báo Tuổi Trẻ đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia
Về Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, nhà báo Lê Quốc Minh - chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - cho biết năm nay số lượng tác phẩm dự giải đạt ở mức cao nhất trong những năm gần đây là 1.905 tác phẩm.
Hội đồng chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo, và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải khuyến khích, với 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất.
10 giải A được trao cho các tác giả của các cơ quan báo chí như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản, Đài Truyền hình TP.HCM, báo điện tử VietnamPlus, báo Đầu Tư, báo Nông Thôn Ngày Nay, báo điện tử Dân Việt.
Tác giả Đậu Dung (giữa), báo Tuổi Trẻ, đại diện nhóm tác giả nhận giải C - Ảnh: NAM TRẦN
Báo Tuổi Trẻ được trao giải C với loạt 5 bài "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam" của nhóm tác giả Đậu Dung, Thiên Điểu, Mi Ly.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định giải báo chí năm qua đã có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng của xã hội. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội.
Người làm báo đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp.