Bất cứ điều gì nhỏ nhoi từ cuộc đời này, đều ẩn chứa một thông điệp lớn, một ý nghĩa rất riêng, và được ưu ái dành cho người nào biết sống sâu, và đủ sức mạnh để tĩnh lặng nhìn ngắm, chiêm ngưỡng nó. Với Nắng ngoài ô cửa sổ, tác giả trẻ Trần Ngọc Mỹ chỉ giản dị kể những câu chuyện đời thường, hết sức gần gũi với chúng ta, mà ta nhìn hàng ngày, và cũng có thể sượt qua, không để tâm chú ý. Đó có thể là chuyện mưu sinh của những cô gái sống trong nhà trọ, chuyện bệnh tật đến bất ngờ, chuyện một đôi yêu nhau nhưng tình yêu ấy cứ diễn tiến nhạt nhẽo, chuyện tan vỡ của một cặp vợ chồng bị cơm ăn áo mặc bào mòn, hay bi kịch gia đình với sự khác biệt thế hệ, sự vô cảm với ký ức, nỗi đau, sự lỏng lẻo trong quan hệ bố mẹ, con cái, sự ràng ríu kỳ cục của hủ tục cũ… Những chuyện đó không lạ, không mới, vì đó là chuyện của chúng ta hàng ngày. Nếu bạn đọc thích những điều mới lạ thì khó có thể bị những dòng chữ dung dị này của Trần Ngọc Mỹ níu kéo hết đến câu chuyện thứ ba.
Nhưng nếu kiên nhẫn hơn, cứ nhẩn nha đọc hết tất cả các câu chuyện trong Nắng ngoài ô cửa sổ, bạn sẽ nhận ra được đường dây dẫn một mạch hết các truyện, là một sự thật đắng cay, đó là chúng ta đang mất dần nhân tính, trở thành những rô - bốt, hay nhưng xác sống đang tồn tại giữa đời. Trần Ngọc Mỹ chỉ ra rằng, sự bào mòn nhân tính, sự mục ruỗng của hồn người đã lan rộng. Không với tới tầng lớp được coi là “tinh hoa”, Ngọc Mỹ chỉ miêu tả cuộc sống phổ rộng của tầng lớp bình dân với nhưng mưu sự tầm thường, nhưng cũng đủ để cho thấy mặt trái của kinh tế thị trường, của cơn lốc cuộc sống hiện đại tiện nghi đã xô đổ tượng đài tình cảm truyền thống, những giá trị gia đình xưa như thế nào.
Không có một nhân vật thực sự cá tính mạnh mẽ nào đáng chú ý trong mỗi truyện ngắn trong tập Nắng ngoài ô cửa sổ. Không có hình mẫu người hùng dù “đỏ” như “Anh hùng Núp”, hay “đen” như “Năm Sài Gòn”, các nhân vật trong tập truyện của Trần Ngọc Mỹ chỉ là những anh chị làng nhàng không thực sự “đỏ”, và “đen” cũng không đến tận cùng. Thậm chí họ ngơ ngác nhập những vai không phải dành cho mình, để rồi lại chuồi ra và băn khoăn vừa đi vừa tự hỏi mình là ai, mình làm gì. Cũng có đôi khi, nhân vật chợt bừng tỉnh nhìn thấy Nắng ngoài ô cửa sổ như nhân vật Phương trong truyện ngắn được lấy nhan đề làm tên cả tập, nhưng sự bừng tỉnh trong chốc lát đó vẫn không đủ mạnh để kéo nhân vật thoát khỏi vòng xoáy tham lam của mưu cầu thường nhật. Họ vẫn lại mặc vào những cắc cớ nhàm tẻ của cuộc đời, và rồi lại “vô tình đi sượt qua nhau” không chỉ đối với những đôi lứa đang yêu, mà ngay cả với cha mẹ và con cái. Thậm chí con người cứ nhàn nhạt trôi đi, họ bỏ nhau rồi mà vẫn không thể hiểu được đến tận cùng gốc rễ của sự rời rạc, tan vỡ. Tất cả đang yếu ớt vẫy vùng trong những khổ đau, tù túng không lối thoát. Nó chỉ ra một điều rằng, hóa ra chúng ta đang sống dở - 99 độ nước chưa sôi được!
Bằng cách kể bình dị về những bi kịch nhỏ, qua tập truyện Nắng ngoài ô cửa sổ, Trần Ngọc Mỹ vẽ nên chân dung cuộc sống của người dân thường hôm nay, đôi khi tồn tại đó mà thiếu một điều quan trọng: lửa sống!