Chuyên mục  


ho-xuan-huong-17343128034411076434114.jpg

Những bản Truyện Kiều cổ trong bộ sưu tập của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Ảnh: T.ĐIỂU

PGS.TS Điện Minh Điền (Trường ĐH Vinh) và GS.TS Lã Nhâm Thìn (nguyên trưởng khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết đây là hội thảo khoa học đầu tiên bàn về cả hai danh nhân - thi sĩ Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khẳng định di sản to lớn mà cả hai thi sĩ đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam, cũng như phân tích những điểm tương đồng lẫn khác biệt trong thân thế lẫn văn chương của hai người.

Họ từng yêu nhau sâu nặng?

Ý kiến tham luận của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng và TS Hồ Bất Khuất (Trường ĐH Vinh) nhận được sự quan tâm đặc biệt khi đề cập chuyện tình giữa hai thi sĩ - danh nhân.

Cả bà Hằng và ông Khuất đều khá thống nhất về quãng thời gian hai người yêu nhau khoảng 1790-1793 tại kinh thành Thăng Long, có khác nhau về lý do không thể thành hôn.

Ông Hồ Bất Khuất cho biết dù chuyện tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương không có sử sách nào chép lại nhưng lần theo gia phả dòng họ Hồ ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) và xem xét kỹ những tác phẩm của Hồ Xuân Hương thì thấy rất rõ chuyện tình sâu nặng này.

Theo cuốn Hồ tông thế phả (gia phả chép tay bằng chữ Hán, hiện nay được ông Hồ Hồng Nguyên cất giữ, xuất bản năm 2021) thì "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương được sinh ở phường Khán Xuân (Thăng Long), con ông Hồ Phi Diễn - đời thứ 11, chi thứ hai họ Hồ Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Hồ Xuân Hương ngang hàng (đời thứ 12) với những người họ Hồ nổi tiếng khác như ba anh em Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (cha họ Hồ nhưng các con theo họ Nguyễn của mẹ).

Theo ông Khuất, những người đầu tiên phát hiện mối quan hệ giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là các cụ Giải nguyên Lê Thước, Phó bảng Phan Sĩ Bàng.

Năm 1922, các cụ đã về Tiên Điền (quê hương Nguyễn Du) và được cụ Nguyễn Mai (1876-1954, tiến sĩ khoa Giáp Thìn năm 1904) - là người tiêu biểu của họ Nguyễn Tiên Điền - cho biết cụ Tố Như trước kia có quen thân với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Tiếp đến, tác phẩm Trong rừng nho của Ngô Tất Tố viết từ những năm 1937-1938, in báo, năm 2021 được sưu tầm và in thành sách, mà tác giả gọi là Dã sử Hồ Xuân Hương, cho thấy một Hồ Xuân Hương sống ở kinh thành Thăng Long với các mối quan hệ cùng các bạn văn chương, trong các bạn văn thấy phảng phất dáng hình Nguyễn Du.

ho-xuan-huong-1-17343128605761732883988.jpg

Những số tạp chí Văn Học xuất bản năm 1960 bàn về thơ Hồ Xuân Hương, thuộc bộ sưu tập của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Bằng chứng giấy trắng mực đen

Tuy nhiên theo ông Khuất, phải đến năm 1964 khi nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện tập thơ chép tay Lưu Hương Ký (gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm) thì người ta mới chính thức công nhận mối tình giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du.

Trong Lưu Hương Ký có bài thơ của Hồ Xuân Hương gửi cho Nguyễn Du rất đáng chú ý. Đó là bài thơ Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn hầu, mà tác giả có chú thích thêm mấy chữ "Hầu Nguyễn Tiên Điền" để nói rõ là Nguyễn Du chứ không phải ai khác.

Trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho biết mùa hè năm Kỷ Tỵ (1809), Nguyễn Du được bổ làm cai bạ Quảng Bình. Tháng 2 năm Quý Dậu (1813), ông được phong Cần chánh điện học sĩ. Như vậy, Hồ Xuân Hương làm bài thơ này sau khi biết Nguyễn Du được phong chức Cần chánh điện học sĩ.

Bà công khai mối tình với Nguyễn Du, nói cụ thể là đã yêu nhau trong ba năm bằng câu "Chữ tình chốc đã ba năm vẹn".

Ông Khuất khẳng định "đây là bằng chứng rõ ràng trên giấy trắng mực đen" về mối tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương.

Cả bà Hằng và ông Khuất đều đồng thuận rằng đại thi hào Nguyễn Du là mối tình đầu của Hồ Xuân Hương. Họ yêu nhau trong khoảng thời gian 1790 đến 1793.

Thời gian này dinh thự của Nguyễn Nễ ở Bích Câu (kinh thành Thăng Long) bị kiêu binh đập phá nên Nguyễn Du ra sống tại Gác Tía của Nguyễn Khản ở hồ Tây. Tại đây, Nguyễn Du làm quen Hồ Xuân Hương khi bà khoảng 18 tuổi.

Họ chia xa khi Nguyễn Du cùng với em là Nguyễn Ức phải về quê. Đó là lý do mà hai người không thể kết hôn dù lúc ấy người vợ cả của Nguyễn Du đã mất, theo ông Khuất.

Ông Khuất cho biết GS Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) hay TS Phạm Trọng Chánh (Viện Đại học Paris) đều dựa vào các tác phẩm của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương để khẳng định hai thi sĩ đã có một chuyện tình sâu nặng.

TS Phạm Trọng Chánh còn cho biết Hồ Xuân Hương viết cho Nguyễn Du 17 bài thơ và Nguyễn Du gửi Hồ Xuân Hương 11 bài.

Hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Nghiên cứu danh nhân... phối hợp tổ chức với sự tham gia của đông đảo những nhà nghiên cứu văn hóa và văn học, nhà thơ uy tín như GS.TS Phong Lê, GS.TS Trần Đình Sử, GS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nhà thơ Trần Đăng Khoa...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020