Sophia thân mến! Ở bất kì nền văn hóa nào, khi đọc sách, nghe nhạc, xem tranh, chúng ta đều gặp câu chuyện về những tác giả dành hết tình cảm cho vùng đất mà mình đã sinh ra và lớn lên. Dù là một đô thị hay một làng quê, vùng đất ấy vẫn luôn ẩn hiện trong những sáng tác của họ, với nguồn cảm hứng không bao giờ cạn.
Cũng dễ hiểu, ai mà chẳng yêu, chẳng nhớ về nơi đã gắn bó với thời thơ trẻ của mình.
Nhưng tôi đang muốn kể về những người khác - những người dành trọn tình yêu cho một vùng đất không phải nơi họ sinh ra. Và vùng đất trong câu chuyện hôm nay là Hà Nội.
Hãy lấy ví dụ về giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa từng tổ chức trong 16 năm qua. Ở đó, nhiều cái tên lớn từng được vinh danh như nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà sử học Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc... đều sinh ra từ những vùng đất khác. Nhưng, nét tương đồng nổi bật nhất ở họ chính là tình yêu Hà Nội - điều được thấy rất rõ qua những sáng tác hoặc biên khảo giàu giá trị về mảnh đất dày dặn địa tầng văn hóa này.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (phải) và nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (trái) trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội lần 16-2023 cho đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: Hòa Nguyễn
Và, nó khiến ta nhớ tới lời chia sẻ của một tác giả, cũng không sinh tại Hà Nội, trong mùa giải năm nay. Rằng, anh đôi lúc không có đủ can đảm để viết về vùng đất này, sau khi đọc vô vàn tác phẩm và công trình của những người đi trước. Nghĩ vậy, để rồi lại cầm bút viết với tâm niệm Hà Nội không phải của riêng ai, và mỗi người sẽ thể hiện tình yêu Hà Nội với nó theo cách của mình.
Sophia thân mến!
Nếu những câu chuyện ấy chưa đủ thuyết phục, tôi có thể kể thêm cả một danh sách dài về những "ông Tây" từng xuất hiện trong giải thưởng mang tên danh họa lớn của Hà Nội. Họ là TS Olivier Tessier với bộ sưu tập các ảnh tư liệu quý giá về Thành cổ Hà Nội, là nhà ngoại giao người Anh John Ramsden với hơn 1.700 bức ảnh chụp thành phố trong thập niên 1980, là tác giả Martin Rama người Uruguay với cuốn Hà Nội một chốn rong chơi, là "ông Tây móc cống" James Joseph Kendall người Mỹ từng hì hục lội xuống các sông hồ để nhặt rác cho thành phố.
Gần nhất, ở giải năm nay, đó là nhiếp ảnh gia Mỹ William E. Crawford, người đã dành đến 30 năm để chụp Hà Nội và Việt Nam. Chẳng có gì đủ sức bắt ông thực hiện hành chính ấy, ngoại trừ những cảm xúc với một Hà Nội vắt qua 2 thế kỷ
Nhiếp ảnh gia William E.Crawford
Sophia thân mến!
Tôi kể vậy không phải để đong đếm giữa những sáng tác của người-không-sinh-ra-ở-Hà Nội với nửa kia. Câu chuyện ấy khiến ta nhớ về một nhận xét của nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời, rằng trong lịch sử, cư dân tứ xứ dồn về lập nên Hà Nội, chứ làm gì có Hà Nội "gốc" tới mấy chục đời - họa chăng, "gốc" là dăm, bảy anh đánh cá từ hồi nó là vùng sông hồ chằng chịt. Và nếu khen người Hà Nội hay, khen Hà Nội đẹp, thì đơn giản đó là cái hay, cái đẹp kết tụ từ tinh hoa bao nhiêu xứ khác về đây.
Như thế, những giá trị của một thành phố Hà Nội chắc chắn luôn phải bắt đầu từ con người. Và trong suốt lịch sử hơn một thiên niên kỷ, những giá trị đó là kết tinh từ những gì mà cộng đồng cố gắng tạo dựng, duy trì và để lại cho thành phố - trong đó có những người không lớn lên ở Hà Nội, nhưng chắc chắn lại hiểu và yêu quý nó hơn rất nhiều người sinh ra tại mảnh đất này.
Mà có lẽ, thành phố nào trên thế giới cũng vậy, cũng được vun đắp bằng nỗ lực và tình yêu của cả một cộng đồng lớn, chứ không thể chỉ giới hạn ở những người sinh ra tại đó?
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!