PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (giữa) chủ trì hội nghị - Ảnh: T.ĐIỂU
Một số người nói 50 năm qua văn học chỉ có nền mà không có đỉnh cao, một số khác không đồng tình.
Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 5 với chủ đề "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế" do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức vào ngày 27-11 tại Hà Nội nhận nhiều ý kiến từ các nhà văn, nhà thơ lẫn nhà nghiên cứu, phê bình.
Thiếu đỉnh cao hay phê bình thiếu tinh tường?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam - chủ trì hội thảo.
Ông Điệp ghi nhận cùng với sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhìn tổng thể, phần lớn đội ngũ cầm bút là những văn nghệ sĩ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân.
Một số tác giả để ại dấu ấn trong giai đoạn văn chương 50 năm qua - Ảnh: T.ĐIỂU
Sự đổi mới văn học bắt đầu từ sự tìm kiếm một ý thức mỹ học mới. Mỹ học thời chiến được thay thế bởi mỹ học thời bình, cái nhìn sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư.
Văn học sau 1975 cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Nhờ đó mà đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng đời sống văn học Việt Nam sau 1975 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: "Vì sao đã 50 năm trôi qua, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao?".
Vẫn còn không ít nhà văn quá say mê với cái tôi riêng tư nhỏ hẹp hoặc chạy theo thời thượng mà chưa dấn thân quyết liệt để chạm tới lõi sâu của lịch sử, văn hóa và khát vọng của dân tộc.
Còn quá ít nhà văn đủ sức mở ra những chiều kích mỹ học mới mẻ, hiện đại.
Trước nhận định "quá hiếm những đỉnh cao", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đặt câu hỏi liệu đánh giá này có thỏa đáng?
Ông Chiến cho biết ông cũng vừa đọc một ý kiến cho rằng thơ Việt Nam từ sau 1975 đến nay chỉ có nền mà không có đỉnh. Ông Chiến không đồng tình.
Theo ông, từ sau 1975, những chuyển biến của văn học đã mang đến những thành tựu mới. Chỉ riêng lĩnh vực thi ca đã có những bước chuyển cơ bản, rất mới về nội dung và nghệ thuật, thơ gần gũi với cuộc đời, với tâm sự buồn vui của con người, với thiên nhiên hơn, chạm vào cõi sâu của tâm hồn người.
Không nhìn ra những đỉnh cao thơ là do các nhà phê bình cứ mãi ngủ quên trên giá trị thi pháp cũ mà chưa nhắc nhiều đến giá trị thi ca đổi mới với nhiều thành tựu nổi bật.
Ông Chiến khẳng định thơ 50 năm qua "có rất nhiều đỉnh cao". Cái mà văn học thiếu là "thiếu những tinh tường, kiệt xuất trong phê bình văn học, nên 50 năm rồi mà không có một tác phẩm phê bình tầm cỡ như Thi nhân Việt Nam".
Không thua kém văn chương tiền chiến
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tranh luận nói trên, PGS.TS Phạm Xuân Thạch cũng đồng tình quan điểm văn học từ sau 1975 có đỉnh cao, có tác phẩm lớn.
Ông dẫn ra ở thể loại tự sự hư cấu có những đỉnh cao như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương và nhiều tác giả khác nữa...
Chú tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng văn chương Việt Nam 50 năm qua có không ít thành tựu - Ảnh: T.ĐIỂU
Ở thể loại phi hư cấu, Nguyễn Vĩnh Nguyên viết không thua gì Nguyễn Tuân.
Ở mảng thơ ca, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều... xuất sắc; thơ của Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn rất hay...
Ông Thạch khẳng định văn chương Việt Nam từ sau 1975 đến nay cái chúng ta không có là những nhà phê bình dám đặt cược vào chuyện khẳng định có tác phẩm đỉnh cao.
Đánh giá về văn học 50 năm qua, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương ghi nhận văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước "vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan".
Ông khẳng định nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào vì những gì nó đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua.
Điều các nhà văn cần suy nghĩ tiếp là văn học của chúng ta sẽ đi tiếp tới đâu, cần phải đi tiếp tới đâu, cách đi ra sao để chứng tỏ nội lực văn hóa truyền thống và sức vóc của dân tộc trong thời đại mới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định nền văn học trong 50 năm qua không nhỏ bé như chúng ta hình dung, nhưng cũng không vĩ đại quá như chúng ta tưởng tượng.
Bảo Ninh là một trong những đỉnh cao của văn học Việt Nam từ 1975 đến nay - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông Thiều dẫn chứng về giá trị của văn học Việt Nam những năm qua. Trong nhiệm kỳ chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Thiều đã hai lần nhận được thư của chủ tịch Viện hàn lâm Thụy Điển mời đề cử tác phẩm văn học Việt Nam để trao giải Nobel văn chương.
Ông Thiều khẳng định đây không phải là hành động ngoại giao. Ủy ban giải thưởng Nobel đang tìm kiếm những giá trị văn học ở những vùng văn học khuất lấp, mà Việt Nam là một vùng khuất lấp nhiều giá trị.
Điều đáng tiếc là 50 năm qua việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài quá kém, và ông thừa nhận đó là lỗi của Hội Nhà văn Việt Nam khi chưa thực hiện được những gì mong mỏi.
Nhà phê bình Văn Giá nói trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến nay có khoảng trống trong nghiên cứu về vùng văn học Hà Nội tạm chiếm 1948-1954.
Hay về các tác giả, các ấn phẩm/tác phẩm của phong trào Nhân văn - Giai phẩm, bộ phận văn học miền Nam 1954-1975...
Ông Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ tiếc nuối khi chưa tổ chức được hội thảo tổng kết văn học miền Nam 1954-1975.