Tác phẩm thuộc dòng kịch thể nghiệm, dài 90 phút, gồm hai diễn viên Kiến An - vai ông lão Santiago, và Anh Khoa - vai cậu bé Manolin, cộng sự của ông. Vở gốc do êkíp Hàn Quốc sản xuất, từng công diễn tháng 10/2023 với hơn 130 suất. Đạo diễn Công Ninh dựng lại phiên bản Việt, giới thiệu tại TP HCM cuối tuần qua.
Các phân cảnh trong kịch "Ông già và biển cả". Video: Ngọc Tuyết
Công Ninh cho biết nhận lời mời từ đơn vị phía Hàn vì tâm đắc thông điệp về thiên nhiên, con người trong tiểu thuyết của Ernest Hemingway. Ông mất một tháng tư duy lối dựng mới, hướng dẫn diễn viên trong các trường đoạn nặng về tâm lý. Đạo diễn biến tấu một số tình tiết, chẳng hạn nhân vật ông lão trở về đất liền với bộ xương trắng của cá kiếm (khác với cảnh con cá bị cắn loang lổ trong bản gốc).
Vở kịch áp dụng công nghệ XR (biểu diễn thực tế ảo). Ở những cảnh nhân vật lênh đênh trên sóng biển, con thuyền được nâng lên, hạ xuống bằng máy, kết hợp màn hình LED, âm thanh, ánh sáng để tăng hiệu ứng thị giác cho người xem. Đa số công nghệ được vận chuyển từ Hàn Quốc sang Việt Nam bằng đường biển. Trong đó, thiết bị chính (dùng để điều khiển con thuyền) nặng hơn 250 kg, được vận chuyển bằng máy chuyên dụng.
Nghệ sĩ Kiến An nói hào hứng khi được đạo diễn Công Ninh mời vào vai chính. Tuy nhiên, lúc tập luyện, diễn viên cảm giác như "trèo lên lưng cọp" vì nhiều phân đoạn khiến ông kiệt sức, như cảnh chiến đầu với bầy cá mập. Trước ngày công diễn, ông ngất do lịch tập căng thẳng. "Dù vậy, tôi hạnh phúc vì tham gia một tác phẩm kinh điển mà đông đảo nghệ sĩ đều ước được thể hiện", ông cho biết.
Đạo diễn Công Ninh trong suất diễn ở TP HCM hôm 24/11. Ảnh: Nhật Đông
Ông già và biển cả là tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway (1899-1961) viết ở Cuba năm 1951, xuất bản năm 1952. Trong truyện, ông dùng nguyên lý "tảng băng trôi" trong văn học, chỉ mô tả ba phần nổi, còn lại là bảy phần chìm, khi thể hiện cuộc chiến không cân sức giữa con cá hung dữ và ông già. Là bản anh hùng ca về sức lao động và khát vọng của con người, tiểu thuyết trở thành một trong những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Truyện được dựng thành phim vào năm 1958, nhiều lần chuyển thể thành kịch nói, nhạc kịch.
Nghệ sĩ Công Ninh 62 tuổi, nổi tiếng với các phim Ai xuôi vạn lý, Mẹ con Đậu Đũa, Đời cát, Blouse trắng. Ngoài đóng phim, ông dàn dựng nhiều vở kịch sân khấu. Vở Dạ cổ hoài lang do ông làm đạo diễn ở sân khấu 5B TP HCM, đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Năm 1999, ông đoạt giải "Nam diễn viên xuất sắc" ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Công Ninh còn giảng dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, là thầy của nhiều diễn viên như Ngọc Tưởng, Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Lê Khánh, Hòa Hiệp.
Mai Nhật