Chuyên mục  


Vùng chậu nằm ở bụng dưới, bao gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung , âm đạo, ngoài ra còn có bàng quang và đại trực tràng. Khám vùng chậu là kiểm tra và thể chất các cơ quan sinh sản của phụ nữ. Trong quá trình khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng, âm hộ, buồng trứng và tử cung.

1. Khi nào nên khám vùng chậu?

Theo các chuyên gia, đối với chị em dưới 40 tuổi nên thăm khám vùng chậu định kỳ 1 năm/lần. Đối với chị em từ 40 tuổi trở lên, nhất là lứa tuổi mãn kinh thì nên thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào bệnh sử, bác sĩ có thể đề nghị khám thường xuyên hơn. Phụ nữ nên khám vùng chậu lần đầu tiên ở tuổi 21 trừ khi các vấn đề sức khỏe khác yêu cầu sớm hơn.

vung-chau-17273302473532072896812-1727681850280-17276818539501509014312.jpg

Vùng chậu nằm ở bụng dưới, bao gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung, âm đạo, ngoài ra còn có bàng quang và đại trực tràng.

Phụ nữ trên 21 tuổi nên khám vùng chậu định kỳ, tương tự như kiểm tra tổng quát. Tuy nhiên, những lý do đặc biệt để khám phụ khoa bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường hoặc tiết dịch.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
  • Lo ngại về ung thư buồng trứng, u nang, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các vấn đề phụ khoa khác.
  • Đôi khi bác sĩ cần thăm khám trước khi kê đơn ngừa thai.

Nếu chưa bao giờ khám vùng chậu, hãy cho bác sĩ biết khi đặt lịch hẹn thăm khám. Lên lịch khám vùng chậu vào ngày không có kinh. Tuy nhiên, nếu lo lắng về vấn đề kinh nguyệt, bác sĩ có thể đề nghị khám trong thời kỳ kinh nguyệt. Nên tránh quan hệ tình dục và dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, các loại thuốc đặt, thụt rửa sâu bên trong âm đạo trong 2 ngày trước đó nhằm tránh nhầm lẫn khi phân tích mẫu bệnh phẩm.

2. Các cách khám vùng chậu

Kiểm tra trực quan: Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan âm đạo và âm hộ. Bác sĩ có thể tìm kiếm vết đỏ, kích ứng, tiết dịch, u nang hoặc điều gì đó cho thấy bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như vết loét.

Dùng mỏ vịt: Bác sĩ dùng một dụng cụ gọi là mỏ vịt đưa vào âm đạo để kiểm tra cổ tử cung để phát hiện ban đỏ, tổn thương, khí hư hoặc ra máu ở lỗ cổ tử cung.

Phết tế bào cổ tử cung (Pap): Bác sĩ lấy tế bào ở cổ tử cung, nằm ở cuối âm đạo. Thủ tục này được gọi là xét nghiệm Pap. Bằng cách nhìn vào các tế bào, bác sĩ sẽ chẩn đoán các tình trạng như ung thư và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các tế bào này có thể bất thường mà không gây triệu chứng ở bệnh nhân tiền ung thư cổ tử cung và phương pháp này giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng cách phát hiện những thay đổi tiền ung thư.

Khám bằng tay: Bác sĩ dùng tay kiểm tra cơ quan sinh sản bên trong. Cách kiểm tra thủ công này sẽ phát hiện những bất thường ở tử cung hoặc buồng trứng. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ có thể xác định kích thước tử cung, kiểm tra việc mang thai cũng như bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của ống dẫn trứng...

Ngoài ra, bác sĩ thực hiện khám trực tràng bằng cách đưa ngón tay vào cả trực tràng và âm đạo cùng lúc để kiểm tra những bất thường ở mô giữa hai cơ quan. Khám trực tràng âm đạo có thể phát hiện khối u buồng trứng.

Với các cách khám vùng chậu này, bác sĩ có thể phát hiện nếu thấy dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, kết quả phết tế bào Pap sau vài ngày mới biết kết quả.

3. Khám vùng chậu là cần thiết

kham-vung-chau-1727330544626321663356-1727681854496-172768185467330032217.jpg

Khám vùng chậu là việc nên thực hiện định kỳ.

Khám vùng chậu là điều cần thiết để xác định sức khỏe tình dục và sinh sản của phụ nữ, phát hiện các tình trạng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như ung thư hoặc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Nhiều phụ nữ cảm thấy ngại đi khám vùng chậu vì chủ quan, hoặc sợ những cảm giác khó chịu khi khám, chẳng hạn như đau, có thể ra máu sau khám. Tuy nhiên, khám vùng chậu là việc nên thực hiện định kỳ. Theo các chuyên gia, bệnh phụ khoa gây ảnh hưởng chất lượng sống, quan hệ vợ chồng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tình trạng vô sinh nữ do mắc u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, viêm âm đạo, tắc vòi trứng…

Bệnh vùng chậu được phát hiện và chữa trị sớm thì chi phí điều trị ít, rủi ro y khoa cũng ít đi. Người bệnh được quản lý tốt, khối u nhỏ thì việc phẫu thuật dễ dàng hơn, khả năng bảo tồn tử cung cao. Ngược lại khối u to, đa nhân xơ việc bóc tách khó khăn, nhiều trường hợp phải cắt tử cung…

Do đó, để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất phụ nữ nên đi khám 6 tháng/lần hoặc đi khám ngay nếu có dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh vùng chậu như: khí hư bất thường, ngứa rát vùng âm hộ, đau trong và sau quan hệ, xuất huyết tử cung bất thường, đau vùng lưng - bụng - chậu, tiểu nhiều hoặc són tiểu, kinh nguyệt không đều hoặc rong kinh , đau bụng kinh liên tục, dịch âm đạo có mùi hôi…

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020