Uể oải, mệt mỏi, chán chường... do mất cân bằng hormone - Ảnh minh họa
Sự thay đổi nhỏ về hormone cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe
Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, hormone có công việc chính là "người đưa thư", hỗ trợ các tế bào của cơ quan này truyền đạt tín hiệu đến mô của những cơ quan khác.
Hoạt động này thực hiện qua đường máu, máu tuần hoàn xuyên suốt cơ thể giúp hormone hoàn thành chức năng tại cơ quan tiếp nhận. Khi tiếp nhận một loại hormone, các tế bào sẽ tương tác, phản ứng lại với chính hormone đó.
Cơ thể có nhiều loại hormone điều hòa hoạt động các cơ quan và điều tiết các chức năng sinh lý. Sự thay đổi rất nhỏ cũng gây hệ lụy với sức khỏe, ảnh hưởng tới các hoạt động sinh lý, tác động tiêu cực tới nhiều bộ phận, cơ quan.
Bác sĩ Tuấn phân tích hormone là tác nhân điều tiết, một số hoạt động không thể thiếu sự đóng góp của hormone: chuyển hóa thức ăn, nhịp sinh học, trao đổi chất, sinh trưởng và phát triển.
Nhiệm vụ chính của hormone:
- Đảm bảo cơ quan sinh sản được phát triển một cách bình thường, duy trì chức năng tình dục ở cả 2 giới;
- Thúc đẩy các mô hoặc các tế bào tăng sinh và phát triển. Từ hoạt động này sẽ giúp điều tiết quá trình sinh trưởng, phát triển của cơ thể;
- Tham gia tích cực vào hoạt động trao đổi chất và năng lượng, cụ thể là tiêu hóa thức ăn, chuyển đổi thức ăn thành năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết;
- Điều chỉnh cảm xúc, tâm trạng cũng như chức năng nhận thức của não bộ;
- Điều tiết cơ thể để nhanh thích nghi với sự thay đổi của môi trường;
- Hormone còn có vai trò quan trọng trong quá trình cân bằng nội môi xảy ra ở dịch nội bào và ngoại bào.
Sống lành mạnh để cơ thể khỏe mạnh, hạnh phúc - Ảnh minh họa
7 loại hormone quyết định sức khỏe và sự vui vẻ của con người
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường Đại học Y Dược, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, rối loạn hormone (bao gồm cả dư thừa và thiếu hụt) chỉ cần bất thường rất nhỏ cũng có khả năng dẫn tới nhiều hệ lụy với sức khỏe, nhất là phụ nữ: Da nổi nhiều mụn; Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt; Huyết áp gia tăng bất thường; Giảm ham muốn tình dục; Tâm trạng khó chịu, bứt rứt, lo âu, dể thay đổi cảm xúc và dễ mắc bệnh phụ khoa.
Khi người ta cảm thấy uể oải, vui buồn thất thường, ngại hoạt động..., đó có thể do sự mất cân bằng 7 loại hormone trong cơ thể gồm:
- Hormone estrogen: Đây là hormone sinh dục nữ. Hormone này sản sinh trong buồng trứng, giúp các mạch máu hoạt động hiệu quả, giúp da đàn hồi và mềm mại, giúp hệ thần kinh tránh xa mọi căng thẳng.
Để giữ mức độ hormone bình thường trong cơ thể, bạn cần cung cấp đủ vitamin E (có trong dầu thực vật, các loại cây họ đậu), vitamin K (cây sina, bí đỏ, gan, lòng đỏ trứng), axit folic (rau mùi, bắp cải)
- Testosterone (Hormone sinh dục nam): Hormone này biểu tượng cho sức mạnh và sự ham muốn. Khi lượng hormone testosterone trong cơ thể không đủ, đàn ông sẽ dễ nổi nóng, giảm trương lực trong cơ thể, giảm trí nhớ và khả năng làm việc.
Để giúp quá trình sản xuất hormone này được ổn định, cần cung cấp cho cơ thể những thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, thịt lợn nạc, cá biển). Nếu uống nhiều hơn 0.5 lít bia mỗi ngày, lượng hormone testosterone trong cơ thể sẽ giảm.
- Hormone Oxytocin: Đây chính là hormone tình yêu và sự quan tâm. Lượng hormone oxytocin mất nhiều nhất đối với phụ nữ vài tháng đầu sau sinh, đối với nam giới sau quan hệ tình dục. Thiếu lượng hormone này trong cơ thể sẽ gây ra chán nản và dễ bực bội.
Để Hormone oxytocin được sản xuất nhiều hơn, không nên kìm nén cảm xúc. Việc sản sinh ra hormone này phụ thuộc vào tình yêu và sự âu yếm. Sô cô la, chuối, bơ và một số loại thực phẩm như quả bầu, rau cần tây rất cần cho quá trình sản xuất hormone oxytocin.
- Hormone thyroxine: Đây là Hormone của trí tuệ. Hormone này được sản sinh bởi tuyến giáp, giúp quá trình trao đổi chất, phối hợp hoạt động. Quá thừa hormone thyroxine sẽ làm mất khả năng hoạt động của cơ bắp, thiếu hormone này sẽ dẫn đến béo phì. Mất cân bằng hormone thyroxine sẽ gây ra mất ngủ, tim đập mạch và hay lo lắng.
Để đảm bảo đủ số lượng hormone trong cơ thể bạn cần cung cấp thêm lượng iốt (đồ biển, muối, bánh mỳ và sữa)
- Noradrenaline: Đây là loại hormone tự bảo vệ, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị viêm nhiễm, kích thích khả năng miễn dịch.
Nhờ hormone này, má ửng hồng khỏe mạnh.Để cơ thể tiết ra nhiều hormone noradrenaline chống stress, hãy ăn sữa chua hàng ngày, bổ sung thêm beta carotene (có trong cà rốt).
- Insulin: Đây là hormone ngọt ngào do tuyến tụy tiết ra. Hormone này giúp phân giải lượng đường bạn đã ăn và chuyển chúng thành năng lượng. Rối loạn insulin dẫn đến phát triển bệnh tiểu đường, phá hủy hệ thống tim mạch.
Những carbohydrate "xấu" (bánh ngọt, bánh mỳ sữa) sẽ giảm hiệu quả quá trình trao đổi insulin, carbohydrate "tốt" (đường nâu, rau củ) - kích thích quá trình đó. Insulin là hormone chuyển động, sau một giờ luyện tập thể dục thể thao có thể tăng lên 5 - 7%.
- Somatotropin (hormone tăng trưởng): Hormone này do tuyến yên sản xuất, giúp trương lực cơ, đốt cháy chất béo, làm săn chắc cơ bắp. Ở phụ nữ, trương lực cơ giúp nâng đỡ ngực.
Khi không đủ hormone somatotropin các cơ sẽ trở nên nhão, da ở tay, mông và bụng sẽ bị sệ.Hãy bổ sung thêm vitamin C, cá ngừ, cá trích, protein động vật (thịt bò, thịt gà) và protid thực vật (gạo, đậu tương, đậu đỗ) để kích thích sản xuất somatotropin.
Để có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, cần chủ động thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tránh sử dụng thường xuyên các chất quá béo, ngọt, hay quá mặn, hạn chế thức ăn ướp lạnh, chế độ ăn uống quá kiêng khem và lưu ý:
- Thức ăn cay, nóng: Tiêu thụ đồ ăn cay nóng thường xuyên có thể gây rối loạn nồng độ Estrogen trong cơ thể, đồng thời khiến các triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh như cơn bốc hỏa, mất ngủ, cáu gắt trở nên nặng nề hơn.
- Uống quá nhiều cà phê cản trở hoạt động của gan trong điều tiết, loại bỏ Estrogen dư thừa, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố. Cà phê còn làm tăng Estradiol - một dạng của Estrogen ở mức cao, khiến tế bào nội mạc tử cung phát triển nhanh chóng, tăng nguy cơ ung thư.
- Đồ ăn nhanh: Nên hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ bởi nhiều chất béo no, sẽ kích thích hormone tăng sinh quá mức, gây rối loạn nội tiết tố nữ. Đây còn là "thủ phạm" gây ra các bệnh về tim mạch, tăng cân, kinh nguyệt không ổn định…