Nam giới đến khám và điều trị tại khoa nam học Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM ngày càng tăng và trẻ hóa - Ảnh: XUÂN MAI
Mất khả năng cương
Mới ở tuổi 20, P.N.S. (ngụ TP.HCM) cho biết trong đợt giãn cách vì dịch COVID-19 năm ngoái, vì phải ở nhà liên tục nên bản thân thường xuyên thủ dâm, ăn uống không đúng bữa, còn đi ngủ lúc 2-3h sáng và dậy lúc 9-10h.
Cho đến sau dịch, S. cảm thấy rõ "cậu nhỏ" của mình đã mất khả năng cương cứng vào mỗi buổi sáng. Khi quan hệ với người yêu, "cậu nhỏ" vẫn có độ cứng nhưng không được lâu, cũng nhanh xìu nên S. rất tự ti. Lo lắng "cậu nhỏ" của mình "trên bảo, dưới không nghe" S. đã đi khám ở một phòng khám. S. đã uống thuốc đều đặn nhưng nỗi khổ này vẫn chưa được tháo gỡ nên S. càng rơi vào căng thẳng nhiều hơn.
Còn e ngại chưa đi khám bệnh, anh N.T.P. (28 tuổi) cho hay anh đang bị rối loạn cương dương cấp độ nặng vì mất hoàn toàn khả năng cương cứng khi thức dậy. Khi có sự kích thích hay thủ dâm thì dương vật của anh cũng không cương cứng được và bỗng dưng mất hết khoái cảm khi quan hệ. Không những thế, kích thước dương vật tự dưng ngày càng nhỏ, bìu thì teo lại, bết dính và không còn cảm giác gì ở dương vật.
Không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì chữa rối loạn cương ở những phòng khám chui hoặc tự mua thuốc về uống, dụng cụ về sử dụng.
TS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - cho biết rối loạn cương là bệnh lý rối loạn tình dục khá phổ biến ở nam giới, khiến họ không thể có được độ cương cứng của dương vật để đáp ứng các hoạt động tình dục. Bệnh này có thể xảy ra một cách thường xuyên hoặc chỉ một vài thời điểm. Dù không đe dọa tính mạng người bệnh, nhưng có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và bạn tình của họ.
"Thủ phạm" stress
Tại khoa nam học Bệnh viện Bình Dân, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị vì rối loạn cương chiếm khoảng 20-30% trên tổng số bệnh nhân. So với những năm trước, tỉ lệ này đang tăng dần và độ tuổi khám, điều trị vì rối loạn cương dương cũng ngày càng trẻ hóa.
Phân tích nguyên nhân khiến tỉ lệ nam giới bị rối loạn cương dương ngày càng tăng và trẻ hóa, TS Dũng cho hay do việc truyền thông kiến thức về rối loạn sinh lý, tình dục ở nam giới đã phát triển rộng rãi nên ngày càng có nhiều người dân tiếp nhận, tìm hiểu thông tin, đến bệnh viện sớm hơn để điều trị.
Bên cạnh đó, cuộc sống áp lực cao, thường xuyên căng thẳng cũng là một nguyên nhân khiến cho người trẻ bị rối loạn cương dương.
Vì tâm lý e ngại nên nhiều nam giới đã tự tìm đến những cơ sở y tế chui, không chính thống. Họ đã bị cắt da quy đầu, hay cắt thần kinh dương vật bằng laser… Điều này không những tốn nhiều tiền bạc, mà còn dối điện nhiều biến chứng nguy hiểm.
Không những thế, có nhiều nam giới xem, nghe những chỉ dẫn trên mạng hoặc từ bạn bè… rồi dùng những thực phẩm không đúng, bài thuốc rượu "ông uống, bà khen", "ăn gì bổ nấy" khiến cho tình trạng rối loạn cương dương ngày càng trầm trọng.
Bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đã tìm mua các dụng cụ, máy trên mạng được quảng cáo là có chức năng cải thiện rối loạn cương dương nhưng không rõ nguồn gốc, dẫn đến dương vật gặp biến chứng như chấn thương, bầm máu hoặc làm rách da dương vật hay bìu.
Điều trị ra sao?
Với những phương pháp điều trị rối loạn cương dương hiện nay đạt hiệu quả ra sao? ThS Lê Vũ Tân - khoa nam học Bệnh viện Bình dân - cho hay rối loạn cương dương chia thành hai nhóm: nhóm người trên 40 tuổi kèm theo những bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…) và nhóm người dưới 40 tuổi.
Với người dưới 40 tuổi thì phần lớn là rối loạn tâm lý. Những trường hợp này sau thăm khám, xét nghiệm, giải thích cặn kẽ thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị rối loạn cương bằng đường uống, người bệnh sẽ tự tin và phục hồi. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải có tâm lý ổn định, "giải quyết" stress triệt để.
Với nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền thì việc điều trị khỏi hoàn toàn rất khó nên buộc người bệnh phải sống chung với bệnh. Bên cạnh rối loạn cương dương, người bệnh phải kiểm soát bệnh nền tốt.
Chẳng hạn người mắc bệnh đái tháo đường phải kiểm soát đường huyết, hay người mắc bệnh lý tim mạch cần biết rõ thuốc điều trị bệnh tim mạch có thể tương tác với rối loạn cương hay không.
Cải thiện "cậu nhỏ" nhờ đổi lối sống
Bác sĩ Lê Vũ Tân cho biết thêm, bên cạnh các phương pháp y khoa, mỗi người nam cần thay đổi lối sống, cải thiện sức khỏe có thể giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn cương; ngừng hút thuốc, uống ít rượu và tập thể dục thường xuyên.
Ngoài ra, cần cố gắng có chế độ ăn uống đa dạng, ít đường, muối và chất béo. Tùy thuộc vào tình huống của mỗi cá nhân, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.