Chuyên mục  


Rivian R1T, chiếc bán tải giá 75.000 USD vừa ra mắt không giống bất cứ mẫu bán tải nào trước đây.

Đầu tiên, nó thực sự to lớn: dài 5,48 m, cao 1,82 m, nặng 3,5 tấn – hơn cả một con hà mã trắng. Kiểu dáng của nó cũng khác biệt hoàn toàn với bất cứ mẫu xe nào đang có mặt trên thị trường, bao gồm cả Tesla. Giống với iPhone, nó tạo cảm giác về một sản phẩm trau chuốt mang tính đồng bộ rất cao, từ màu sắc ngoại thất, các góc cạnh, ghế ngồi, nội thất hay giao diện màn hình.

Cảm giác lái của nó cũng không giống một chiếc xe tải nặng 3,5 tấn mà như một chiếc thuỷ phi cơ. Khi bạn nhấn chân ga, nó sẽ vọt lên một cách thần tốc, như nhiều mẫu xe điện khác. Chạy với tốc độ 110 km/h, nó vẫn hoàn toàn im lặng.

Nói cách khác, bạn không thể hiểu được chiếc Rivian R1T cho đến khi bạn lái thử nó. Nhưng ở Mỹ, bạn sẽ khó làm được điều này, thậm chí bất hợp pháp vì lái thử R1T là bất hợp pháp ở một nửa số bang thuộc Hoa Kỳ.

Rivian R1T là chiếc bán tải chạy điện đặc biệt bậc nhất tại thị trường Mỹ.

Đạo luật đặc biệt của nước Mỹ

Đối với khoảng 200 triệu người Mỹ, luật chống độc quyền địa phương nhằm bảo về các đại lý ô tô khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh nhưng cũng cấm các nhà sản xuất ô tô như Rivian bán trực tiếp cho khách hàng.

Trong nhiều thập kỷ, hệ thống này hoạt động tốt đến mức người ta không thể bỏ qua nó. Nhưng giờ đây, khi bán nhiều xe điện hơn là cần thiết để tránh những thảm hoạ tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thì điều luật bảo vệ các đại lý này đã trở thành một trở ngại lớn. Rivian đã hợp tác với Tesla, Lucid và một số nhà sản xuất ô tô điện khác để đấu tranh chống lại đạo luật bất công này.

Khi bạn muốn mua một bộ quần áo, bạn có thể đến bất cứ đâu nhưng nếu bạn muốn mua một chiếc ghế IKEA, bạn phải đến đúng cửa hàng của IKEA.

Tuy nhiên với ô tô, cả 2 việc đương nhiên này đều không xảy ra. Hầu hết người Mỹ không thể mua xe trực tiếp từ nhà sản xuất ô tô. Tại 17 tiểu bang, bao gồm Texas, Wisconsin và Connecticut, luật cấm bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào mở cửa hàng và bán xe trực tiếp cho khách hàng. 11 bang khác, bao gồm New York, New Jersey và Georgia, chỉ cho phép một nhà sản xuất duy nhất là Tesla mở cửa hàng và bán trực tiếp cho người dân. Nếu muốn mua một chiếc xe Ford, bạn phải đến một đại lý Ford cho một công ty bên thứ 3 mở.

Các đại lý nắm quyền lực cực lớn trên thị trường ô tô Mỹ - điều gân cản trở cho quá trình chuyển đổi sang xe điện hiện nay.

Theo The Atlantic, New York lẽ ra phải là bang bán được nhiều xe điện hơn bất kỳ nơi nào khác. Chính quyền khuyến khích người dân chuyển sang xe điện. Khi một người dân New York mua một chiếc xe điện mới, bang chi trả tới 2.000 USD chi phí. Họ cũng hỗ trợ các công ty 5.000 USD để xây trạm sạc EV trong bãi đỗ xe. New York cũng áp dụng các quy tắc nghiệm ngặt về ô nhiễm, xây dựng một trung tâm sạc lớn nhất nước Mỹ, không tính trạm sạc của Tesla. Họ cũng cho phép xe điện sử dụng làn đường đi chung trên các cao tốc, ngay cả khi xe chỉ có 1 tài xế. Sử dụng gần như mọi công cụ hiện có, Newyork đã thúc đẩy các tài xế: mua một chiếc EV.

Trong khi đó, Florida có dân số gần tương đương New York nhưng gần đây mới bắt đầu mở rộng các trạm sạc trên cao tốc. Họ không có chương trình khuyến khích EV. Tuy nhiên trong 3 năm qua, người dân Florida mua xe điện nhiều hơn 60% so với người dân New York, theo dữ liệu của IHS Markit. Từ năm 2019 đến 2021, người dân Florida đã mua gần 59.000 xe điện trong khi người New York chỉ mua khoảng 35.000 xe.

Điều gì tạo ra sự khác biệt?

Người Florida lái xe nhiều hơn người New York, đó là sự thật. Tuy nhiên, lời giải thích rõ ràng nhất là Tesla, công ty bán xe điện nhiều nhất thế giới, đã mở 17 cửa hàng và phòng trưng bày ở Floridar. Ở New York, họ chỉ có 5 cửa hàng và bị cấm mở thêm. "Năm 2010, gần 1.000 đại lý ô tô ở New York chỉ bán dưới 2 chiếc xe điện mỗi địa điểm", James Chen – Phó chủ tịch chính sách của Rivian nói. "Nhưng Tesla bán gần 1.890 xe cho mỗi cửa hàng ở New York".

Ở cấp độ quốc gia, 3/4 số xe điện bán ra kể từ năm 2019 được bán bởi Tesla – nhà sản xuất bán ô tô trực tiếp cho người tiêu dùng. Một nghiên cứu gần đây của Sierra Club cho thấy các đại lý ô tô cũ trên toàn nước Mỹ hoàn toàn không chuẩn bị để bán xe điện. "Có rất nhiều nhân viên bán hàng chưa qua đào tạo nên không thể trả lời các câu hỏi về công nghệ" Hieu Le, tác giả của nghiên cứu nói. Trong trường hợp tồi tệ nhất, người mua xe còn bị nhân viên thúc giục mua một chiếc xe xăng.

"Cuộc chiến" của các hãng xe điện tại Mỹ

Đó chính xác là lý do tại sao các công ty xe điện cho biết họ chọn cuộc chiến này. Những người mua xe điện lần đầu có rất nhiều câu hỏi – phạm vi pin, thời gian bảo hành, họ có cần làm gì khác so với sử dụng xe xăng hay không – và chỉ những nhân viên được đào tạo về xe điện mới có thể trả lời tốt những câu hỏi đó, Chen nói. Nhân viên của đại lý thứ 3 sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Daniel Crane, giáo sư luật tại Đại học Michigan, đồng ý với điều này. Xe điện, với chi phí bảo trì thấp, không thể cung cấp dòng tiền mà các đại lý cần để tồn tại. "Mô hình kinh tế của các đại lý là tạo ra dòng tiền từ dịch vụ. Họ có tỷ suất lợi nhuận 30% là dịch vụ, trong khi doanh số bán hàng chỉ là 5%".

"Nếu bạn muốn xe điện thâm nhập thị trường nhanh hơn, việc cấm bán hàng trực tiếp là một rào cản lớn", ông nói.

Tesla cùng các hãng xe điện đang đấu tranh để đòi lại quyền lợi mà lẽ ra họ đáng được hưởng.

Khi đạo luật lần đầu tiên được thông qua vào những năm 1940, chúng có mục đích bảo vệ các đại lý khỏi cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất ô tô. Nước Mỹ lưu giữ mô hình bán xe có tuổi đời hàng thế kỷ, ở vào thời điểm mà danh tiếng của một đại lý thậm chí cao hơn cả thương hiệu ô tô.

Theo thời gian, các đại lý đã nâng vị thế của họ thành quyền lực thống trị thực sự: Các đại lý hàng đầu ở Mỹ có tổng doanh thu 10 tỷ USD. Các đại lý là những nhà tài trợ chính cho các chiến dịch địa phương và tiểu bang.

Mâu thuẫn về tầm nhìn này đang khiến nước Mỹ tụt hậu. Cuộc cách mạng ô tô điện toàn cầu xảy ra trong đại dịch coronavirus - và những người Mỹ không có thói quen đọc số liệu thống kê về năng lượng có thể đã không nhận ra. Theo Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong năm 2019, xe điện chiếm 2% doanh số bán xe mới trên thế giới. Nhưng vào tháng trước, sau khoảng 3 năm, xe điện chiếm 20% doanh số bán ô tô mới ở châu Âu và châu Á.

Thị trường xe điện cũng đang thay đổi nhanh chóng. Trong vài năm tới, các thương hiệu như Ford, Chrysler hay Volkswagen sẽ tung ra hàng loạt mẫu xe điện mới và các đại lý sẽ phải chứng minh rằng họ có thể bán chúng.

Đó là một thực tế không thể chối bỏ. Xe điện được đánh giá là ngành công nghiệp nghìn tỷ USD. Vì sao các nhà đầu tư lại định giá Rivian ở mức 63 tỷ USD khi chỉ sản xuất được 1.015 xe? Tại sao họ biến Elon Musk thành người giàu nhất thế giới? Đó là vì họ ngửi thấy mùi của "lợi nhuận". Khi đó, các nhà sản xuất xe điện, như Tesla, Rivian, Lucid hay VinFast mới là "hero" của thị trường.

Tham khảo: The Atlantic

https://cafef.vn/vinfast-chu-y-day-la-cach-don-gian-nhat-de-ban-nhieu-xe-dien-hon-o-my-20220122105157924.chn

Đức Nam

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020