Samsung tham gia sân chơi mono store
Đầu năm 2022, Shopdunk tuyên bố sẽ mở hàng loạt cửa hàng bán sản phẩm Samsung chuyên biệt tại TP.HCM và Hà Nội. Đây là mô hình theo chính sách của chuỗi Samsung Premium Store và lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Cụ thể, chuỗi cửa hàng mang tên SamCenter by Shopdunk sẽ khai trương vào ngày 17/1/2022 với 4 cơ sở ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Thông tin này phần nào gây bất ngờ với nhiều người bởi trước đó trong năm 2021, hàng loạt đối tác bán lẻ của Apple tại Việt Nam đã công bố chiến lược mở hàng loạt cửa hàng mono store trong năm nay. Như vậy, 2 thương hiệu smartphone số một thế giới sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trong năm 2022 này.
Theo ông Tuấn Anh, giám đốc Marketing hệ thống SamCenter by ShopDunk, quy chuẩn về cửa hàng là do Samsung đưa ra theo tiêu chuẩn Samsung Premium Store toàn cầu. Toàn bộ nội thất được Samsung thiết kế, thi công với tiêu chuẩn cao và thống nhất.
So với cửa hàng Brand Shop hay Samsung Experience Store mà Samsung đã có ở Việt Nam. Samsung Premium Store là cửa hàng uỷ quyền cao cấp nên có thương hiệu của nhà bán lẻ vận hành trực tiếp. Mô hình này tương tự với cửa hàng Apple Authorized Reseller (AAR).
"Các cửa hàng Samsung Experience Store có diện tích tối thiểu 60 m2, chiều cao trần tối thiểu 3 m. Vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, đông đúc và tuyến phố trung tâm. Cửa hàng sẽ trưng bày toàn bộ các dòng sản phẩm Samsung từ smartphone, tablet, đồng hồ thông minh, phụ kiện với nhân viên được đào tạo chuyên sâu từ Samsung. Dự kiến, các cửa hàng này trong năm tới sẽ kinh doanh cả laptop Samsung để đem đến hệ sinh thái trọn vẹn cho người dùng Việt. Chúng tôi đề ra mục tiêu trong năm 2022 sẽ mở được 30 cửa hàng SamCenter Samsung Premium Store ", ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, việc vận hành các chuỗi mono store bước đầu khá thuận lợi cho nhà bán lẻ bởi họ nhận được sự hỗ trợ của các nhãn hàng, từ đó giảm bớt áp lực doanh thu.
"Mô hình mono srore thực ra không mới và tới nay cũng chưa có chuỗi nào khẳng định được thành công rõ ràng. Để đánh giá hiệu quả của xu hướng này thì có lẽ cần ít nhất 2-3 năm nữa. Một trong những mặt hạn chế lớn nhất của mono store là chỉ phục vụ được một nhóm khách hàng riêng cho nhãn hàng. Vì thế, không đáp ứng nhu cầu đa dạng về hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận đây cũng có thể trở thành một xu hướng đáng chú ý trong thời gian tới đối với những nhà bán lẻ nắm bắt và vươn lên trên thị trường", ông Huy nhận định.
Apple tìm nhưng đối tác mới
Apple đã bắt đầu hợp tác với một số doanh nghiệp tại Việt Nam để ra mắt chuỗi cửa hàng đạt chuẩn APR và AAR từ năm 2012. Trước đó, một số cái tên cũng đã góp mặt vào mô hình mono store vào năm 2007. Tuy nhiên, những bước đi ban đầu đều mang đến kết quả chưa thực sự ấn tượng.
Đến năm 2021, cuộc chiến về việc mở chuỗi mono store của Apple thực sự bùng nổ khi có sự góp mặt của TopZone với sự hậu thuẫn từ ông lớn Thế Giới Di Động. Hệ thống ShopDunk cũng mở hàng loạt cửa hàng tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. 2022 hứa hẹn sẽ có nhiều cái tên nữa xuất hiện trên thị trường.
2021 được xem là năm hội tụ những yếu tố giúp Apple triển khai mạnh tay mô hình mono store tại Việt Nam. Thị trường Việt chính thức trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ iPhone lớn khu vực Đông Nam Á. Dịch bệnh đồng thời xuất hiện khiến hàng xách tay mất nhiều chi phí và thời gian nhập khẩu hơn trước. Khó khăn của hàng xách tay cũng chính là lợi thế của hàng Apple chính hãng, khi nguồn hàng phong phú hơn, dễ dàng đáp ứng lượng cầu trên thị trường.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có Apple Store, hệ thống Apple Premium Reseller như F.Studio by FPT, eDiGi hay TopZone là các cửa hàng uỷ quyền ở mức độ cao nhất APR, sẽ là thỏi nam châm thu hút khách hàng tiếp cận với sản phẩm chính hãng và dịch vụ chuẩn chỉ từ Apple. Hiện số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam mới chỉ hơn 20, trong khi ở Singapore hay Thái Lan, con số này đã là hàng trăm.
Vì thế có thể thấy, Apple dần tập trung vào thị trường Việt Nam, đa dạng đối tác và giúp tốc độ mở điểm được rút ngắn đi nhiều. Đại diện FPT Retail từng tiết lộ, trước đây doanh nghiệp này mất khoảng 6 tháng để được chấp thuận ở một điểm bán F.Studio mới, sau 9 năm chuỗi này hiện có 15 cửa hàng. Trong khi đó, Thế giới di động chỉ mất 2 tháng để khai trương 4 cửa hàng TopZone, đặt tham vọng sở hữu 50-60 cửa hàng vào tháng 3/2022.
Bà Ánh Hồng, đại diện chuỗi hệ thống iLuxe cho biết, Apple ngày càng hỗ trợ nhiều hơn cho đối tác để mở các cửa hàng chuyên biệt. Hệ thống này chỉ mất khoảng hơn một tháng để có thể mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.
Theo đại diện Thế Giới Di Động, chỉ trong thời gian ngắn hoạt động, Topzone đã mang lại một số kết quả ấn tượng với doanh thu bình quân đạt 25 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Đơn vị này đặt mục tiêu có khoảng 200 cửa hàng Topzone phủ khắp hết các trung tâm thành phố lớn thuộc 63 tỉnh thành của Việt Nam trong năm 2022, doanh thu ước tính đạt trên 5.000 tỷ.
Vậy nên khi các cửa hàng chuyên bán Apple xuất hiện đông đúc trên thị trường Việt Nam, tạo xu hướng mới nhằm hút khách, ngay lập tức những thương hiệu sẵn có sẽ kích hoạt chế độ “bảo vệ”, mở thêm chuỗi tương tự để giành miếng bánh thị phần vốn có. Điều này giải thích cho làn sóng mở cửa hàng Apple trong thời gian gần đây, cũng là dấu hiệu của sự thăng hạng thị trường Apple tại Việt Nam sắp tới.
“Hiện tại, Apple xếp thị trường Việt Nam ở level 3, trong khi Singapore ở level 1. Vì thế, các sản phẩm Apple thường mở bán sau và nguồn hàng không được ưu tiên. Tôi nghĩ rằng với sự đầu tư nghiêm túc vào chuỗi TopZone, sẽ phần nào giúp thị trường Việt Nam thăng hạn. Tôi cũng hy vọng Việt Nam sớm mở Apple Store”, ông Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động nói.
Lê Trọng
Theo Nhịp sống kinh tế