Chuyên mục  


Đầu tiên là gỗ xẻ, đồng và bây giờ là quặng sắt.

Áp lực giá vật liệu xây dựng đang tăng vọt tại Mỹ trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau Covid-19 đang trên đà tạo ra một cuộc lạm phát chưa từng thấy sau Đại suy thoái của thập kỷ trước. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% trong quý đầu tiên của năm nay, sau khi sụt giảm 3,5% vào năm 2020. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự báo tăng trưởng đến năm 2021 sẽ là 6,5%.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nằm ở lạm phát. Không ai dự đoán được lạm phát sẽ diễn biến ra sao.

Uỷ ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) dự báo tỷ lệ Chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (một thước đo lạm phát) sẽ đạt mức trung bình 2,4% vào năm 2021 và 2,1% vào năm 2023. Hầu hết nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Fed đều tin rằng tỷ lệ lạm phát năm 2021 sẽ đạt mức 2%.

Kể từ khi Fed công bố mục tiêu 2% vào năm 2012 vì áp lực giá cả, ngân hàng trung ương chưa bao giờ đạt được mục tiêu này. Trên thực tế, trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008/2009, chỉ có 4 năm lạm phát của Mỹ vượt mức này (2004-2007).

Chủ tịch Fed Jerome Powell tin rằng áp lực lạm phát hiện tại chỉ là thoáng qua. Ông và nhiều giám đốc Fed nhận định từ năm 2023, chỉ số lạm phát sẽ không vượt qua mốc 2%. Tuy nhiên, các nhà kinh tế bên ngoài ngân hàng trung ương Mỹ lại không nghĩ vậy. Họ gần như chắc chắn lạm phát của Mỹ sẽ vượt qua bất cứ dự báo nào trước đây với những diễn biến thị trường hiện nay.

Nhóm này tin rằng áp lực giá cả sẽ buộc Fed phải tăng lãi suất – vốn đã gần bằng 0 kể từ khi bùng phát dịch Covid vào tháng 2/2020 – sớm hơn dự kiến, đồng thời giảm bớt chính sách tiền tệ. Họ đặt cược vào áp lực giá. Để lạm phát tiếp tục tăng, giá hàng hoá sẽ phải tiếp tục ở mức kỷ lục.

Gỗ xẻ: Dự báo đạt kỷ lục 2.000 USD

Tình trạng thiếu gỗ xẻ ở Mỹ đã khiến giá gỗ tăng gấp 3 lần trong năm ngoái, khiến tổng chi phí xây nhà mới tại Mỹ tăng hàng nghìn USD. Chỉ trong một năm, giá gỗ xẻ đã tăng khoảng 370% - đạt mức cao kỷ lục 1.700 USD/1.000 bd ft. Trước đây, giá gỗ xẻ dao động trong khoảng 200 đến 400 USD. Trên toàn nước Mỹ, giá trung bình cho một ngôi nhà tăng lên 35.872 USD, theo phân tích của Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia.

Trong một cuộc khảo sát mới đây tại bang Nevada do Las Vegas Review-Journal công bố, giá nhà trung bình có thể đắt hơn 25.000 USD và đối với những ngôi nhà lớn, sự thiếu hụt gỗ có thể khiến giá nhà tăng thêm 50.000 – 60.000 USD.

"Cùng một loại gỗ sử dụng 12 tháng trước. Giờ đây, chúng ta phải bỏ thêm cả nghìn USD", ông Nat Hodgson – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Xây dựng Nhà ở Nam Nevada cho biết. Gỗ cao cấp ảnh hưởng đến chi phí của tủ, cửa và sàn nhà. "Tôi đã làm trong ngành này từ năm 1993, ngay tại thị trấn này. Tôi chưa bao giờ thấy thứ gì đó tăng mạnh đến vậy", ông nói. "Tôi muốn nói với bạn rằng nó sẽ kết thúc sau một hoặc 2 tuần, nhưng tôi không thể biết được. Mọi người không đủ khả năng mua một ngôi nhà đang bị định giá quá cao".

Chi phí gỗ xẻ bắt đầu tăng mạnh vào năm ngoái và đạt đỉnh trong những tháng gần đây. Giá mỗi nghìn feet ván gỗ thông thường có giá từ 200 đến 350 USD. Theo phân tích mới nhất của Random Lengths, công ty theo dõi trong ngành, chi phí đóng khung gỗ xẻ đạt gần 1.200 USD cho mỗi nghìn feet ván – tăng gần 240% kể từ tháng 4/2020. Gỗ xẻ thường được dùng để đóng khung cho các ngôi nhà mới.

Tính đến cuối tuần trước, hợp đồng gỗ giao sau vào tháng 7 được niêm yết trên sàn Chicago Mercantile Exchange đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.711,2 USD mỗi nghìn feet. Gỗ xẻ CME có thể đạt mức cao kỷ lục mới là 2.000 USD/nghìn feet ván ở đà hiện tại, theo phân tích kỹ thuật được thực hiện bởi S.K Dixit Charting (Ấn Độ).

Giá đồng đạt 5 USD/lb hoặc cao hơn

Giá đồng giao vào tháng 7 đạt mức cao kỷ lục gần 4,89 USD/lb trên sàn New York trong khi giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên LME hay London Metal Exchange tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 10.746 USD/tấn. Cả 2 đều tăng khoảng 35% trong năm nay. Chỉ số tăng giá đồng hiện chỉ đứng sau các loại hàng hoá và năng lượng hàng đầu như xăng (44%), ngô (47%), thiếc và đậu nành (46%).

Về cơ bản, đồng cũng là một lựa chọn vững chắc cho các nhà đầu tư dài hạn vào hàng hoá giống gỗ xẻ. Nó được hỗ trợ bởi 2 trong số những câu chuyện tăng trưởng lớn nhất xuất hiện sau đại dịch: nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ.

Khi kinh tế Trung Quốc đưa ra các biện pháp phục hồi sau đại dịch, nước này đang tập trung mạnh vào cơ sở hạ tầng, biến họ thành nước tiêu thụ kim loại lớn nhất, đặc biệt là đồng. Ngay cả trước Covid, EU đang thực hiện một cuộc cách mạng xanh, đòi hỏi lượng đồng khổng lồ trong những năm tới để điện hoá hầu hết phương tiện và trạm sạc cần thiết. Đó là chưa kể đồng cần thiết cho hệ thống cáp dẫn điện trong các ngành công nghiệp khác để tránh sử dụng nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm.

Trên hết, chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030. Các đề xuất của Mỹ về xanh hoá bao gồm trợ cấp sở hữu ô tô điện, bổ sung 500.000 trạm sạc mới trên khắp đất nước và chuyển đổi 500.000 xe bus học sinh và toàn bộ đội xe vận tải của chính phủ sang các phương tiện không phát khí thải.

Theo ước tính của ngân hàng đầu tư Jefferies, những nhà ga và số lượng xe bus điện chạy bằng pin đó cần gần 200.000 tấn đồng. Năng lượng tái tạo yêu cầu lượng đồng lớn gấp 5 lần so với các nguồn thông thường. Nhu cầu đồng của Trung Quốc, EU và Mỹ khiến Goldman Sachs dự đoán vào giữa tháng 4 rằng kim loại đỏ có thể lên đến 15.000 USD/tấn trên LME vào năm 2025 so với mức hiện tại là 9.000 USD.

Theo ước tính của Goldman, nhu cầu đồng có thể tăng 900% từ nay đến năm 2030, đạt 8,7 triệu tấn nếu các công nghệ xanh được áp dụng. Ngay cả khi quá trình này diễn ra chậm hơn, nhu cầu vẫn sẽ tăng lên 5,4 triệu tấn – tương đương tăng gần 600%. Họ gọi đồng là "dầu mỏ mới".

S.K Dixit Charting cho biết giá đồng có thể sẽ sớm lên mức 5 USD/lb trên sàn New York.

Quặng sắt lên mức 220 USD

Giá quặng sắt kỳ hạn đã tăng hơn 30% trong năm, đạt mức cao kỷ lục 204,35 USD/500 DMT trên sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange vào tuần trước. Vivek Dhar – nhà phân tích hàng hoá của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho biết lĩnh vực quặng sắt đang "rất, rất nóng". Giá quặng sắt kỳ hạn tại Singapore tăng kỷ lục lên 226 USD/tấn.

Sự bùng nổ quặng sắt diễn ra khi các nhà sản xuất thép của Trung Quốc duy trì mức sản lượng trên 1 tỷ tấn mỗi năm, bất chấp một loạt biện pháp hạn chết sản xuất nhằm giảm lượng khí thải carbon và kiềm chế nguồn cung.

Những biện pháp này đã đẩy giá thép và lợi nhuận của các nhà máy thép, họ phép họ thích ứng tốt hơn với chi phí quặng sắt cao và áp lực về bảo vệ môi trường. Nhưng các nhà sản xuất tàu biển và hàng gia dụng sẽ không thể chịu được giá thép tăng cao, Tân Hoa Xã đưa tin vào ngày 9/5, trích lời Hiệp hội Sắt & Thép Trung Quốc. Do đó, giá thép có thể sẽ khó tăng thêm.

S.K Dixit dự đoán giá quặng sắt trên COMEX sẽ đạt mức kỷ lục 220 USD.

Tham khảo nguồn: Investing

Đức Nam

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020