Hiện còn hàng ngàn tấn lúa tồn đọng, nông dân Cà Mau chưa bán được - NGUYỄN HÙNG
Sáng 1-12, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã ký công văn "hỏa tốc" chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ lúa tại huyện Thới Bình.
Theo đó, trong những ngày qua, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo trực tiếp giải quyết khó khăn trong tiêu thụ lúa (trên đất nuôi tôm) tại huyện Thới Bình.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, những bất đồng giữa doanh nghiệp và các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời; việc thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ lúa gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND huyện Thới Bình chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tập đoàn Tân Long, đại diện các hợp tác xã và hộ dân có liên quan để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài.
Tập trung phân tích, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất, kiến nghị có liên quan về UBND tỉnh Cà Mau trước ngày 6-12.
Ông Lâm Thịnh (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) cho biết vụ này ông làm 1ha giống lúa ST25. Theo hợp đồng ký với Công ty cổ phần Lương thực A An, thuộc Tập đoàn Tân Long, toàn bộ 6 tấn lúa trên đất nuôi tôm của ông Thịnh sẽ được bao tiêu với giá 8.100 đồng/kg.
"Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, trời mưa liên miên, lúa ướt nên công ty không mua. Không có lò sấy nên tôi đành bán cho thương lái địa phương chỉ với giá 4.500 đồng/kg. Nhiều nông dân còn thảm hơn, không bán được, đành nhìn lúa mọc mầm", ông Thịnh nói.
Đến nay, tại vùng tôm - lúa huyện Thới Bình, nông dân đã thu hoạch được hơn 1.900ha, sản lượng khoảng 12.400 tấn. Trong đó có trên 970ha lúa thơm ST24 và ST25 với sản lượng 6.300 tấn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, những ngày gần đây khi nông dân thu hoạch lúa, gặp mưa nhiều và kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng, độ ẩm trong lúa cao, thậm chí có hộ dân để lúa lên mọng. Vì vậy, bị đơn vị bao tiêu "chê", từ chối thu mua. Tính đến ngày 27-11, lúa ST24, ST25… còn tồn đọng trong dân hơn 3.800 tấn.
Sáng cùng ngày, Công ty cổ phần Lương thực A An thuộc Tập đoàn Tân Long đã có thông cáo báo chí.
Theo đó, từ ngày 1-12 công ty sẽ triển khai thu mua lúa thu đông 2022; đồng thời có phương án hỗ trợ đối với các hộ nông dân thiệt hại trong thời gian chưa được thu mua lúa từ 25-11 đến 30-11 tại ba hợp tác xã Dân Phát, Hòa Phát và Ông Đuông theo hợp đồng liên kết.
Theo Thanh Huyền - Khắc Tâm
Tuổi Trẻ