Phấn khởi sau một cái Tết đầm ấm no đủ nhờ cây mía được mùa được giá, bà Phan Thị Nguyệt ở thôn 11, xã Ea Knốp, huyện Ea Kar cho biết, gắn bó với cây mía từ nhiều năm trước, đây là vụ mía có lãi khá cao: "Năng suất mía nhà tôi năm nay khoảng từ 80 - 100 tấn/ha. Nhà tôi có 3 ha cho sản lượng khoảng 270 tấn mía, với giá bán khoảng 1.000.000 đồng/tấn, trừ các khoản chi phí đầu tư gia đình có lãi 150 triệu đồng. Tiền lãi từ mía và nguồn huy động, gia đình đang tìm mua thêm 1-2 ha đất để trồng mía mở rộng diện tích tăng lợi nhuận".
Không chỉ gia đình bà Nguyệt, mà hầu hết các hộ trồng mía nguyên liệu ở các huyện Ea Súp, Ea Kar và MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk đang rất phấn khởi vì cây mía được mùa, được giá.
"Nhà tôi trồng 2,5 ha mía và đã đầu tư hết 150 triệu đồng. Năm nay thu được tầm 250 tấn, bán với giá 1.000.000 đồng/tấn thì tổng thu khoảng 250 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư thì lãi tầm 50 đến 60 triệu đồng. Mía được giá nên gia đình cũng đang đầu tư trồng thêm từ 2 - 3 ha. Không chỉ nhà tôi trồng thêm mà nhiều bà con ở đây cũng đang mở rộng diện tích mía”, ông Nguyễn Văn Hậu (ở thôn 2, xã Ea Pal, huyện Ea Kar) cho biết.
Niên vụ mía 2020 – 2021, toàn tỉnh Đắk Lắk có 9.000 ha mía, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, MĐrắk và Ea Súp. Dự kiến, sản lượng mía vụ này ước đạt 540.000 tấn. Toàn bộ mía được các nhà máy đường ở tỉnh Đắk Lắk và một phần do các nhà máy mía đường ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa thu mua. Hiện các nhà máy đang duy trì mức giá thu mua từ 950.000 - 1.050.000 đồng/tấn tại ruộng (tùy theo trữ lượng đường), người trồng mía đã có lãi khá cao sau nhiều năm thua lỗ.
Năng suất mía ở Đắk Lắk có thể đạt tới 110 tấn/ha
Theo ông Lê Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH mía đường 333 Đắk Lắk, năm nay, giá đường đang đạt mức 14.500 đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 20%. Do vậy các nhà máy sản xuất mía đường thu mua mía nguyên liệu cao từ người trồng là tất yếu. Ông Lê Tuân cho biết, cùng với duy trì giá thu mua như hiện nay, công ty cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân để ổn định vùng nguyên liệu mía.
Niên vụ mía 2020 - 2021, toàn tỉnh Đắk Lắk có 9.000 ha, sản lượng ước đạt 540.000 tấn
"Niên vụ 2021 - 2022, công ty chúng tôi đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người trồng. Cụ thể, suất đầu tư trồng mới sẽ nằm ở mức 32 triệu đồng, bao gồm phân bón, tiền mặt và thuốc bảo vệ thực vật; đối với mía lưu gốc là 17 triệu đồng/ha. Riêng tiền ứng 1 tấn phân bón với giá hơn 9 triệu đồng chúng tôi không tính lãi đối với bà con. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ 25 tấn phân bùn cho mỗi ha để cải tạo đất trồng mía cho người trồng.... Đây là chính sách để khuyến khích bà con tiếp tục gắn bó với cây mía", ông Lê Tuân cho biết thêm.
Theo Tuấn Long
VOV