Chuyên mục  


Trong lịch sử 22 kỳ World Cup đã qua, châu Á đã 2 lần trở thành chủ nhà của vòng chung kết các năm 2002 (Nhật Bản - Hàn Quốc) và 2022 (Qatar) còn châu Đại Dương chưa từng được trao vinh dự này.

Vai trò chủ nhà đa quốc gia

Nếu EURO sớm lĩnh ấn tiên phong bằng việc Bỉ cùng với Hà Lan làm chủ nhà của Giải Vô địch Bóng đá châu Âu 2000 và chạm mốc kỷ lục với 11 quốc gia đồng tổ chức kỳ EURO 2020 thì LĐBĐ thế giới (FIFA) có đi theo xu hướng này cũng chẳng phải điều gì lạ lẫm. Đương kim Chủ tịch FIFA Gianni Infantino có một thời gian dài đảm trách chức vụ Tổng Thư ký LĐBĐ châu Âu (UEFA) và người đàn ông 2 quốc tịch giàu tham vọng đã ngồi ở các vị trí quyền lực tối thượng của cả UEFA lẫn FIFA này sẽ còn thực hiện nhiều đổi thay lớn đối với bóng đá thế giới.

9-indonesia-16972878440421596217697.jpg

Indonesia lần thứ nhì vận động đưa World Cup 2034 về Đông Nam Á .Ảnh: AFC

Đó là câu chuyện của tương lai còn trước mắt, sau khi 3 đồng chủ nhà Mỹ, Mexico và Canada tổ chức World Cup 2026, người hâm mộ sẽ chứng kiến có đến 6 quốc gia ở 2 châu lục khác nhau đăng cai World Cup 2030, trong đó, Tây Ban Nha, Marocco và Bồ Đào Nha là các đồng chủ nhà chính thức còn Uruguay, Paraguay và Argentina mỗi nơi chỉ tổ chức một trận ở lượt đấu khai mạc.

Không những thế, FIFA còn ấp ủ dự định đưa World Cup quay lại châu Á với một liên danh chủ nhà gồm 3-4 quốc gia hoặc thẳng tiến sang châu Đại Dương, nơi người hâm mộ chỉ biết đến tên tuổi 2 làng cầu Úc và New Zealand, ngoài ra hầu như chẳng đội bóng nào khác được nhắc đến trong đời sống bóng đá thế giới.

Đông Nam Á - giấc mơ xa

Quy ước xoay vòng quyền tổ chức World Cup luân phiên giữa 2 lục địa châu Âu và Nam Mỹ đã trở thành quá khứ từ hơn 3 thập niên trước với chủ nhà Mỹ tiên phong đưa World Cup đến Bắc Mỹ năm 1994. Những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần lượt được tổ chức ở châu Á (Nhật Bản - Hàn Quốc, 2002), châu Phi (Nam Phi, 2010)... nhưng để diễn ra tại "vùng trũng bóng đá" Đông Nam Á lại là một phạm trù khác.

Từ 4 năm trước, 5 quốc gia khối ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore đã từng bàn đến việc thành lập liên danh vận động đăng cai World Cup 2034. Ngoài mục tiêu chung dễ được các bên tán thành như tạo điều kiện để phát triển bóng đá Đông Nam Á, thu hẹp dần khoảng cách với các nền bóng đá hàng đầu thế giới cũng như phát triển kinh tế khu vực, vấn đề chính là bóng đá 5 quốc gia này sẽ nhận được bao nhiêu suất vào thẳng vòng chung kết xem ra là trở ngại lớn nhất trong các cuộc thảo luận.

Ngoài ra, việc các quốc gia đồng chủ nhà World Cup 2034 phải bảo đảm điều kiện về sân thi đấu (7 sân sẵn có, 7 sân xây mới), cơ sở hạ tầng, khách sạn, giao thông, nguồn lực đầu tư... trong bối cảnh World Cup được mở rộng cho 48 đội tham dự kể từ năm 2026. Tất cả trở thành bài toán khó cho liên danh này lẫn LĐBĐ Đông Nam Á (AFF).

Tháng 4-2023, Hội đồng Thể thao và Bóng đá ASEAN đề xuất mong muốn FIFA chấp nhận phương án cho các nước Đông Nam Á được đăng cai World Cup 2034 kèm nguyện vọng được cấp 4 suất vào thẳng vòng chung kết World Cup 2034 với tư cách đồng chủ nhà. Mọi thứ mới dừng lại ở góc độ đề xuất bởi Việt Nam cho rằng thời điểm hiện tại và trong những năm tới đây, Việt Nam khó có thể thực hiện mục tiêu này khi chưa đáp ứng được những quy định về thương quyền, năng lực tài chính và nhiều yếu tố khác theo tiêu chuẩn của FIFA khi đăng cai tổ chức sự kiện thể thao mang tầm thế giới.

Ngay cả dự án liên danh giữa Indonesia và Úc, Malaysia, Singapore được phác thảo mới đây bởi LĐBĐ Indonesia (PSSI) cũng tỏ ra quá mong manh. Úc chẳng mặn mà gì khi vừa cùng New Zealand đồng đăng cai World Cup nữ 2023, chưa kể người dân Úc cũng không tha thiết với World Cup nam sau khi kế hoạch đăng cai được đệ trình cách đây 13 năm bị đổ vỡ phút cuối.

Đến thời điểm hiện tại, Singapore chưa đưa ra bất cứ tuyên bố gì về việc đồng đăng cai World Cup trong khi LĐBĐ Malaysia (FAM) khẳng định họ chưa có bất cứ liên hệ nào với Indonesia và cũng không có ý định tham gia vào cuộc đua này. Chẳng những thế, FAM còn thể hiện quan điểm sẽ ủng hộ Ả Rập Saudi nếu quốc gia Trung Đông này đứng ra vận động tranh quyền đăng cai World Cup 2034.

Bóng đá Indonesia đã phải vật lộn với nhiều vấn đề trong thời gian qua. Tháng 3-2023, xứ sở vạn đảo đã bị tước quyền đăng cai World Cup U20 sau khi từ chối quyền tham dự của đội tuyển trẻ Israel. FIFA đã đóng băng quỹ phát triển được phân bổ cho PSSI như một hình thức trừng phạt. Ngoài ra, thế giới vẫn còn hãi hùng khi chứng kiến một trong những thảm họa bóng đá khủng khiếp nhất vào năm ngoái khi 135 người Indonesia bị thiệt mạng, chủ yếu do ngạt thở trong vụ giẫm đạp sau một trận đấu ở TP Malang.

Ả Rập Saudi - ứng viên sáng giá

Sau khi công bố việc Tây Ban Nha, Marocco và Bồ Đào Nha sẽ đăng cai World Cup 2030 trong khi Uruguay, Paraguay và Argentina tổ chức các trận khai mạc, FIFA đã mời châu Á và châu Đại Dương tham gia đăng cai tổ chức kỳ World Cup 2034.

Vấn đề là FIFA chỉ cho thời hạn 4 tuần - tức đến cuối tháng 10 - để các bên đăng ký tham gia vận động đăng cai và thêm 4 tuần nữa để các ứng viên nộp "các thỏa thuận đấu thầu đã hoàn tất" vào hạn chót ngày 30-11. Làm sao để các đề xuất này được chính phủ các nước thông qua nhanh chóng như vậy?

Giới chuyên môn cho rằng chỉ có đề án đăng cai được hậu thuẫn bằng cả hệ thống chính trị như Ả Rập Saudi may ra mới đáp ứng nổi, như cách người ta nhìn thấy họ mua CLB Newcastle, chiêu mộ hàng chục ngôi sao sân cỏ với giá hàng trăm triệu bảng về đầu quân cho giải Saudi Pro-League vốn chưa có tên tuổi gì.

Nhu cầu của FIFA đòi hỏi các ứng viên phải đề xuất được tối thiểu 14 sân bóng phù hợp, trong đó ít nhất 7 sân đang vận hành, 7 sân xây mới... Ả Rập Saudi đã bước đầu đáp ứng tiêu chí này với ít nhất 7 sân đã được xây hoặc đang xây dựng trước khi đăng cai Asian Cup 2027. Chuyện World Cup 2034 có thể sẽ được tổ chức vào mùa đông như ở Qatar hoàn toàn có thể xảy ra nếu FIFA chọn Ả Rập Saudi. Chủ tịch AFC Sheikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa, thành viên của Hoàng gia Bahrain, cho biết: "Toàn bộ đại gia đình bóng đá châu Á sẽ đoàn kết ủng hộ sáng kiến quan trọng của Vương quốc Ả Rập Saudi". Bahrain và giới lãnh đạo AFC là đồng minh của Ả Rập Saudi, như cách Gianni Infantino ngày càng thân thiết hơn với quốc gia này cùng với Qatar.

Ả Rập Saudi tuyên bố sẽ đứng ra vận động đăng cai World Cup 2034, chỉ trong vòng vài giờ sau lời ngỏ của FIFA, cho thấy nước này đã sẵn sàng và quyết tâm đưa World Cup về xứ sở này như thế nào. 

9-logo-qc-ls-tsn-tsb-16881309630341833112097.jpg

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020