Ở thập niên 70 thế kỷ trước, Ajax Amsterdam và đội tuyển Hà Lan đã gây sốt với thứ bóng đá tổng lực (Total Football) cùng HLV Rinus Michels. Thứ bóng đá ấy ra đời, khiến cho lối chơi phòng ngự đổ bê tông (Catenaccio) huyền thoại ở thời điểm ấy trở nên lỗi thời.
Johan Cruyff và Hà Lan thất bại trước Đức ở chung kết World Cup 1974 (Ảnh: Guardian).
Chính lối chơi tổng lực đã giúp bóng đá Hà Lan bước ra ánh sáng. Ajax Amsterdam đã thống trị Cúp C1 với 3 chức vô địch liên tiếp cùng HLV Rinus Michels. Sau đó, vị HLV này cầm quân ở đội tuyển Hà Lan ở World Cup 1974.
Hà Lan bước vào World Cup 1974 tại Tây Đức với tư cách ứng cử viên số một cho chức vô địch. Họ sở hữu hàng loạt ngôi sao mơ ước ở thời điểm ấy như "thánh" Johan Cruyff, Piet Keizer, Johan Neeskens, Rob Rensenbrink, Ruud Krol…
Thực tế, họ đã thể hiện sức mạnh không thể cản nổi ở giải đấu này. Ở vòng bảng thứ nhất, Hà Lan đứng đầu bảng đấu của Thụy Điển, Bulgaria và Uruguay. Sau đó ở vòng bảng thứ hai, họ đã tiếp tục đứng đầu bảng đấu "khủng khiếp" với Brazil, Argentina và Đông Đức với 3 chiến thắng tuyệt đối.
Thế nhưng, Tây Đức vẫn nổi tiếng với sự khôn ngoan, lỳ lợm từ trước tới nay. Ở vòng bảng thứ nhất, họ đã cố tình thua Đông Đức để né bảng đấu khó khăn (Hà Lan, Brazil, Argentina) mà chỉ nằm ở bảng đấu nhẹ thở hơn rất nhiều với Ba Lan, Nam Tư (cũ) và Thụy Điển ở vòng bảng thứ hai. Do đó, Tây Đức đã dễ dàng đứng đầu bảng để vào chung kết.
Franz Beckenbauer nâng cao chức vô địch World Cup 1974 của Tây Đức (Ảnh: Guardian).
Hà Lan bước vào trận chung kết với chủ nhà Tây Đức. Họ đã mở toang giấc mơ cho những người hâm mộ khi có được bàn thắng mở tỷ số ngay ở phút thứ 2 bởi bàn thắng của Johan Neeskens trên chấm phạt đền.
Sự lỳ lợm của Tây Đức được thể hiện, họ bình tĩnh chống đỡ những đợt tấn công như vũ bão của Hà Lan, trước khi Paul Breitner quân bình tỷ số ở phút 25 từ quả phạt đền.
Sau giờ nghỉ, Rainer Bonhof chuyền bóng bên cánh phải cho Gerd Mueller để "Vua dội bom" nâng tỷ số lên 2-1 cho Tây Đức. Vậy là đủ! Hà Lan dù cố gắng đến mấy cũng không thể tìm được mành lưới của Sepp Maier.
Xét toàn bộ vòng chung kết, Hà Lan xứng đáng lên ngôi bởi lối chơi bùng nổ. Nhưng Tây Đức cho thấy bản lĩnh vững vàng ở trận chung kết, để lần thứ hai vô địch World Cup trong lịch sử.
Khái quát về World Cup 1974
Chủ nhà: Tây Đức
Thời gian: Từ ngày 13/6 đến 7/7
Tổ chức ở 9 thành phố
Vô địch: Tây Đức (lần thứ 2 trong lịch sử)
Số trận: 38
Số bàn: 97 (2,55 bàn/trận)
Số khán giả: 1,865,762 (49,099 người/trận)
Vua phá lưới: Grzegorz Lato (Ba Lan): 7 bàn.