Chủ tịch ADB (trái) nhất trí việc ưu tiên vốn cho các dự án mang tính “xoay chuyển trạng thái” theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính để làm các dự án có tính lan tỏa cao - Ảnh: N.AN
GMS được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm với sự mong chờ của nhiều thành viên trong tiểu vùng sông Mekong và các đối tác. Cần ưu tiên hơn hết, trước hết đó là việc thúc đẩy những hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất, đóng góp cho cả tiểu vùng.
Dự án "xoay chuyển trạng thái"
Trước ngày diễn ra sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một lịch trình bận rộn với nhiều hoạt động trao đổi, thảo luận cùng các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Trung Quốc, các đối tác để bàn thảo những hợp tác mang tính cụ thể, thực chất.
Trao đổi với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa, đối tác hỗ trợ có vai trò là điều phối thông qua ban thư ký GMS, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy và cách làm mới trong cơ chế hỗ trợ hợp tác.
Đó là thay vì hỗ trợ cho các dự án mang tính chất an sinh, xóa đói giảm nghèo, ADB cần hỗ trợ nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các dự án quy mô lớn hơn, lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng.
Đó sẽ là những dự án có thể giúp Việt Nam "chuyển đổi tình thế, xoay chuyển trạng thái", ưu tiên vào những ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật; các dự án hạ tầng chiến lược lớn như sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc, dự án ứng phó biến đổi khí hậu như sạt lở, sụt lún; các trung tâm năng lượng, dự án năng lượng mới như hydrogen, truyền tải điện, hỗ trợ đầu tư tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Quan điểm về hỗ trợ hợp tác của Thủ tướng nhận được sự đồng tình của chủ tịch ADB, khi ông cho rằng Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong hợp tác tiểu vùng Mekong.
Vì vậy ông Masatsugu Asakawa ủng hộ việc cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cũng như hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam phát triển các lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Hợp tác với Trung Quốc
Trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, một trong những thành viên của GMS, việc triển khai những dự án hạ tầng kết nối đường sắt, cao tốc càng có ý nghĩa quan trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này trong các cuộc trao đổi với bí thư Tỉnh ủy Vân Nam và các doanh nghiệp hạ tầng, năng lượng hàng đầu Trung Quốc.
Chẳng hạn với dự án đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những ưu tiên trong hợp tác của hai nước để làm nên một tuyến đường sắt huyết mạch, có ý nghĩa kết nối hai nước.
Dự án cũng sẽ góp phần hiện thực hóa sáng kiến Vành đai - Con đường cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Vân Nam và các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, mang lại lợi ích bền vững cho người dân.
Do đó, các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc đều muốn tham gia đầu tư các dự án. Ông Đới Hòa Căn - chủ tịch Tập đoàn Xây dựng công trình xây dựng Trung Quốc (CRCC), đơn vị đề xuất triển khai dự án - cam kết rằng khi được tạo điều kiện thuận lợi, họ sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hay với kết nối hệ thống điện, ông Giang Nhị - chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) - bày tỏ không chỉ muốn mở rộng đầu tư với hệ thống điện kết nối với Việt Nam mà còn đề xuất cùng chia sẻ kinh nghiệm, giúp Việt Nam nâng cao năng lực trong đảm bảo an toàn tin cậy hệ thống điện, đào tạo nhân lực, hợp tác đổi mới khoa học công nghệ.
Trong khi đó, ông Trương Đức Lương - phó chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật năng lượng Trung Quốc (Energy China) - cho hay sẽ mở rộng đầu tư vào các dự án điện mới ở Việt Nam như điện gió và thủy điện tích năng, tổ hợp tích hợp nhiệt điện, điện tái tạo và dự án giao thông tích hợp sử dụng năng lượng gió, mặt trời, trạm dừng nghỉ…
GMS là nơi thu hút đầu tư
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Pornchai Wisuttisak - khoa luật Đại học Chiang Mai (Thái Lan) - cho rằng những hợp tác của Việt Nam với các đối tác và với Trung Quốc thông qua các dự án triển khai cụ thể, đặc biệt ưu tiên cho những dự án mang tính "xoay chuyển trạng thái" như quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo ông Wisuttisak, GMS đang đặt ra yêu cầu cho một chiến lược hợp tác và phát triển mới mang tính lan tỏa, sâu sắc và bền vững hơn. Điều này cũng là phù hợp khi thế giới đang chứng kiến những thách thức mới như chiến tranh, suy thoái kinh tế.
"Cơn gió phát triển đang ở châu Á. GMS sẽ là một khu vực quan trọng để thu hút đầu tư đáng kể từ cả phương Tây và phương Đông gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức để đảm bảo rằng quá trình hợp tác tiểu vùng đáp ứng yêu cầu của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Vì vậy, tất cả các quốc gia trong tiểu vùng Mekong cần tiếp cận đầu tư cho phát triển với quan điểm mới.
Đó là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, nên cần ưu tiên cho các dự án hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…" - ông Pornchai Wisuttisak nói.