Chuyên mục  


le-ky-niem-geneve-17140945466971150926925.jpg

Ông Lê Hoài Trung, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, tặng hoa cho ông Phạm Sơn Dương và đại diện các gia đình thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Geneve ngày 25-4 Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

"Chúng ta phải hiểu được cái cũ thì mới hiểu được cái mới", thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Geneve năm xưa, đã nói với Tuổi Trẻ như vậy khi dự lễ kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneve tổ chức ngày 25-4 ở Hà Nội.

Lợi ích dân tộc cao nhất

Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương - tiến trình dẫn đến ký kết hiệp định cùng tên vào tháng 7-1954 - là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc.

Về mặt chính trị và pháp lý, Hiệp định Geneve khẳng định việc các nước lớn công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Nhìn lại sau 70 năm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định Hiệp định Geneve đã thể hiện rõ tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Đó là kiên định về chủ trương và giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược.

Trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve, cái gốc "bất biến" là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; còn "vạn biến" là trong lúc chưa thể thực hiện trọn vẹn mục tiêu chiến lược thì linh hoạt, biến hóa trong sách lược để rồi kiên quyết, kiên trì từng bước đạt mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

"Tôi có may mắn được sống cùng ba và Bác Hồ trong Phủ chủ tịch nên được ba kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneve", thiếu tướng Phạm Sơn Dương nhớ lại.

"Ba tôi kể là người giàu kinh nghiệm nên Bác Hồ đã dự đoán Việt Nam tham dự Hội nghị Geneve sẽ gặp những áp lực rất lớn. Mặc dù chiến thắng Điện Biên Phủ cùng sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp là cơ hội thuận lợi cho ta, nhưng khó khăn lớn nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào hội nghị", ông Dương nhớ lại.

Trong số các nước lớn tham gia Hội nghị Geneve, có nước đối đầu với Việt Nam nhưng cũng có những nước ủng hộ. Mặc dù vậy, các bên đều có điểm chung là muốn tranh thủ hội nghị để đạt được lợi ích của mình. Trong bối cảnh đó, suốt thời gian diễn ra hội nghị, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng thường xuyên báo cáo và xin ý kiến trực tiếp của Bác Hồ.

"Bác căn dặn ba tôi là trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia", ông Dương kể tiếp.

Quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneve trải qua 31 phiên trong suốt 75 ngày đêm, với nhiều diễn biến phức tạp. Theo ông Dương, có những điểm đoàn Việt Nam cương quyết đấu tranh nhưng cũng có những điểm Việt Nam chấp nhận "lùi lại" để đạt được mục tiêu lớn hơn. Bởi lúc đó Việt Nam không chỉ đàm phán với Pháp mà còn với Mỹ, Anh và Việt Nam quốc gia của ông Bảo Đại.

"Nếu không linh hoạt biết cương biết nhu thì mọi thứ sẽ đổ vỡ, khi đó mục tiêu lớn nhất của chúng ta cũng không đạt được. Cuối cùng thì như mọi người đều biết, Pháp đã nhượng bộ khi công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho ba nước Đông Dương", ông Dương nói.

Vận dụng vào ngoại giao cây tre

Những bài học kinh nghiệm ngoại giao của Việt Nam đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết thành lý luận và đặt tên là trường phái đối ngoại, ngoại giao cây tre Việt Nam. Sự thành công gần đây của ngoại giao cây tre trong ứng xử với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đã được nhiều học giả nước ngoài công nhận.

"Trường phái ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam cung cấp mô hình tốt hơn cho các quốc gia trên thế giới, một mô hình vừa không gây tổn hại cho sức mạnh và nguyên tắc của ngoại giao, vừa có tính linh hoạt và tiếp tục theo đuổi hòa bình.

Các nhà ngoại giao và những cường quốc trên thế giới phải học cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam để có được nhiều bài học áp dụng trong các tình huống cụ thể cho một tương lai hòa bình hơn", ông Amiad Horowitz, thành viên Ban hòa bình và đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ, đánh giá năm 2023.

Tiến trình dẫn đến Hiệp định Geneve, nói như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các ông Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Đó là nền tảng để những thế hệ tiếp theo kế thừa, phát huy và phát triển đường lối đối ngoại, ngoại giao cây tre Việt Nam.

4 lý do thành công của ngoại giao cây tre

Sự thành công của ngoại giao cây tre Việt Nam cũng gây tò mò cho thế giới, thúc đẩy họ đi tìm hiểu. Giải đáp cho điều đó, GS Carl Thayer, một người Úc có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, nhận định có bốn lý do chính.

Đó là Việt Nam có một đội ngũ các nhà ngoại giao lớn, được đào tạo tốt và chuyên nghiệp. Việt Nam cũng có tầm nhìn chiến lược dài hạn, có sự đánh giá và linh hoạt về chính sách đối ngoại.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang ngày càng nhận được sự đánh giá cao và tin tưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020