Chuyên mục  


Tại một nhà hát ở Jerusalem vào tối 2/5, những người tham gia sự kiện hòa nhạc và nhân viên ở đây bày tỏ giận dữ và buồn bã trước phong trào biểu tình phản đối chiến sự Gaza và ủng hộ người Palestine đang lan rộng trên khắp các trường đại học của Mỹ.

Các cuộc biểu tình ồn ào đang được chính phủ Israel theo dõi chặt chẽ, các hãng truyền thông lớn đưa tin và những người nổi tiếng thảo luận.

Idan Degani, 28 tuổi, nhân viên bảo vệ tại nhà hát, cho biết nhiều người Israel chứng kiến phong trào biểu tình với tâm trạng bối rối và lo lắng, coi đây là đòn công kích vào toàn bộ đất nước chứ không phải chỉ chính phủ nước này.

Những người ủng hộ Palestine trong cuộc biểu tình tại Đại học Thành phố New York hôm 30/4. Ảnh: AFP

"Chúng tôi không biết có nhiều người ghét Israel đến vậy. Tôi không nghĩ những người trẻ đó hiểu sâu sắc về Israel hay về cuộc xung đột. Tôi nghĩ những người lớn tuổi có thể biết, nhưng thế hệ trẻ này thì không", Degani nói. "Tôi chắc chắn không tin nó sẽ thay đổi cách mọi người ở đây nhìn nhận cuộc xung đột".

Suy nghĩ giống như của Degani xuất hiện phổ biến trong cộng đồng người Do Thái chiếm đa số tại Israel, 7 tháng sau khi Israel phát động chiến dịch tấn công Dải Gaza nhằm trả đũa Hamas.

"Chúng tôi hiểu có bao nhiêu nỗi căm ghét ngoài kia. Tôi là con của những người sống sót sau thảm họa Holocaust, nhưng điều đó vẫn khiến tôi sốc", Danae Marx, chuyên gia quan hệ công chúng tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, cho hay.

Một số người chỉ trích Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các bộ trưởng cực hữu trong chính phủ liên minh của ông, tuy nhiên, cũng có không ít người tin rằng nỗi giận ở nước ngoài bắt nguồn từ thông tin sai lệch, sự thiếu hiểu biết, tâm lý thù địch lịch sử của các tổ chức quốc tế, "tiêu chuẩn kép" toàn cầu và chủ nghĩa bài Do Thái cố hữu.

"Ban đầu, mọi người xem nhẹ những cuộc biểu tình này. Nhưng giờ đây, chúng được coi là bằng chứng cho thấy phe cấp tiến trong các nền dân chủ tự do có thể chiếm lĩnh chương trình nghị sự công và sử dụng nó để công kích Israel hoặc bất cứ điều gì Israel làm", giáo sư Tamar Hermann, nhà khoa học chính trị tại Viện Dân chủ Israel ở Jerusalem, nhận xét.

"Đám đông biểu tình coi tất cả người Israel đều giống như nhau và thông tin sai lệch tràn ngập đến mức ngay cả những người phản đối chính phủ Israel hiện tại cũng không thể chấp nhận được. Họ đều phẫn nộ trước những cuộc biểu tình này ở nước ngoài", ông nói thêm.

Trên tờ Jerusalem Post, nhà bình luận David Weinberg viết rằng "sự chỉ trích thiếu cân bằng" đối với Israel không phải điều mới.

Theo ông, rất lâu trước chính quyền Netanyahu, thế giới đã chỉ trích Israel gay gắt. "Hiếm khi các chuyên gia phương Tây cho thấy họ thực sự hiểu biết về các hoạt động của quân đội Israel đối với người Palestine", Weinberg viết.

Các nhà phân tích cho biết việc phong trào biểu tình Mỹ phớt lờ những đau đớn mà Israel phải chịu trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023 của Hamas và cáo buộc Tel Aviv đang phạm tội diệt chủng, đã khiến không ít người Israel, đặc biệt là phe cánh tả, cảm thấy sốc.

Ngày 7/10/2023, Hamas đột kích vào lãnh thổ Israel, giết hơn 1.100 người và bắt cóc hàng trăm người. Chiến dịch trả đũa của Israel sau đó đã khiến hơn 34.600 người ở Gaza thiệt mạng.

Giới chức Israel cho rằng Hamas phải chịu trách nhiệm cho thương vong của dân thường tại Dải Gaza, cáo buộc Hamas dùng dân thường làm lá chắn sống, cũng như hoạt động ở khu vực quanh bệnh viện, trường học và các cơ sở của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Hamas bác bỏ điều này.

Nhiều người ở Israel nói cáo buộc diệt chủng bắt nguồn từ chủ nghĩa bài Do Thái và coi câu khẩu hiệu được hàng loạt người biểu tình Mỹ hô hào "từ sông ra biển, Palestine sẽ tự do" chính là lời kêu gọi tiêu diệt Israel.

Thủ tướng Netanyahu hồi tháng trước đã ghi lại một tuyên bố bằng video bày tỏ quan điểm về các cuộc biểu tình tại đại học Mỹ, nhấn mạnh "đám đông chống Do Thái đang chiếm các trường đại học hàng đầu". "Họ kêu gọi tiêu diệt Israel. Họ tấn công sinh viên Do Thái", ông nói.

Theo giới quan sát, tình trạng cô lập ngoại giao và mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Israel với Mỹ đã củng cố thêm ý thức lịch sử của người Do Thái rằng đất nước họ không có đồng minh hoặc người bảo vệ đáng tin cậy.

Hôm 2/5, Thủ tướng Netanyahu đã gặp những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, những người vào tuần tới sẽ tham gia lễ khai mạc ngày tưởng niệm hàng năm tưởng nhớ hơn 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã sát hại.

"Nếu phải đứng một mình, chúng ta sẽ đứng một mình. Nếu có thể thuyết phục được các quốc gia trên thế giới thì càng tốt. Nhưng nếu chúng ta không tự bảo vệ mình, sẽ không có ai bảo vệ chúng ta", ông nói.

Văn phòng Thủ tướng Netanyahu hôm 3/5 dẫn lời Itzhak Kabilio, một người sống sót sau thảm họa Holocaust đến từ Nam Tư rằng "ngày nay, nhà nước Israel là nơi ẩn náu duy nhất của người Do Thái. Có thể ai đó từng nghĩ rằng Mỹ là thiên đường, nhưng với những gì đang xảy ra hiện nay, chúng ta sẽ thấy nó không còn đúng nữa. Vì vậy, chúng ta phải củng cố nhà nước".

Trên phố Jaffa của Jerusalem lúc 23h ngày 2/5, thanh thiếu niên ngồi bên ngoài các quán cà phê, tụ tập tại các quán bar và ăn kem. Một số người kể về những người bạn ở Mỹ đã mô tả cho họ "tình hình khủng khiếp" trong khuôn viên các trường đại học.

Joseph, 21 tuổi, quân nhân mới từ Anh nhập cư đến Israel, cho biết đám đông biểu tình tại Mỹ đang đưa ra thông tin sai lệch."Mọi người đều có quyền phản đối và nói lên quan điểm của mình, nhưng tôi không nghĩ họ nắm được bức tranh toàn cảnh về những gì đang thực sự xảy ra ở đây và ở Gaza", anh cho hay.

Tại nhà hát Jerusalem, nhiều khán giả mô tả xung đột hiện tại là một trong nhiều cuộc chiến mà Israel sẽ phải đương đầu trong những thập kỷ tới.

"Người Do Thái thật ngu ngốc. Mọi chuyện đã như vậy hàng trăm năm nay và chúng tôi luôn nghĩ tình hình sẽ tốt hơn. Nhưng thực tế không bao giờ như vậy", Joseph Avi Cohen, giám đốc ngân hàng đã nghỉ hưu, nói. "Chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần trở lại đấu tranh. Nếu ai đó đánh bạn, bạn sẽ đánh lại họ, mạnh gấp đôi, gấp 10 lần".

Vũ Hoàng (Theo Guardian, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020