Luigi Mangione, nghi phạm của vụ sát hại CEO Công ty bảo hiểm UnitedHealthcare Brian Thompson, khiến nhiều người sốc trước quá khứ và hình tượng hoàn hảo của mình - Ảnh: CNN
Theo Đài CNN ngày 10-12, nghi phạm của vụ ám sát ông Brian Thompson, CEO Công ty bảo hiểm UnitedHealthcare, đã bị bắt sau năm ngày truy lùng với nhiều tội danh liên quan đến giết người, sở hữu súng và giấy tờ giả.
Từ con ngoan trò giỏi đến nghi phạm giết người
Nghi phạm tên Luigi Mangione (26 tuổi) xuất thân từ gia đình danh giá ở thành phố Baltimore (bang Maryland, Mỹ), với thành tích học tập xuất sắc và được mọi người yêu mến.
Mangione tốt nghiệp thủ khoa tại Trường trung học Gilman - một trong những trường danh giá tại Baltimore. Sau đó, anh lấy bằng cử nhân và thạc sĩ xuất sắc chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Pennsylvania, ngôi trường thuộc nhóm Ivy League danh giá bậc nhất Mỹ.
Trong suốt thời gian học tập, Mangione luôn hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội và ở câu lạc bộ, chia sẻ vô số hình ảnh những hoạt động, những chuyến du lịch.
Tuy nhiên, đằng sau hình tượng "hoàn hảo không tì vết", Mangione dường như ẩn chứa nhiều bất ổn tâm lý.
Qua điều tra, một tài liệu cá nhân của Mangione, được mô tả như một "tuyên ngôn", thể hiện thái độ thù ghét đối với các tập đoàn lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm.
Dù không trực tiếp nhắc đến nạn nhân Brian Thompson trong tài liệu, Mangione dường như coi vụ ám sát là "cần thiết" để bày tỏ quan điểm chống lại "hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm".
Tinh vi, lọc lõi né tránh cảnh sát
Khẩu súng tự chế được tìm thấy trong ba lô của nghi phạm, được làm bằng công nghệ in 3D và có khả năng bắn đạn 9mm - Ảnh: CNN
Sau vụ giết người vào ngày 5-12, cảnh sát New York ngay lập tức mở rộng cuộc điều tra. Tuy nhiên việc xác định danh tính và vị trí của nghi phạm không hề dễ dàng.
Đã bắt được nghi phạm bắn chết CEO công ty bảo hiểm của Mỹ - Nguồn video: AFP
Mangione đã thực hiện loạt hành vi nhằm che giấu tung tích, bao gồm sử dụng "súng ma" tự chế bằng công nghệ in 3D, giấy tờ giả và liên tục di chuyển để không bị truy vết.
Chính việc dùng súng tự chế khiến cảnh sát không thể truy dấu nghi phạm thông qua các thông tin đăng ký súng.
Bên cạnh đó, nghi phạm giết CEO UnitedHealthcare còn luôn khéo léo che giấu bản thân trước camera an ninh. Không một camera an ninh nào bắt được toàn bộ khuôn mặt của Mangione, mà chỉ quay được một bên mặt hoặc gương mặt đã bị che giấu bởi mũ, khẩu trang.
Sau khi ám sát ông Thompson, Mangione tẩu thoát bằng cách chạy xe đạp vào công viên trung tâm của New York, nơi có diện tích rộng, nhiều nơi lẩn trốn và đặc biệt là vài khu vực không có camera an ninh.
Những điều tra khiến việc truy lùng dấu tích thủ phạm vụ ám sát trên cực kỳ khó khăn, bất chấp việc đã huy động nhiều công cụ công nghệ cao như máy bay không người lái (drone).
Vụ bắt bớ tình cờ
Phải đến sáng 9-12 (giờ địa phương), cảnh sát mới bắt được Mangione nhờ nhận trình báo của một nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s ở thành phố Altoona, bang Pennsylvania. Nhân viên trên nhận thấy Mangione có ngoại hình giống nghi phạm và đã nhanh chóng gọi cho cơ quan chức năng.
Trong ba lô của nghi phạm, cảnh sát tìm thấy một khẩu súng in 3D, băng đạn và bộ phận giảm thanh - những vật dụng được xác định giống hệt vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát.
Ngoài ra, họ còn phát hiện các tài liệu làm giả khác và một chiếc áo khoác trùng khớp với trang phục của nghi phạm trong video giám sát.
Vụ việc của Luigi Mangione đã để lại nhiều câu hỏi và sự bàng hoàng không chỉ cho cảnh sát mà còn cho gia đình, bạn bè và những người từng quen biết anh, tự hỏi làm thế nào mà một người có cuộc sống đầy triển vọng lại có thể phạm tội táo tợn như vậy.
Bên cạnh đó, vụ việc này cũng là bài học nghiệp vụ quan trọng khi cảnh sát bắt được Mangione nhờ những quy trình truyền thống, thay vì công nghệ cao tối tân.
Nhiều người nghi vấn động cơ của Luigi Mangione
Theo bạn bè và các bài đăng trực tuyến của Mangione, trong những năm gần đây, anh thường xuyên bị đau lưng dữ dội và đã phải phẫu thuật để điều trị.
Tại hiện trường vụ ám sát, cảnh sát tìm thấy các vỏ đạn với dòng chữ: "Deny" (Phủ nhận), "Defend" (Bảo vệ), và "Depose" (Phế truất).
Chi tiết này được cho là liên quan đến một cuốn sách xuất bản năm 2010 phê phán ngành bảo hiểm mang tựa đề "Trì hoãn, Phủ nhận, Bảo vệ: Vì sao các công ty bảo hiểm không trả tiền và bạn nên làm gì".
Nhiều người đặt nghi vấn về việc liệu động cơ của Mangione có liên quan đến khoản tiền bồi thường bảo hiểm của UnitedHealthcare hay không.