Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 6 đã tuyên bố rút lui khỏi đảo Rắn, hòn đảo tiền tiêu nằm cách mũi cực Nam của Ukraine khoảng 48km và cách bán đảo Crimea khoảng 300km.
Sau khi quân đội Nga rút đi, các lực lượng Ukraine đã ngay lập tức đổ bộ lên đảo Rắn và thiết lập một căn cứ phòng thủ để bảo vệ cho hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, các binh sĩ Ukraine đóng quân trên đảo Rắn đã tiết lộ về kế hoạch tuyệt mật nhằm giành lại đảo Rắn của quân đội Ukraine.
Theo đó, quân đội Ukraine đánh giá Nga đã phạm sai lầm trong phòng thủ trên hòn đảo.
"Người Nga đã sai khi nghĩ rằng chúng tôi không thể tấn công họ. Họ cho rằng chúng tôi chỉ có thể tấn công họ bằng các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, vì vậy họ chỉ trang bị các hệ thống phòng không chống máy bay và tên lửa trên đảo. Các hệ thống này có hiệu quả với tên lửa, nhưng chúng tôi đã tấn công họ bằng pháo binh", một binh sĩ Ukraine cho biết.
Nắm được sự sơ hở trong cách bố trí thế trận phòng ngự của Nga, quân đội Ukraine đã sử dụng các hệ thống pháo tự hành Caesar được đặt trên mặt nước để tấn công các chốt phòng ngự trên đảo.
Trước đó, báo New York Times của Mỹ đã tiết lộ về hệ thống vũ khí đặc biệt này của Kiev. Theo đó, để tăng tầm bắn cho các pháo tự hành do Pháp viện trợ, các kỹ sư Ukraine đã đặt các pháo Caesar trên các bè nổi lớn và kéo chúng ra cách bờ biển khoảng 10km. Từ khoảng cách này, pháo tự hành Caesar có đủ tầm bắn để tấn công đảo Rắn, hòn đảo tiền tiêu cách đất liền khoảng 48km.
Một bè nổi được quân đội Ukraine sử dụng làm bệ đỡ cho các hệ thống tấn công trên biển (Ảnh: Defense Express).Theo New York Times, đây là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng công binh, hải quân và pháo binh Ukraine. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng là rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho kế hoạch trên.
Để tạo sự bất ngờ, kế hoạch trên được giữ bí mật một cách tuyệt đối vì lực lượng không quân và hải quân Nga ở thời điểm đó sở hữu sức mạnh vượt trội và có thể dễ dàng vô hiệu hóa các "ụ pháo nổi" của Ukraine nếu kế hoạch bị bại lộ.
Các binh sĩ Ukraine cũng tiết lộ ngay sau khi quân đội Nga rút đi, một lực lượng đặc biệt bao gồm các lính thủy quân lục chiến và người nhái hải quân đã được lệnh đổ bộ lên tiếp quản đảo.
"Nhiệm vụ của đội đặc nhiệm này là kiểm tra và tìm kiếm vật liệu nổ ở quanh đảo nhằm đảm bảo rằng chúng tôi có thể đổ bộ lên đó bằng xuồng", một binh sĩ Ukraine đóng quân trên đảo Rắn nói.
Tổ hợp phòng không Tor-M2 SAM bị Nga bỏ lại trên đảo Rắn (Ảnh: Pierre Beiren).Sau khi đổ bộ lên đảo, quân đội Ukraine đã tìm thấy một tổ hợp phòng không Tor-M2 SAM gần như nguyên vẹn của Nga. Theo các binh sĩ Ukraine, quân đội Nga đã không có đủ thời gian để phá hủy tổ hợp này.
Khi được hỏi về chiến dịch giành lại đảo Rắn, các binh sĩ trấn giữ hòn đảo này của Ukraine đều khẳng định việc giành lại đảo không chỉ nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine mà còn vô cùng quan trọng cho việc đảm bảo an toàn cho tuyến vận tải nông sản của Ukraine.
Vị trí đảo Rắn (Ảnh: AFP).