Chuyên mục  


Giá xăng dầu, khí đốt ngày càng tăng, khiến các tiều phu ở miền bắc Hy Lạp đang phải cố hết sức để đáp ứng nhu cầu về củi trên thị trường. Giữa khủng hoảng năng lượng, củi được coi là lựa chọn hợp lý hơn để người dân tại một số vùng của Hy Lạp sưởi ấm nhà cửa vào mùa đông.

Nhóm tiều phu tụ tập quanh đống lửa, nghỉ ngơi trong khu rừng gần Grevena, miền bắc Hy Lạp, ngày 8/12. Ảnh: AFP

Nhiều người Hy Lạp vẫn quay cuồng với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ, đang tuyệt vọng để chống lại giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát quốc gia ở mức hơn 8%.

"Nhu cầu củi đang tăng", Yannis Paligiannis, 44 tuổi, người vận chuyển củi, nói. "Nhiều người đang tính tới việc chuyển hệ thống sưởi bằng khí đốt sang củi, nhưng điều gì sẽ xảy ra trong năm tới? Không ai chắc năm sau củi sẽ không tăng giá".

Hiện tại, nguồn cung dồi dào khiến củi trở thành lựa chọn tốt nhất ở miền bắc Hy Lạp, nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C vào mùa đông.

"Người dân ở đây có thể vượt qua mùa đông bằng cách chi 300-400 euro (320-425 USD) mua củi, thậm chí có thể rẻ hơn nếu tự đốn và vận chuyển", Zisis Giakopoulos, một người về hưu ở làng Aimilianos, tây bắc Grevena, nói. "Nhiều người cũng dùng củi nhóm bếp lò đun nóng thức ăn".

Một tiều phu dùng cưa khai thác gỗ trong khu rừng gần Grevena, miền bắc Hy Lạp, ngày 8/12. Ảnh: AFP

Theo số liệu do trang web bảo hiểm Pricefox của Hy Lạp tổng hợp, chi phí sưởi ấm cho một căn hộ rộng 80 m2 ở nước này trong mùa đông là khoảng 650 euro nếu dùng xăng dầu, gần 1.000 euro khi dùng điều hòa, còn khí đốt là gần 1.300 euro.

Paligiannis cho hay 70% củi được bán ở Hy Lạp đến từ Grevena, vùng núi gần biên giới Albania.

"Nhu cầu gỗ năm nay cao hơn năm ngoái vì khủng hoảng năng lượng, nhưng chúng ta không nên lạm dụng rừng", tiều phu Dimitris Basnas, 34 tuổi, nói. "Nếu cây già và cao, thời gian đốn sẽ lâu hơn, nên không đốn được nhiều".

Hy Lạp có gần 270 hợp tác xã với khoảng 8.500 lao động trong ngành khai thác gỗ đăng ký với Bộ Môi trường. Bất chấp nhu cầu tăng cao trong năm nay, tương lai của nghề này không được đảm bảo.

Số lượng tiều phu đang giảm dần. Người trẻ thường lựa chọn công việc ít vất vả hơn. Họ vẫn phải dắt la đi xuyên rừng để vận chuyển gỗ.

"Chúng tôi học nghề từ ông bà và vẫn tiếp tục giữ truyền thống", Thanassis Papanikolaou, chủ tịch một hợp tác xã lâm nghiệp khai thác khoảng 10.000 tấn củi một năm, cho hay. Ông nói thêm chính quyền cấm mở rộng đường để xe tải chạy qua rừng.

Một tiều phu đi bộ cùng la chở gỗ trong khu rừng gần Grevena, miền bắc Hy Lạp, ngày 8/12. Ảnh: AFP

"Bố tôi đã nuôi dạy 5 đứa con nhờ nghề này", Yiorgos Koutoulas, 62 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm tiều phu, nói. "Khi tôi nghỉ hưu, sẽ không còn thanh niên nào thay thế. Làng xóm bây giờ đều vắng vẻ. Thanh niên đã rời đi tới thành phố lớn làm việc".

Theo bản đồ lâm nghiệp, rừng che phủ gần 50% diện tích Hy Lạp. Số liệu được chính phủ nước này công bố cho thấy nước này năm ngoái khai thác gần 700.000 m3 gỗ, giảm so với gần 895.000 m3 một thập kỷ trước và gần 720.000 m3 năm 2020.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020