Chuyên mục  


Dư luận Thái Lan chấn động khi cảnh sát khám xét và phát hiện tổng cộng 73 thi thể tại hai cơ sở thiền định ở huyện Pho Thale và Bang Mun Nak, cùng thuộc tỉnh Phichit, miền bắc nước này. Hai cơ sở thiền định này đều liên quan đến nhà sư Saifon Phandito, người đang bị thẩm vấn để làm rõ nguồn gốc các thi thể.

Thongchai Khimmakthong, người đứng đầu huyện Bang Mun Nak, cho hay các nhà sư nói với giới chức địa phương rằng những thi thể trên được sử dụng để thiền định ở cả hai cơ sở. Sự việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về phương pháp thiền cùng tử thi, nghi thức Phật giáo cổ được thực hành chủ yếu ở Thái Lan từ nhiều thế kỷ trước.

Theo phương pháp khổ tu này, người tham gia ngồi thiền cạnh tử thi đang phân hủy ở các giai đoạn khác nhau để nâng cao giác ngộ rằng cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Justin McDaniel, giáo sư ngành tôn giáo Đại học Pennsylvania, Mỹ, giải thích rằng ngồi thiền giữa tử thi đang phân hủy trong cái nóng nhiệt đới được coi là giúp giác ngộ những lời dạy quan trọng của Đức Phật, như không chấp niệm vào thân xác và mọi thứ đều vô thường.

Nghi thức này là phương pháp khổ tu để học được vô ngã, nghĩa là không có gì trường tồn, bất biến, và "càng vô ngã, bạn càng gần với niết bàn", ông nói.

Tranh mô tả nhà sư ngồi thiền cạnh bộ xương tại chùa Thevarajunkhorn, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Khmerimagery

Thi thể được sử dụng trong các nghi thức thiền định này thường là trẻ em hoặc thanh niên đột tử, được gia đình hiến xác cho chùa với hy vọng bi kịch này sẽ khởi phát một việc tốt đẹp.

"Thiền sư coi người quá cố ít tuổi là đại diện cho những điều tốt đẹp nhất của nhân loại", giáo sư McDaniel giải thích. "Họ ngây thơ, không ích kỷ, tham lam hay tham vọng. Nếu những thứ đẹp đẽ như vậy còn bị hủy hoại, tại sao chúng ta lại tự mãn và phù phiếm? Chúng ta thậm chí còn xấu xí hơn xác chết".

Thảm họa sóng thần ngày 26/12/2004 ở Phuket khiến gần 5.000 người tử vong. Vài ngày sau, các nhà sư Thái Lan được giao nhiệm vụ xử lý và hỏa táng hơn 2.400 thi thể nạn nhân sau thảm họa

Dù các thi thể đang trương phình, bốc mùi vì phân hủy, các nhà sư vẫn tiến hành nghi thức cầu siêu, hỏa táng đầy đủ cho họ theo nghi thức đạo Phật truyền thống. Các chuyên gia cho rằng nhiều năm thực hành phương pháp thiền cùng tử thi đã giúp các nhà sư thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.

"Thiền cùng tử thi thực chất là vừa thiền vừa nhìn ảnh người chết, hoặc nhìn vào xác chết đang trong giai đoạn phân hủy", nhà sư Siripanyo Bhikkhu giải thích sau khi tham gia nỗ lực xử lý thi thể nạn nhân sóng thần ở Phuket.

Mục đích của hình thức này là "tâm trí ta hiểu được khi nhìn vào một người đang sống, thực chất ta chỉ nhìn thấy thân xác bề ngoài của người đó. Chúng ta bị ám ảnh bởi bề ngoài. Không ai muốn nhìn thấy bản chất bên trong. Nhưng chúng ta cố gắng nhìn chúng theo cách bình đẳng, không thích thú cũng không ghê tởm bởi những dấu vết hấp dẫn hay không hấp dẫn ở bên ngoài lẫn bên trong".

Người thân, người sống sót sau trận sóng thần chứng kiến cảnh các nạn nhân được đưa lên giàn hỏa thiêu mỗi ngày. "Tất cả người thân tới đứng xung quanh và quan sát ngọn lửa", Bhikkhu nói. "Điều này rất bình thường. Bản chất của nhân gian này là vô thường".

Ngoài thiền tử thi, các trụ trì tu viện ở Thái Lan còn có nhiều phương pháp thiền khác lạ. Một nhà sư từng ngồi thiền trong dầu đun nóng tại một ngôi chùa ở tỉnh Nong Bua Lamphu năm 2016.

Trong ngôi chùa Tham Mangkon Thong, các sư cô thiền trong trạng thái nổi trên ao. Chùa Pai Civilsai còn có phương pháp ngồi thiền giữa thùng đựng trăn. Một số nhà sư còn ngồi thiền trong hang động hay quan tài, nơi không có bất kỳ ánh sáng nào lọt vào bởi tin rằng cảnh tối đen như mực hữu ích để tập trung tư tưởng cao độ.

Kỹ thuật thiền mà tu sĩ và người dân bình thường hay thực hành là im lặng hoàn toàn trong 10 ngày. Một số ngôi chùa cung cấp khóa tu cho du khách và khuyến khích họ thức trắng ba ngày cuối cùng.

"Thiếu ngủ là yếu tố cần thiết để bước chân vào giai đoạn giác ngộ", Brooke Schedneck, giảng viên ngành Phật giáo tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai, Thái Lan, giải thích.

Mục đích của thiền đối với tất cả tín đồ Phật giáo là đạt được tuệ giác. Theo giáo sư Cassaniti, những người thực hiện phương pháp thiền định khổ hạnh quan niệm rằng chúng giúp họ "nhanh chóng tiếp cận chân lý".

Đối với nhà sư Bhikkhu, việc mang ảnh tử thi theo người "nghe có vẻ ghê rợn và kỳ lạ, nhưng hoàn toàn bình thường ở Thái Lan". "Đó là mục đích của các tu viện: nhắc nhở chúng ta rằng bản chất của kiếp người là vô thường và tạm bợ", ông giải thích.

Tuy nhiên, phương pháp thiền cùng tử thi gây tranh cãi vì có thể vi phạm các quy định pháp luật về nơi chôn cất, hỏa táng người chết. Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan cũng đang xem xét liệu hoạt động thiền cùng hàng chục thi thể tại hai cơ sở ở tỉnh Phichit có xung đột với nguyên lý Phật giáo hay không.

Nhà sư Saifon Phandito và các đồ đệ nói rằng toàn bộ 73 thi thể tại hai cơ sở thiền định đều là của các tín đồ và người thân của họ. Trước khi qua đời, họ đã đồng ý cho các nhà sư lưu giữ thi thể để thiền định.

Dù vậy, cảnh sát Thái Lan đã quyết định đóng cửa hai cơ sở trên để điều tra, nhằm xác định nguồn gốc số thi thể, cũng như tìm hiểu nguyên nhân tử vong của họ.

Hồng Hạnh (Theo Asean Now/Washington Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020