Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới 2023, nghị sĩ Kevin McCarthy đã dọn vào phòng làm việc mới tại trụ sở ở Đồi Capitol. Căn phòng này trước đây thuộc về Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ, nhưng trợ lý của ông McCarthy vẫn chưa thể treo bảng tên kèm chức vụ nào trên cửa.
435 nghị sĩ Mỹ dự kiến bầu tân chủ tịch Hạ viện trong chưa đầy 24 tiếng nữa, song giới quan sát chính trường đánh giá lãnh đạo phe Cộng hòa đến nay vẫn chưa gom đủ số phiếu để xác định ai sẽ ngồi vào chiếc ghế này.
McCarthy đang chịu sức ép nội bộ không nhỏ khi đảng Cộng hòa không tạo được "làn sóng đỏ" như kỳ vọng ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Với kết quả bỏ phiếu vào tháng 11/2022, đảng Cộng hòa có 222 nghị sĩ tại Hạ viện và giành quyền kiểm soát cơ quan này, nhưng chỉ với cách biệt mong manh 9 ghế so với đối thủ Dân chủ.
Để trở thành tân chủ tịch Hạ viện, McCarthy cần ít nhất 218 phiếu ủng hộ. Điều này đồng nghĩa ông chỉ có thể chấp nhận 4 phiếu chống từ đảng của mình, khi toàn bộ 213 nghị sĩ đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ không ủng hộ ông.
Nhưng một bộ phận nghị sĩ Cộng hòa đã công khai tuyên bố rằng McCarthy, chính trị gia đến từ bang California, không nên giữ ghế Chủ tịch Hạ viện khóa mới.
Lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy phát biểu tại thủ đô Washington ngày 15/11/2022, sau khi được đề cử làm chủ tịch Hạ viện. Ảnh: AFP.
Phần lớn những nghị sĩ Cộng hòa phản đối ông McCarthy rơi vào nhóm bảo thủ. Họ cho rằng nghị sĩ 57 tuổi không quan tâm đúng mức tới những vấn đề đối trọng phe Dân chủ, cũng như các chủ đề văn hóa và xã hội đang tạo nên khác biệt giữa hai đảng.
Ông McCarthy cũng làm mất lòng một bộ phận trong đảng Cộng hòa vì "thiếu máu lửa" trước phe Dân chủ ở những chương trình nghị sự quan trọng như ngân sách chính phủ, quốc phòng và kiểm soát biên giới.
Ít nhất 5 nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố không ủng hộ McCarthy. Bob Good, một trong các nghị sĩ phản đối, cáo buộc McCarthy "không phải giải pháp" cho các rắc rối trong đảng và cách làm chính trị ở Washington.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy ông ấy sẽ thay đổi cách làm việc. Ông ấy đã lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện suốt thời gian qua và ông ấy là một phần của đầm lầy", Bob Good trả lời Fox News hôm 2/1, nhắc lại cách ví von của cựu tổng thống Donald Trump về văn hóa chính trị được cho là trì trệ ở thượng tầng nước Mỹ.
Dù phiên họp đầu tiên của Hạ viện Mỹ khóa mới đã gần kề, phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa chưa gửi tín hiệu nhượng bộ về McCarthy. Một số chính trị gia ủng hộ McCarthy khuyên ông nên tìm kiếm sự ủng hộ từ "bên kia chiến hào", tiếp cận các thành viên đảng Dân chủ để gom đủ số phiếu và đảm bảo ghế Chủ tịch Hạ viện của mình.
Một số nguồn thạo tin cho biết hơn 10 nghị sĩ Cộng hòa phản đối ông McCarthy. Đảng Cộng hòa đang hy vọng kịp thời chấn chỉnh lại nội bộ trong phiên họp trước thềm buổi bỏ phiếu chọn Chủ tịch Hạ viện vào ngày 3/1, song tương lai của McCarthy vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Trong khi McCarthy loay hoay tìm đủ số phiếu bầu cần thiết để trở thành tân chủ tịch Hạ viện, một bộ phận trong đảng lại muốn Steve Scalise, người cộng sự thân tín của McCarthy, thế chỗ ông. Scalise nắm quyền lực lớn thứ hai trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, phụ trách tổ chức hoạt động và chính sách cho đảng tại cơ quan lập pháp.
Các nguồn thạo tin cho rằng một số nghị sĩ bảo thủ đã đề nghị Scalise công khai thách thức McCarthy để giành ghế Chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, Scalise đến nay vẫn giữ im lặng. Một số nguồn tin tiết lộ ông đã từ chối mọi đề nghị tranh cử, cũng như tìm cách tránh mọi động thái có thể dẫn đến nghi vấn ông muốn "lật kèo" người cộng sự lâu năm.
"Steve rất cố gắng thể hiện hình ảnh ủng hộ, luôn công khai đứng về phía McCarthy. Tôi nghĩ cá nhân ông ấy cũng muốn một ngày kia trở thành Chủ tịch Hạ viện, vì vậy ông ấy cần hết sức khôn khéo", Don Bacon, nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Nebraska, nhận định.
Giới quan sát lưu ý rằng nếu Scalise tranh cử lãnh đạo, ông cũng không chắc chắn giành đủ 218 phiếu từ đảng Cộng hòa, kể cả trong trường hợp ông McCarthy chấp nhận lui vào hậu trường để nhường phiếu.
Một số ứng viên khác đủ năng lực thay ông McCarthy là nghị sĩ Patrick McHenry của bang Bắc Carolina, Jim Jorrdan của bang Ohio thuộc phe bảo thủ và Tom Cole của bang Oklahoma. Tuy nhiên, cả ba người đều không công khai thể hiện tham vọng tranh cử.
Đảng Cộng hòa đang chia rẽ nghiêm trọng giữa những định hướng khác nhau, giữa phe bảo thủ, các nghị sĩ thân Trump và nhóm ủng hộ chính sách trung dung hơn để thu hút cử tri trung lập.
Lần gần nhất Hạ viện Mỹ không bầu được tân chủ tịch sau phiên họp đầu tiên là 100 năm trước. Đảng Cộng hòa khi đó cũng chiếm đa số ở cơ quan lập pháp này. Nếu như kịch bản năm 1923 tái diễn, các hạ nghị sĩ phải tổ chức thêm các vòng bỏ phiếu riêng biệt cho đến khi xuất hiện ứng viên nhận được tối thiểu 218 phiếu ủng hộ.
Theo Christian Fong, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Michigan, tân Chủ tịch Hạ viện sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên các dự luật được thảo luận hay bỏ phiếu trong hai năm tới.
Đấu đá nội bộ trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch Hạ viện càng kéo dài, đảng Cộng hòa càng lún sâu vào tình thế "tự bắn vào chân mình" dù họ chiến thắng đối thủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hai tháng trước.
Phe Dân chủ vẫn duy trì kiểm soát Thượng viện, nên Hạ viện sẽ là chìa khóa duy nhất để đảng Cộng hòa tạo dấu ấn chính sách trong hai năm tới, tạo bước đệm cho ứng viên của đảng bước vào đường đua đến Nhà Trắng năm 2024.
"Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện với cách biệt rất nhỏ. Chỉ cần một vài nghị sĩ Cộng hòa phối hợp với nhau là đủ để đe dọa ngáng đường nỗ lực bầu Chủ tịch Hạ viện của đảng", Christian Fong cảnh báo.
Thanh Danh (Theo CNN, Reuters, Hill, Al Jazeera)