Chuyên mục  


chu-tich-nuoc-1731198931134930330014.jpg

Chủ tịch nước Lương Cường lên đường thăm chính thức Chile, Peru và dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024. Trong ảnh: lễ tiễn Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: TTXVN

Chuyến đi không chỉ là cơ hội để nhìn lại quan hệ Việt Nam - Chile sau hơn nửa thế kỷ, mà còn là dịp để tìm hiểu về một đất nước được xem là "nhà vô địch" về thương mại tự do trên thế giới.

Danh sách dài các FTA

Chile nằm ở phía tây lục địa Nam Mỹ, giáp Thái Bình Dương và nổi bật trên bản đồ với đường bờ biển dài hơn 6.400km. Ấn tượng hơn nữa, Chile sở hữu một danh sách dài các FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết và đang có hiệu lực cũng dài như hình dáng của quốc gia này.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Quan hệ kinh tế quốc tế Chile (SUBREI), tính đến tháng 10-2024, Chile có 34 hiệp định kinh tế và thương mại. Các hiệp định này điều chỉnh quan hệ kinh tế, thương mại của Chile với 65 nền kinh tế chiếm 88% GDP của toàn thế giới. Trong đó có hơn 20 là FTA, còn lại là các hiệp định liên kết kinh tế, thương mại tự do một phần với các nền kinh tế khác.

Sự bùng nổ các FTA của Chile đã đem đến lợi ích khổng lồ cho nước này, đặc biệt trong xuất khẩu. Hiện khoảng 95% hàng xuất khẩu của Chile là đến các nước đã có FTA hoặc hiệp định kinh tế với nước này. Tỉ trọng và thị trường hàng hóa xuất khẩu cũng được mở rộng qua từng giai đoạn.

Năm 1960, xuất khẩu của nước này đạt tổng cộng 490 triệu USD với phần lớn hướng đến thị trường châu Âu và Bắc Mỹ trong khi châu Á rất ít. 63 năm sau, vào năm 2023, tình thế đã đảo ngược. 

"Châu Á đang phát triển mạnh và là thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi, chiếm 58% lượng hàng xuất khẩu từ Chile ra thế giới, phản ánh thành quả của chính sách thương mại tự do của chúng tôi với các nền kinh tế chính ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Úc và Indonesia", SUBREI cho biết.

Hơn nửa thế kỷ liên tục đàm phán các FTA, Chile đã có một "sổ tay" ghi lại những vấn đề ưu tiên hàng đầu trên bàn đàm phán để đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có "kinh nghiệm đầy mình" trong làm ăn với các nước lớn khi sớm đạt được FTA với Mỹ - điều mà nhiều nước và khối kinh tế lớn khác chưa làm được. 

Không có dấu hiệu nào cho thấy Chile sẽ dừng việc kéo dài danh sách FTA, bởi vẫn còn gần 10 hiệp định đang chờ kết thúc đàm phán hoặc có hiệu lực.

Kỳ vọng "sức sống mới"

Việt Nam và Chile nằm cách xa nhau nửa bán cầu, song vị trí địa lý ấy không cản trở sự phát triển của quan hệ hai nước. Cách đây 55 năm, vào tháng 5-1969, Chủ tịch Thượng viện Chile (sau này là tổng thống Chile) Salvador Allende đã tới thăm Việt Nam và hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc gặp lịch sử đó đã đặt nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Vào tháng 3-1971, Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ song phương. Trong đó, thương mại chứng kiến những cột mốc và sự tăng trưởng liên tục bất chấp tình hình kinh tế thế giới.

Với dân số hơn 19 triệu người và thu nhập bình quân theo đầu người cao, Chile được xem là quốc gia có sự ổn định và thịnh vượng nhất Nam Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Chile cao và đó là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam, trước khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) được ký kết vào năm 2014, hàng hóa của Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào Chile và ta luôn nhập siêu từ nước này. 

Tuy nhiên, từ năm đó trở về sau, Việt Nam luôn xuất siêu sang Chile, đưa nước này trở thành thị trường lớn thứ tư của ta tại Mỹ Latin sau Mexico, Brazil và Argentina, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Chile tại ASEAN.

Cả Việt Nam và Chile đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó Chile cam kết xóa bỏ ngay lập tức 95,1% tổng số dòng thuế với các nước thành viên CPTPP và 99,9% tổng số dòng thuế vào năm thứ 8 từ khi hiệp định có hiệu lực. Với Việt Nam, Chile cam kết xóa bỏ thuế ngay lập tức các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam; xóa thuế với giày dép và cao su vào năm thứ 4 và dệt may vào năm thứ 8.

Vì vậy, chuyến thăm Chile của Chủ tịch nước Lương Cường được kỳ vọng không chỉ củng cố mối quan hệ đã kéo dài hơn nửa thế kỷ mà còn tạo ra những bước đột phá mới trong thương mại và kinh tế song phương. 

Như lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, thành viên của đoàn chính thức tháp tùng Chủ tịch nước, chuyến thăm lần này sẽ mang đến một "sức sống mới" cho quan hệ Việt Nam - Chile, đặc biệt là ở các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác.

Cửa ngõ vào thị trường Nam Mỹ

Không chỉ là nước Mỹ Latin đầu tiên ký FTA với Việt Nam, Chile còn là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương gồm 4 nền kinh tế năng động hàng đầu của khu vực và tạo thành khối kinh tế nằm trong top 10 thế giới. Chính vì điều đó, Chile được xem như một cánh cửa vào thị trường Nam Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020