Dự án cảng Chancay nằm ở thị trấn cùng tên, cách thủ đô Lima khoảng 80 km về phía bắc và được xây dựng nhờ các khoản vay từ Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những cảng hiếm hoi trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận tàu hàng cỡ lớn, nhờ độ sâu gần 18 m.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến cùng Tổng thống Peru Dina Boluarte dự lễ khánh thành cảng Chancay ngày 14/11, khi ông đến Lima dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024.
"Mọi thứ đã sẵn sàng", Gonzalo Rios, phó tổng giám đốc chi nhánh công ty vận hành cảng Trung Quốc Cosco Shipping tại Peru, đơn vị nắm 60% cổ phần cảng, nói với AFP. "Với việc khánh thành cảng Chancay, Peru có thể trở thành cửa ngõ logistics của Nam Mỹ".
Peru còn có cảng Callao nằm ngay cạnh Lima, nhưng mực nước sâu kém Chancay khoảng 2 m.
"Siêu cảng" ở thị trấn Chancay, Peru ngày 29/10. Ảnh: AFP
Peru bắt đầu đánh giá tính khả thi của dự án cảng Chancay từ năm 2008, khi nước này cùng các quốc gia Nam Mỹ khác tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế. Các nghiên cứu liên quan đều chỉ ra một vấn đề là họ thiếu nguồn tài trợ để xây dựng một siêu dự án cơ sở hạ tầng như vậy.
"Chúng tôi đã mời một số công ty và chính phủ trên thế giới tham gia dự án nhưng không ai sẵn sàng chi tiền", Juan Carlos Mathews Salazar, cựu bộ trưởng thương mại và du lịch Peru, nói.
Trung Quốc sau đó quyết định đầu tư xây cảng Chancay, đưa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do ông Tập triển khai năm 2013 nhằm tăng cường kết nối nền kinh tế số hai thế giới với châu Âu, châu Phi và phần còn lại của châu Á, mở rộng sang Nam Mỹ.
Sau giai đoạn thương lượng kéo dài ba năm, các ngân hàng của Trung Quốc đã chấp thuận cho Peru vay 3,5 tỷ USD để thực hiện dự án xây cảng. Dự án được khởi công năm 2019 tại Chanchay, thị trấn đánh cá với dân số khoảng 50.000 người, hướng ra Thái Bình Dương.
Khi đi vào hoạt động, cảng Chancay dự kiến giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ khu vực đến châu Á từ 35 ngày xuống 25 ngày, chi phí logistics giảm đáng kể. Hầu hết tàu hàng từ Peru đến châu Á và châu Đại Dương hiện cần phải đi qua Trung Mỹ hoặc Bắc Mỹ.
Cảng Chancay sẽ là cửa ngõ nhập khẩu hàng điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng từ châu Á và xuất khẩu khoáng sản từ Peru cùng nước láng giềng Chile. Peru, Chile lần lượt là quốc gia xuất khẩu đồng và lithium lớn thứ hai thế giới.
Cảng ban đầu có thể tiếp nhận mỗi năm 1-1,5 triệu TEU (container tiêu chuẩn dài khoảng 6 m) hàng rời, sau đó tăng lên 3,5 triệu TEU một năm. Peru trong năm nay đã mở rộng cảng Callao, tăng khả năng tiếp nhận lên 3,7 triệu TEU một năm, theo Bộ Giao thông vận tải Peru.
Chancay ước tính mang lại lợi ích kinh tế hàng năm 4,5 tỷ USD cho Peru, tương đương 1,8% GDP nước này, tạo ra hàng nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp. Peru cũng triển khai xây dựng một tuyến đường sắt cùng mạng lưới đường bộ kết nối cảng Chancay với các thành phố lớn trong nước, dự kiến kết nối với các quốc gia khác trong khu vực.
Đại sứ Brazil tại Peru Clemente Baena Soares mô tả cảng Chancay là cú hích mạnh mẽ đối với nông dân trồng đậu tương của nước này, giúp giảm gần nửa thời gian vận chuyển hàng đến châu Á. Ông Soares kêu gọi Peru nới lỏng hạn chế với các hãng vận tải Brazil, như tăng giới hạn tải trọng trên cao tốc kết nối hai nước.
Vị trí cảng Chancay, Peru. Đồ họa: FT
Li Xing, giáo sư tại Viện Quảng Đông về Chiến lược Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, cho hay việc Trung Quốc tăng hiện diện tại Nam Mỹ sẽ giúp cân bằng ảnh hưởng của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như xóa bỏ những nguy cơ do chiến tranh thương mại gây ra nếu chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Theo giáo sư Li Xing, Trung Quốc không chọn tăng hiện diện trên các lĩnh vực nhạy cảm như quân sự, mà thúc đẩy quan hệ kinh tế với Peru.
Sự thay đổi thể hiện ở cán cân thương mại giữa Peru với Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh vượt lên rõ rệt so với Washington trong quan hệ thương mại với Lima từ năm 2015, khoảng cách liên tục gia tăng. Theo cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade), chênh lệch trong năm 2023 đã lên tới 16,3 tỷ USD.
"Trung Quốc đã tiến vào khu vực một cách mạnh mẽ, học hỏi nhanh chóng và sẵn sàng cho lâu dài", cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Eric Farnsworth, hiện là nhà nghiên cứu tại AS/COA, tổ chức thúc đẩy các vấn đề về giáo dục, kinh tế, xã hội châu Mỹ, trụ sở New York, nói.
Công nhân làm việc tại "siêu cảng" Chancay ngày 29/10. Ảnh: AFP
Hồi tháng 5, quốc hội Peru thông qua dự luật cho phép Cosco độc quyền khai thác cảng Chancay. Giữa một số lo ngại về "quyền chủ quyền" với siêu cảng này, Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Peru Raul Perez Reyes khẳng định hải quan và cảng vụ nước này mới là bên giám sát mọi hoạt động của cảng.
"Đây là khoản đầu tư của Trung Quốc, nhưng nó cũng giống như các khoản đầu tư từ Anh hay khu vực Bắc Mỹ... và không có trường hợp nào chúng tôi bị mất quyền chủ quyền", ông Reyes khẳng định.
Bộ trưởng Reyes tin Chancay sẽ giúp ngành nông nghiệp đang trỗi dậy của nước này phát triển hơn nữa, thêm rằng cảng sẽ cạnh tranh với cảng Manzanillo của Mexico và thậm chí là Long Beach ở bang California, Mỹ.
"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành Singapore của Mỹ Latin", ông tuyên bố.
Như Tâm (Theo Reuters, FT, AFP)