Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ở Washington D.C, Mỹ hôm 12-11 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, bình luận nói trên của Tổng thống Prabowo được đưa ra trong lúc ông có mặt tại Washington D.C, Mỹ vào ngày 13-11.
"Chúng tôi tôn trọng tất cả cường quốc, nhưng chúng tôi sẽ luôn bảo vệ chủ quyền của mình. Tuy nhiên, tôi chọn cách luôn tìm kiếm khả năng hợp tác" - ông Prabowo, người đã nhiều lần tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết, phát biểu.
Ông nói thêm trước báo giới: "Quan hệ đối tác tốt hơn xung đột".
Tuyên bố của ông Prabowo được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này không công nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông mặc dù gần đây hai nước đã ký một thỏa thuận hàng hải.
Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, gồm cả một số phần trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của các nước như Philippines, Malaysia... làm phức tạp thêm các nỗ lực thăm dò dầu khí của một số quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, năm 2016, Tòa trọng tài thường trực đã ra phán quyết, bác bỏ cái gọi là "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích ở Biển Đông.
Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 90% Biển Đông là không có cơ sở theo luật quốc tế.
Ông Prabowo đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tuần qua. Theo tuyên bố chung được đưa ra, hai nước đã "đạt được sự hiểu biết chung quan trọng về phát triển chung ở các khu vực có yêu sách chồng lấn".
Theo Reuters, cách diễn đạt nói trên đã làm dấy lên mối lo ngại ở Indonesia.
Các nhà phân tích cho rằng điều này có thể được hiểu là sự thay đổi trong lập trường lâu nay của Indonesia với tư cách là một quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông, và có nguy cơ làm tổn hại đến quyền chủ quyền của Indonesia trong việc khai thác tài nguyên trong EEZ của mình.
Ông Prabowo không trực tiếp đề cập đến tuyên bố chung nói trên, nhưng cho biết ông đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đến thăm Washington.
Dự kiến Tổng thống Prabowo cũng sẽ tới Peru để tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2024 và đến Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).