Buổi livestream này được tổ chức bởi chủ nhà, là mẹ ruột của một trong 4 đứa trẻ. Nhóm trẻ 7-10 tuổi được yêu cầu thực hiện những động tác nhạy cảm theo hướng dẫn của "nhà tài trợ" ở nước ngoài, kết nối qua webcam.
Sau mỗi "show diễn" từ ngôi nhà trong khu ổ chuột ở Manila, kẻ ấu dâm ở nước ngoài sẽ chuyển khoản cho người phụ nữ, và người này "trả công" 3 USD cho mỗi em.
Quá nửa đêm, lực lượng cảnh sát Philippines mang theo lệnh khám xét len lỏi qua những con ngõ chật hẹp, đột kích vào ngôi nhà. Bên trong, họ phát hiện nhiều laptop, webcam và router wifi mà người phụ nữ sử dụng để biến 4 nạn nhân, trong đó có cả con ruột của mình, thành công cụ kiếm tiền trong ngành công nghiệp khiêu dâm trẻ em.
4 đứa trẻ sau đó được đưa đến đơn vị bảo vệ trẻ em tại một bệnh viện trong thành phố. Jennifer, 9 tuổi, con ruột của nghi phạm, ban đầu nghe lời mẹ phủ nhận mọi thứ, nhưng dần cởi mở hơn sau nhiều buổi trị liệu.
"Cháu chưa từng biết những gì mẹ cháu yêu cầu làm là sai trái. Cháu tưởng đó là điều bình thường", Jennifer nói.
Khu ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Manila, Philippines, nơi vụ đột kích diễn ra. Ảnh: UNICEF
Sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em được xem là "ngành công nghiệp bất hợp pháp trị giá tỷ USD" ở Philippines. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) gọi Philippines là "trung tâm ấu dâm thế giới", nơi khoảng 25% trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến.
Theo điều tra của tổ chức Sứ mệnh Công lý Quốc tế (IJM), năm 2023, gần 500.000 trẻ em Philippines bị lạm dụng tình dục, lưu lại trên trên các ảnh, video, livestream khiêu dâm, phục vụ nhu cầu của những kẻ ấu dâm chủ yếu đến từ Mỹ, Australia, Canada, châu Âu.
Trong 15 năm qua, số lượng nội dung khiêu dâm trẻ em trên mạng tăng 15.000%. Bộ phận Tội phạm mạng của Bộ Tư pháp Philippines (DOJ) cho biết lượng đơn tố cáo những nội dung này tăng hơn 1.000%, từ 46.000 năm 2017 lên ít nhất 600.000 vào năm 2018.
Giới chức Philippines cho rằng nạn khiêu dâm trực tuyến bùng nổ ở nước này là do các tập đoàn viễn thông cung cấp dịch vụ Internet không có những biện pháp quyết liệt để chặn nội dung khiêu dâm trẻ em.
Tuy nhiên, theo UNICEF và Mạng lưới Quyền Trẻ em (CRIN), Philippines có nhiều yếu tố thuận lợi để loại hình tội phạm này "sinh sôi nảy nở" ở quy mô quốc tế, như giá dịch vụ Internet và smartphone rẻ, tình trạng nghèo đói lan rộng, khả năng nói tiếng Anh tốt của người dân, dịch vụ chuyển tiền phổ biến và sẵn có, cũng như văn hóa giữ bí mật của nước này.
Trong đó, giới quan sát chỉ ra nghèo đói là yếu tố chính. Hầu hết nạn nhân 3-12 tuổi trong các mạng lưới ấu dâm trực tuyến đến từ các cộng đồng nghèo khó hoặc khu ổ chuột.
Trong khu ổ chuột ở Manila, mẹ của Jennifer tổ chức các "show diễn" cách đêm. Khi đói bụng, trẻ em trong khu biết có thể đến đây tham gia "show diễn" để đổi lấy thức ăn, chỗ ở, cộng thêm 3 USD "tiền công". Thậm chí một số cha mẹ còn chủ động đưa con mình đến những tụ điểm tương tự.
Giới chức Philippines giải cứu nạn nhân trong đường dây ấu dâm trực tuyến năm 2021. Ảnh: AFP
Giới quan sát cho rằng việc giới chức lơ là, không có những hành động quyết liệt đã góp phần khiến tình trạng tội phạm ấu dâm trực tuyến ngày càng nghiêm trọng, nhấn mạnh nạn lạm dụng trẻ em phục vụ các nội dung khiêu dâm trên mạng là vấn đề mà toàn xã hội Philippines đang phải đối mặt.
"Đây là hệ quả của hệ thống kiếm lời từ việc lạm dụng trẻ em có tổ chức kéo dài hàng thập kỷ, trải rộng trên khắp nước này", đảng Phụ nữ Philippines Gabriela hồi tháng 2 tuyên bố, chỉ trích các đời tổng thống gần đây không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào.
Trong số 600.000 đơn tố cáo năm 2018, giới chức Philippines chỉ kết án 27 nghi phạm, theo Báo cáo Buôn người (TIP) năm 2019 của Mỹ.
Báo cáo TIP những năm gần đây cũng cho thấy chính phủ Philippines đã triển khai một số nỗ lực nghiêm túc, nhưng "không mạnh tay điều tra và truy tố các quan chức bị cáo buộc dính líu đến đường dây khai thác nội dung khiêu dâm trẻ em".
Mạng lưới Quyền Trẻ em (CRIN) năm 2020 cũng đánh giá Philippines chưa xây dựng được hệ thống luật pháp toàn diện về vấn nạn này, khi các chế tài pháp lý không điều chỉnh hành vi tuyển mộ người lạm dụng, cung cấp công nghệ trực tuyến, hay ăn chia hoa hồng.
Trước áp lực từ dư luận, chính phủ Philippines năm 2022 "tuyên chiến toàn diện" với các đường dây khai thác nội dung khiêu dâm trẻ em trực tuyến. Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội Erwin Tulfo cho biết đây là vấn nạn kéo dài ở Philippines và thường bị các vấn đề khác như khủng bố, ma túy làm lu mờ.
Giới chức nước này năm 2023 thông qua dự luật khắc phục những lỗ hổng hiện hành, cam kết liên tục đào tạo nhân viên tuyến đầu, hợp tác các bên để truy tố tội phạm ấu dâm cũng như giải cứu các nạn nhân.
Manila xác định tình trạng gia tăng nội dung lạm dụng trẻ em trực tuyến là do công nghệ phát triển, quy định lỏng lẻo với du khách nước ngoài và các biện pháp phong tỏa Covid-19.
Khi đại dịch bùng phát, nhiều vợ chồng Philippines đã "rao bán", ép buộc con tham gia hoạt động khiêu dâm trên mạng để kiếm thêm thu nhập. Từ tháng 3-5/2020, thời điểm giới chức Philippines áp lệnh phong tỏa, số tin báo về nội dung khiêu dâm trẻ em đã tăng gấp ba.
Chính sách nhập cảnh lỏng lẻo của Philippines cũng khiến các tội phạm ấu dâm ở nước ngoài có xu hướng tìm đến đây. Năm 2018, tội phạm ấu dâm người Australia Peter Gerard Scully bị kết án chung thân vì điều hành đường dây khai thác nội dung khiêu dâm trẻ em Philippines ở đảo Mindanao.
Các nội dung này chủ yếu được gửi tới khách hàng ở châu Âu tiêu thụ. Năm 2023, Cục Xuất nhập cảnh Philippines trục xuất 171 người nước ngoài từng bị cáo buộc hoặc truy nã về tội danh tình dục, tăng so với 102 người năm 2022.
Cùng năm, một công ty viễn thông Philippines thông báo đã chặn 912.000 websites có nội dung khiêu dâm, cùng 2,16 triệu nỗ lực truy cập. "Đây chỉ là con số của một công ty, nên tình trạng thực sự đáng báo động", Thứ trưởng Philippines Angelo Tapales cảnh báo, thêm rằng vấn nạn có thể tồi tệ hơn do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi đó, các tổ chức, trung tâm phòng ngừa nêu tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ những trẻ em là nạn nhân lạm dụng tình dục trực tuyến.
Zenaida Rosales, lãnh đạo Trung tâm Phòng ngừa và Điều trị Lạm dụng Tình dục Trẻ em (CPTCSA), cho biết những em nhỏ bị tổn thương nhiều nhất thường tránh chia sẻ, lên tiếng.
Chăm sóc những trẻ em này là vấn đề cấp bách và nhiều thách thức, do hoàn cảnh của nạn nhân rất đặc biệt, khi cha mẹ chính là người tạo điều kiện hoặc là tội phạm lạm dụng.
"Rất khó để chúng tôi xác định nơi gọi là nhà cho những đứa trẻ này khi chúng ổn định cuộc sống. Các em cần được trả về môi trường lành mạnh để tiếp tục hồi phục tâm lý. Các tổ chức không phải là biện pháp can thiệp lâu dài, họ hàng các em cần sẵn sàng nuôi dưỡng chúng", bà Rosales nói.
Đức Trung (Theo Ang Bayan, Rappler, Star, Inquirer, PNA)