Binh sĩ Ukraine tại mặt trận Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: Reuters(.
Trả lời phỏng vấn trang tin Daily Express cuối tuần qua, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadim Pristaiko cho biết, Kiev đã tập hợp các lữ đoàn cho một cuộc phản công mùa xuân. "Bất cứ ai nói rằng có 40.000 người trong các lữ đoàn này, tôi muốn chỉ ra rằng chúng tôi đã huy động 1 triệu người", ông cho hay.
Nhà ngoại giao Ukraine cũng bác bỏ khả năng đàm phán giữa Kiev và Moscow ở thời điểm này hay ít nhất cho đến khi Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ.
"Do đó, chúng tôi phải chiến đấu đến người cuối cùng của họ, hoặc không may là người cuối cùng của chúng tôi", Đại sứ Pristaiko nhấn mạnh.
Ông nói, Ukraine sẽ chỉ tiết lộ con số tổn thất thực tế khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. "Ngay từ đầu, chính sách của chúng tôi là không công bố tổn thất. Khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi sẽ thông báo điều này".
Cả Nga và Ukraine đều hiếm khi công bố thông tin tổn thất của mình, nhưng đều khẳng định tổn thất của đối phương lớn hơn nhiều lần.
Cuối năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, ước tính hơn 100.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột nổ ra từ tháng 2/2022.
Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ thông tin này. Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky nói, khoảng con số thực tế chỉ khoảng 10.000-13.000 người. Bohdan Senyk, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Ukraine, khi đó tuyên bố: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng tổn thất của quân đội Ukraine là thông tin mật và là chủ đề bị giới hạn công bố".
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Ngược lại, hai bên đều đang chuẩn bị cho kế hoạch tấn công hoặc phản công mới vào mùa xuân hoặc mùa hè năm nay.
Cả Moscow và Kiev khẳng định vẫn để ngỏ đàm phán, nhưng hiện tại chưa nhận thấy triển vọng hòa đàm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 9/4 nhận định, cơ hội đàm phán vẫn chưa tới, một phần do thời tiết hiện nay thuận lợi cho cả Nga và Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự nhằm phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường.
"Bây giờ không phải là lúc để đàm phán, ngay cả khi chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó và phải đặt ra các cột mốc quan trọng", Tổng thống Macron trả lời phỏng vấn báo Les Échos nhân chuyến thăm Trung Quốc tuần trước.
Trong chuyến công du 3 ngày đến Bắc Kinh, Tổng thống Macron đã gặp và thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine bên cạnh việc nối lại quan hệ đối tác về kinh tế. Ông Macron muốn thuyết phục Bắc Kinh tận dụng mối quan hệ với Nga để đem lại hòa bình ở Ukraine, hoặc ít nhất ngăn Trung Quốc có ý định hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong tuyên bố chung sau đó, Trung Quốc không đưa ra cam kết cụ thể về việc này, mà chỉ khẳng định "ủng hộ mọi nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine", phản đối xung đột hạt nhân.