Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Theo Đài Al Jazeera, ông Donald Trump - người đã từng có hàng loạt phát ngôn được cho là phân biệt giới tính và có liên quan đến một vụ kiện về hành vi lạm dụng tình dục cũng như lập trường chống phá thai - tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến nhiều phụ nữ không hài lòng.
Phong trào nữ quyền 4B cũng theo đó bỗng nổi lên khắp nước Mỹ.
Phong trào nữ quyền 4B là gì?
Phong trào 4B ban đầu xuất hiện trên khắp các trang mạng xã hội của Hàn Quốc, kêu gọi quyền lợi cho "phái yếu", chống chủ nghĩa phân biệt giới tính và phản đối hiện trạng bất bình đẳng giới trong xã hội Hàn Quốc từ cuối năm 2010.
Cái tên 4B dựa trên 4 nguyên tắc: Bihon (không kết hôn), Bichulsan (không sinh con), Biyeonae (không hẹn hò) và Bisekseu (không quan hệ tình dục).
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố giành chiến thắng hôm 6-11, những cô gái trẻ đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như TikTok hay X để kêu gọi, khuyến khích nữ giới ở Mỹ đứng lên đòi quyền lợi cho mình, dựa trên phong trào 4B của Hàn Quốc.
Một cuộc thăm dò của Đài CNN cho thấy ông Trump giành được 46% số phiếu bầu từ các cử tri nữ, trong khi bà Kamala Harris giành được 54% số phiếu. Ngược lại, bà Harris chỉ giành được 43,5% số phiếu bầu từ cử tri nam, trong khi ông Trump giành được 56,5% số phiếu.
Các cô gái cho biết họ cảm thấy thất vọng khi những nam thanh niên bỏ phiếu cho một ứng cử viên không tôn trọng quyền tự do về chính cơ thể của phụ nữ.
Cũng theo Al Jazeera, tình hình càng tệ hơn khi một số người ủng hộ ông Trump như nhà hoạt động chính trị cực hữu Nick Fuentes đăng tải những thông điệp phân biệt giới tính lên X. Cụ thể, nhà hoạt động này đã đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái “Cơ thể của bạn, sự lựa chọn của tôi” gây nhiều tranh cãi.
Dòng trạng thái này được cho là nhạo báng khẩu hiệu “Cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi” của những người theo chủ nghĩa nữ quyền, những người đấu tranh cho quyền tự quyết và quyền tự do sinh sản của phụ nữ.
Các nhà hoạt động và các chính trị gia cực hữu lập luận rằng phá thai chính là hành vi giết người, là tội ác về mặt luân lý.
Nữ quyền bại trận trước các vấn đề kinh tế
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, quyền phá thai là chủ đề được thảo luận nhiều nhất. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Harris cho rằng phá thai là một vấn đề lớn của xã hội nước Mỹ và các thành viên Đảng Dân chủ cũng tin rằng việc nhấn mạnh quyền phá thai sẽ thu hút các cử tri nữ bỏ phiếu cho bà Harris.
Trái lại, đối với phần lớn cử tri Mỹ, những vấn đề kinh tế như lạm phát, thất nghiệp và sinh hoạt phí mới đáng quan tâm.
Ông Trump tuyên bố sau khi đắc cử tổng thống, ông sẽ phủ quyết dự luật phá thai của liên bang và đẩy vấn đề này xuống từng tiểu bang tự quyết định.
Các nhóm bảo vệ nữ quyền lo ngại rằng Đảng Cộng hòa - đang kiểm soát Thượng viện Mỹ, Tòa án tối cao và nhiều khả năng sẽ kiểm soát Hạ viện trong thời gian tới, gây sức ép lên ông Trump để thúc đẩy áp dụng lệnh cấm phá thai lên thành luật cấm liên bang.
Những lần gây tranh cãi của ông Trump
Hồi tháng 5-2023, một bồi thẩm đoàn ở Mỹ từng tuyên ông Trump phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng tình dục nhà báo, nhà văn E Jean Carroll vào những năm 1990.
Ông Trump cũng mất điểm trong mắt các cử tri nữ khi đưa ra loạt phát biểu gây tranh cãi về nữ giới, bao gồm cả những màn đấu khẩu gay gắt với bà Harris.
Ngoài ra, các cử tri nữ cũng không hài lòng trước những câu chuyện tình ái của ông Trump.
Tháng 4-2023, ông Trump bị cáo buộc tổng cộng 34 tội danh "làm giả hồ sơ kinh doanh", liên quan đến âm mưu chi các khoản tiền "bịt miệng" hai phụ nữ - gồm diễn viên Daniels và người mẫu McDougal - do lo sợ chuyện tình ái vụng trộm này làm ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016.
Sẽ còn rất nhiều vấn đề đáng để theo dõi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, từ việc chuyển giao quyền lực đến việc ai sẽ góp mặt trong nội các của chính quyền Trump 2.0. Để không bỏ lỡ các thông tin, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.