Chuyên mục  


76201999007-20201212-t-181706-z-528068844-rc-2-ulk-9-g-9-b-0-i-rtrmadp-3-usaelectiontrump-17314578053842070874250.jpeg

Ông John Ratcliffe vừa được ông Trump đề cử làm giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) - Ảnh: USA TODAY/REUTERS

"Tôi mong ông John Ratcliffe sẽ trở thành người đầu tiên phục vụ ở cả hai vị trí cao nhất liên quan đến tình báo của đất nước chúng ta. Ông ấy sẽ là một chiến binh không biết sợ hãi vì quyền hiến định của tất cả người Mỹ, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia ở mức độ cao nhất và hòa bình thông qua sức mạnh", ông Trump tuyên bố vào ngày 12-11.

Theo USA Today và CNN, trước khi được ông Trump bổ nhiệm, ông John Ratcliffe là thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện của bang Texas. Với các vị trí trong ủy ban tư pháp và tình báo, ông Ratcliffe là người bảo vệ mạnh mẽ cho ông Trump. Một số nhà quan sát chính trị từng coi ông này là ứng viên tiềm năng cho vị trí tổng chưởng lý tiếp theo.

Chính trị gia bảo thủ đến từ bang Texas làm giám đốc tình báo quốc gia từ năm 2020 đến năm 2021. Việc bổ nhiệm ông Ratcliffe từng khiến những người chỉ trích tin rằng ông Trump đã sử dụng cộng đồng tình báo cho nhu cầu chính trị của mình.

Ông Ratcliffe phải trải qua con đường gập ghềnh để đến với vị trí lãnh đạo cộng đồng tình báo. Tổng thống đắc cử Trump lần đầu tiên đề cử ông Ratcliffe cho vị trí giám đốc tình báo quốc gia vào năm 2019 để thay thế ông Dan Coats sắp nghỉ hưu. 

Nhưng ông Ratcliffe đã rút lui sau khi các nhà lập pháp lưỡng đảng đặt câu hỏi về trình độ của ông đối với vị trí nhạy cảm này.

Ông Trump một lần nữa đề cử đồng minh thân cận vào năm 2020 và đã nhận được phê chuẩn từ Thượng viện trong lần này.

Hiện tại ông Ratcliffe là đồng chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ tại America First Policy Institute - một nhóm nghiên cứu có liên hệ với ông Trump.

Cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ từng công khai các thông tin chưa được xác minh về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 - thông tin được cho là có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, bất chấp sự phản đối của các thành viên trong cộng đồng tình báo.

Ông cũng từng đích thân nói với ông Trump và các đồng minh rằng không có bằng chứng về sự can thiệp của nước ngoài hoặc gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử vào năm 2020.

Sau đó vào năm 2023, trong khuôn khổ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Jack Smith về hậu quả của cuộc bầu cử năm 2020, cựu giám đốc tình báo quốc gia đã được yêu cầu ra làm chứng trước bồi thẩm đoàn liên bang về khẳng định không có gian lận của mình.

Theo Hãng tin Reuters, ông Ratcliffe cũng là người chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong cuộc xung đột ở Trung Đông. 

Hồi tháng 6, ông cho rằng lời đe dọa của ông Biden về việc ngừng cung cấp vũ khí cho Israel đã đẩy một đồng minh quan trọng của Washington đến nguy hiểm. Đồng thời, ông cho rằng chính quyền chưa đủ cứng rắn với Iran.

Ông cũng tự định vị bản thân là nhân vật "diều hâu" với Trung Quốc trong nhiệm kỳ giám đốc tình báo quốc gia.

Vào năm 2020, ông Ratcliffe từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất với nước Mỹ" và cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ của Washington nhằm phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội, theo Guardian.

Tổng thống đắc cử Trump có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với các cơ quan tình báo, bao gồm cả CIA. Ông cáo buộc nhân viên của cơ quan này là một phần của "nhà nước ngầm", thuật ngữ mà ông dùng để chỉ những nhân viên liên bang lâu năm mà ông cho là theo đuổi chương trình nghị sự của riêng họ.

Như vậy ba "chiếc ghế" quan trọng trong chính quyền Trump 2.0 gồm: Ngoại trưởng (Marco Rubio), Cố vấn an ninh quốc gia (Mike Waltz) và Giám đốc CIA (John Ratcliffe) đều là những nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020