Chuyên mục  


20-ngay-3-6-17173748006171778661704.jpg

Tổng thống Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2024 ở Singapore vào ngày 2-6 - Ảnh: REUTERS

Sự hiện diện của ông Zelensky, với chiếc áo màu xanh olive quen thuộc, được cho là một phần trong kế hoạch vận động sự ủng hộ dành cho Ukraine. Tại Shangri-La, ông đã kêu gọi các nước tham dự hội nghị về hòa bình Ukraine dự kiến tổ chức ở Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16-6 tới.

2 mục tiêu

Đối thoại Shangri-La, nơi tập trung lãnh đạo quân đội của châu Á - Thái Bình Dương, trở thành địa điểm phù hợp để ông Zelensky làm cùng lúc hai việc.

Thứ nhất, ông có dịp để gặp gỡ và phát biểu với hàng loạt quan chức quốc phòng các nước để tranh thủ sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ngày 2-6, Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức các nước đồng minh của Ukraine tại Đối thoại Shangri-La cho biết sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo tư lệnh quân đội Đức Carsten Breuer, số đạn pháo hiện nay đang tăng cường sức mạnh cho Ukraine, nhưng Kiev sẽ cần nhiều hơn, đặc biệt là tên lửa đất đối không. 

"Điều chúng tôi nhận thấy là Ukraine cần vũ khí phòng không và tất nhiên đạn pháo và các hệ thống vũ khí để chống lại Nga và cuộc tấn công hiện nay", ông Breuer nói. 

Các chuyên gia và quan chức quốc phòng của ba nước khác cũng đồng ý rằng hiện nay hệ thống phòng không đang đặc biệt quan trọng cho Ukraine nhằm bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Thứ hai, ông cũng có cơ hội trực tiếp thuyết phục đại diện các nước châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị tại Thụy Sĩ. Đây là khu vực quan trọng đối với nỗ lực thu hút sự ủng hộ của nhóm các nước đang phát triển, thường được gọi là nhóm Nam Bán Cầu (Global South).

Chưa kể đây cũng là dịp ông Zelensky tương tác với phía Mỹ để làm rõ thông tin nói Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể bỏ qua sự kiện ở Thụy Sĩ.

Ông Zelensky đã có hàng loạt cuộc họp bên lề Đối thoại Shangri-La. Nhà lãnh đạo Ukraine đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, các thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta cũng như Tổng thống mới đắc cử Prabowo Subianto của Indonesia. Ông Zelensky đã mời ông Ramos-Horta và ông Prabowo đến Thụy Sĩ dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine và ông Ramos-Horta đã chấp nhận.

Trong khi đó, ông Ng Eng Hen - bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore - đã đứng trên sân khấu cùng ông Zelensky. Ông Hen không nói liệu Singapore có đại diện tham dự sự kiện ở Thụy Sĩ hay không nhưng lưu ý rằng đảo quốc này đã lên án Nga từ ngày đầu của "chiến dịch quân sự đặc biệt", đồng thời đã gửi xe cứu thương quân sự ủng hộ Ukraine.

Theo Straits Times, ông Zelensky cho rằng sự tham gia của các nước Đông Nam Á có ý nghĩa rất quan trọng. Ông nhấn mạnh nỗ lực bắt đầu thiết lập một nền hòa bình đúng nghĩa, vì vậy "chúng ta phải phối hợp cùng toàn thế giới để mang hòa bình đến gần hơn".

Bất ngờ chỉ trích Trung Quốc

Đã không ít ý kiến hoài nghi về khả năng thành công của hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ - vốn do Ukraine khởi xướng. Việc thiếu vắng sự hiện diện của Nga dễ khiến sự kiện này biến thành một cuộc hội họp của những người ủng hộ Ukraine.

Giải đáp hoài nghi này, luồng quan điểm ủng hộ hội nghị trên nhấn mạnh đây là cuộc gặp tập trung vào nỗ lực xác định nhận thức chung của đa số các nước đối với những bước đi tiếp theo trên đường tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine và sau đó truyền tải nội dung được nhất trí này tới Nga.

Tuy vậy, ghi nhận của báo chí quốc tế nhìn chung cho thấy các nước, đặc biệt ở châu Á, vẫn lấp lửng về khả năng tham gia hội nghị hòa bình sau đây hai tuần. Ông Zelensky tiết lộ 106 quốc gia xác nhận tham dự, song chưa tiết lộ đó là những ai, cũng như chưa nói rõ họ sẽ tham gia ở mức độ nào (lãnh đạo đến trực tiếp hay cử đại diện dự họp).

Phần nổi bật nhất trong các phát biểu vừa qua của ông Zelensky là những chỉ trích dành cho Nga, cũng như công khai trách móc Trung Quốc một cách hiếm hoi, thậm chí đề cập tới cáo buộc Bắc Kinh cung cấp nguồn lực chiến tranh cho Nga. 

Cũng tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân khẳng định Bắc Kinh chưa từng viện trợ vũ khí cho cả Nga lẫn Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Nga, bằng việc sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng như sử dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc, đang làm tất cả để phá hoại hội nghị hòa bình", ông Zelensky nói.

Sự thất vọng của ông Zelensky đối với việc một số nước chưa đồng ý tham dự hội nghị hòa bình, kèm theo quan điểm dứt khoát từ phía Nga và Trung Quốc - một quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế trong khu vực, có vẻ báo hiệu một cách tiếp cận rất thận trọng của phần còn lại ở Thụy Sĩ tới đây.

Cảm ơn Mỹ cho phép tấn công lãnh thổ Nga

Tại Đối thoại Shangri-La 2024, Tổng thống Zelensky bày tỏ lòng biết ơn trước việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Kiev triển khai một số hệ thống pháo phản lực tầm xa (HIMARS) nhằm vào các khu vực bên kia Kharkov.

Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không đủ để Ukraine đáp trả trước các cuộc tấn công mới của Nga vào khu vực này trong tương lai.

Tạp chí Forbes ngày 1-6 đưa tin quân đội Ukraine đêm 31-5 (giờ địa phương) đã triển khai một số hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS nhắm tới thành phố Belgorod của Nga, cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 32km.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020