Ông Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại trung tâm hội nghị West Palm Beach, bang Florida ngày 6-11 - Ảnh: REUTERS
Tư duy doanh nghiệp
Là người theo dõi sát chính trường Mỹ, với sự đặc biệt quan sát các cá nhân lành đạo, đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), nhận định ông Trump hiện nay và ông Trump năm 2016 "có nhưng cũng không có sự khác biệt".
"Ông ấy vẫn mang tư tưởng của một trùm doanh nghiệp, mang tư duy doanh nghiệp trong quản lý nhà nước, trong quản lý xã hội, trong điều hành quan hệ đối nội và cả đối ngoại", ông Giang nói với Tuổi Trẻ Online trong cuộc tọa đàm về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, tổ chức hôm 7-11.
Ông Trump, theo ông Giang, là một người quyết đoán trong việc sử dụng con người và ông ấy vẫn sẽ là người quyết định hoàn toàn, tuyệt đối trong các vấn đề nhân sự thuộc thẩm quyền hành pháp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ - tin rằng "máu" doanh nghiệp sẽ không ngừng chảy trong ông Trump khi ông sử dụng việc đe dọa trừng phạt để mặc cả theo kiểu làm ăn giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên ông Cường chỉ ra rằng với bối cảnh hiện tại, khi Đảng Cộng hòa có khả năng rất cao kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, ông Trump sẽ có nền tảng vững chắc để thực hiện các chính sách quyết đoán hơn nữa.
"Ông Trump từng nói rằng nhiệm kỳ đầu tiên, ông ấy không biết ai ở Washington D.C và thừa nhận có những sai lầm trong cách dùng người. Còn lần này ông ấy đã tuyên bố "tôi biết hết thảy người ở thủ đô". Rõ ràng ông ấy tự tin hơn rất nhiều và tôi tin trong đội ngũ chính quyền mới của ông Trump sẽ có rất nhiều người gần gũi hơn nữa với quan điểm của ông ấy", ông Cường nhận định.
Tác động đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên vụ trưởng vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, ban Đối ngoại trung ương Đảng trong tọa đàm của Tuổi Trẻ Online - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nước Mỹ dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã rút ra khỏi nhiều hiệp ước lớn của quốc tế. Chẳng hạn, chỉ vài ngày sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tháng 6-2017, ông tuyên bố Mỹ chấm dứt tất cả các sự tham gia liên quan đến Hiệp định Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhận định về chính sách ngoại giao của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh chủ trương "Nước Mỹ là trên hết", "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" sẽ phải tiếp tục.
"Chính sách của ông Trump cũng sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, cần nhớ là khi chính quyền liên bang của Mỹ dưới thời ông Trump rút ra khỏi một số hiệp định, hiệp ước lớn của quốc tế, nhất là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì vẫn có đến hơn 200 bang và cấp dưới bang của Mỹ vẫn thực hiện.
Hãy biết khai thác, tranh thủ sự độc lập tương đối của chính quyền địa phương, các bang ở Mỹ so với chính quyền liên bang. Trong làm việc với đối tác Mỹ thì đây là một khía cạnh rất quan trọng", ông lưu ý.
Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên thứ trưởng bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Còn Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuy nhiên, những điểm nhấn, trọng tâm thì có thể khác nhau.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo ông Cường, tiếp tục là trọng tâm của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong những năm tới cuộc cạnh tranh này sẽ còn gay gắt hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.
"Việt Nam là một nước trong khu vực thì dứt khoát không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh này.
Tôi nghĩ rằng với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chúng ta sẽ có dư địa để triển khai chính sách một cách hiệu quả, phục vụ cho lợi ích của đất nước", ông chia sẻ.
Chiến thắng cho cánh hữu
Tại tọa đàm của Tuổi Trẻ Online, cả hai đại sứ đều nhận định chiến thắng của ông Trump một lần nữa cho thấy sự nổi lên của phong trào cánh hữu trên toàn thế giới.
"Nhìn lại các cuộc bầu cử trên thế giới gần đây thì không chỉ ở Mỹ mà phong trào hữu, bảo thủ đã giành được thắng lợi trong bầu cử ở Đức, Pháp, Nghị viện châu Âu, Áo, Hà Lan, Hungary.
Chiến thắng của ông Trump vào năm 2016 cho thấy sự phất lên của chủ nghĩa dân túy và chiến thắng năm 2024 tái khẳng định sự thắng lợi của chủ nghĩa dân túy, xu hướng bảo thủ trong nội bộ nước Mỹ", ông Cường nói.
Những khẩu hiệu của ông Trump như "Nước Mỹ trên hết", "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", chương trình nghị sự của ông Trump cho nhiệm kỳ thứ hai, theo ông Cường, thể hiện rất rõ xu hướng bảo thủ này. Với cử tri, ông Trump có xu hướng giữ được mối liên hệ với tầng lớp lao động Mỹ tốt hơn là Đảng Dân chủ.
Đại sứ Giang phân tích thêm: "Cử tri Mỹ đang rất lo lắng về kinh tế, cơm ăn áo mặc hằng ngày. Không chỉ người da trắng, những người da màu - được coi là thiệt thòi về mặt xã hội, kinh tế, chính trị - đang đau đáu tìm lối thoát, có được vị trí trong xã hội.
Vấn đề phá thai đâu không hề thiết thực với người dân Mỹ trong thời điểm hiện nay. Tôi không dám phê phán bất cứ ai, do đây là cương lĩnh của Đảng Dân chủ chứ không phải của riêng cá nhân bà Harris, nhưng nó phản ánh cách nhìn của đảng này với tình hình, thực tại xã hội.
Nếu nhìn qua lăng kính này, Đảng Cộng hòa và cá nhân ông Trump đã tìm đúng vấn đề, soi đúng bệnh và đưa ra đơn thuốc cho xã hội Mỹ, chữa được hay không thì lại là vấn đề khác. Nhưng ít nhất là đáp ứng được nhu cầu của cử tri. Vì vậy mà ông Trump đã thắng cả phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông".