Israel đã cho thấy hai biện pháp răn đe quan trọng hàng đầu của Iran, gồm kho tên lửa hùng hậu và các nhóm vũ trang ủy nhiệm, không còn mạnh mẽ như trước.
Iran hồi tháng 4 tấn công Israel với khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Hồi đầu tháng 10, Tehran thực hiện đòn tập kích bằng gần 200 tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, những động thái này không đủ sức răn đe Israel. Hồi cuối tháng 10, Tel Aviv tiến hành chiến dịch không kích lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự của Iran.
Israel những tháng qua cũng không ngừng làm suy yếu nhóm vũ trang Hezbollah, đồng minh thân cận của Iran, bằng cách hạ sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng nhiều chỉ huy cấp cao, đồng thời phá hủy nhiều vũ khí và các cơ sở quân sự của lực lượng này ở Lebanon.
Chiến lược răn đe bằng mạng lưới lực lượng ủy nhiệm là cách tiếp cận được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Iran đã áp dụng thành công chiến lược này trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ Hezbollah ở Lebanon và mở rộng sang các nhóm vũ trang như Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad ở Dải Gaza, Houthi ở Yemen và lực lượng dân quân Iraq.
Chiến lược này cho phép Iran xây dựng vị thế trong khu vực và đối phó áp lực từ Mỹ, Israel cùng đồng minh của họ. Nó cũng giúp Tehran ngăn nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với các đối thủ.
Tuy nhiên, khi chiến lược này suy yếu, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Iran có đẩy nhanh chương trình hạt nhân để duy trì khả năng răn đe hay không.
Thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Tehran hồi tháng 11/2023. Ảnh: AFP
Quan chức Iran gần đây nói rằng Tehran đã tích lũy đủ năng lực để chế tạo vũ khí, đồng thời có thể xem xét lại cam kết suốt hai thập kỷ qua của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei về không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Fereydoun Abbasi, cựu lãnh đạo cơ quan nguyên tử Iran, hồi cuối tháng 9 tuyên bố Tehran có thể bắt đầu làm giàu uranium với tỷ lệ 90%, tương đương cấp độ vũ khí. Quan chức Mỹ cho biết Iran sẽ mất chưa đầy 2 tuần để chuyển đổi kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân với tỷ lệ làm giàu 60% thành nguyên liệu để chế tạo vũ khí.
Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc, trong đó nước này hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tới năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Kể từ đó, chính phủ Iran đã thúc đẩy chương trình hạt nhân và tiến gần mục tiêu phát triển vũ khí nguyên tử, đồng thời cấm thanh sát viên quốc tế giám sát các cơ sở hạt nhân ở nước này.
"Iran sẽ phải phát triển các biện pháp răn đe mới, tăng tốc và mở rộng chương trình hạt nhân khi khả năng uy hiếp Israel bị suy yếu", Gregory Brew, nhà phân tích cấp cao về Iran và năng lượng tại công ty tư vấn Eurasia Group ở Mỹ, nhận định.
Kamal Kharrazi, thành viên hội đồng cố vấn của lãnh tụ tối cao Khamenei, hồi tháng 5 cảnh báo rằng Iran sẽ xem xét lại chương trình hạt nhân. "Khả năng răn đe của Iran sẽ thay đổi nếu sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa. Chúng tôi chưa quyết định sản xuất bom nguyên tử, nhưng sẽ phải thay đổi học thuyết hạt nhân nếu mối đe dọa xảy ra", ông nói.
Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ vì mục đích hòa bình. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhận định Tehran hiện có đủ nhiên liệu gần cấp độ vũ khí để sản xuất khoảng 4 đầu đạn và đang tiến hành thí nghiệm với uranium kim loại, thành phần quan trọng của vũ khí hạt nhân.
Quan chức Mỹ hồi mùa hè nói rằng Iran đã bắt đầu các hoạt động nhằm tích lũy kiến thức cần thiết để sản xuất bom. Một số chuyên gia thậm chí tin rằng Tehran có thể chế tạo một số thiết bị hạt nhân cơ bản chỉ sau vài tháng.
Quốc hội Iran hôm 8/10 thông báo nhận được dự luật về "mở rộng ngành công nghiệp hạt nhân" và dự kiến thảo luận trong thời gian tới. Tuy nhiên, chưa rõ dự luật có bao gồm mở rộng chương trình hạt nhân phục vụ mục đích quân sự hay không.
Những nỗ lực nhằm khôi phục đàm phán thỏa thuận hạt nhân chưa mang lại kết quả, dù Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian gần đây gợi ý rằng chính phủ của ông sẵn sàng nối lại đối thoại cùng phương Tây.
Kỹ thuật viên tại một cơ sở xử lý uranium ở Isfahan, Iran hồi tháng 3/2005. Ảnh: Reuters
Nếu tuyên bố triển khai chương trình hạt nhân quân sự, Tehran có thể muốn khôi phục khả năng răn đe trước Tel Aviv để ngăn chiến tranh toàn diện. Israel được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân từ lâu, song nước này chưa từng xác nhận thông tin.
Dù vậy, các nhà quan sát cảnh báo quân sự hóa chương trình hạt nhân có thể tác động nghiêm trọng đến cả Iran và khu vực. Kịch bản này sẽ khiến Iran hứng chịu nhiều áp lực từ quốc tế, cùng với đó là các lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ.
Động thái trên cũng có nguy cơ châm ngòi cuộc đua vũ trang hạt nhân trong khu vực, bởi Arab Saudi từng tuyên bố sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân nếu Iran có động thái tương tự.
"Tôi không nghĩ Iran sẽ đưa ra quyết định trả đũa mà không cân nhắc tới chương trình hạt nhân của họ. Điều này không có nghĩa họ sẽ quân sự hóa toàn diện, mà dường như là tập trung đảm bảo khả năng nhanh chóng sở hữu vũ khí hạt nhân khi cần", Nicole Grajewski, thành viên Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, nhận định.
Thùy Lâm (Theo WSJ, The Conversation)