Chuyên mục  


Ngay sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol nhậm chức vào tháng 5/2022, những tin đồnbắt đầu lan truyền trong giới chính trị Hàn Quốc về niềm tin tâm linh của chính trị gia xuất thân từ công tố viên. Truyền thông địa phương đưa tin ông Yoon quyết định dời văn phòng tổng thống và tư dinh từ Nhà Xanh ở quận Yongno sang quận Yongsan vì lời khuyên từ một "pháp sư" thân cận.

Chính trị gia đầu tiên công khai lo ngại về niềm tin tâm linh của ông Yoon là nghị sĩ Boo Seung-chan, thuộc đảng Dân chủ đối lập và từng là phát ngôn viên Bộ Quốc phòng. Ông tuyên bố một pháp sư tự xưng tên Cheongong đã đến khu Hannam-dong, khu phố sầm uất ở quận Yongsan, để đánh giá việc dời dinh cho Tổng thống.

Đội ngũ của ông Yoon sau đó phủ nhận tin đồn, nhưng cảnh sát vẫn mở cuộc điều tra độc lập và phân tích video giám sát về chuyến thăm này. Cảnh sát sau đó tuyên bố rằng người đến thăm không phải là Cheongong mà là Baek Jae-kwon, chuyên gia phong thủy địa phương, dẫn đến một làn sóng tranh cãi mới.

"Một số quốc gia ngày xưa từng dựa vào bói toán và lời tiên tri để đưa ra quyết định quan trọng như tuyên chiến", giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế Lee Jun-han tại Đại học Quốc gia Incheon cho biết. "Trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc, từng có trường hợp các ứng viên tổng thống dựa vào bói toán để quyết định có tranh cử hay không hoặc xin lời khuyên của pháp sư để tìm đường thắng".

Ông Yoon Suk-yeol để lộ chữ "Vương" viết trong lòng bàn tay khi tranh luận với các ứng viên tổng thống thuộc phe bảo thủ vào năm 2022. Ảnh: Korea Herald

Trong giai đoạn tranh cử vào năm 2022, ông Yoon cũng từng bị chỉ trích là mê tín vì viết chữ "Vương" bằng tiếng Trung Quốc trên lòng bàn tay và để lộ trước ống kính trong một cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Yoon sau đó giải thích rằng ký tự này do một người ủng hộ vẽ.

Dẫu vậy, ông Yoon vẫn vấp phải chỉ trích từ cả đối thủ và các đồng minh phe bảo thủ. Thị trưởng Daegu Hong Joon-pyo cho rằng "sự can thiệp của pháp sư làm giảm uy tín của cuộc bầu cử".

Không chỉ Tổng thống Yoon, một số cá nhân liên hệ mật thiết với ông cũng vướng chỉ trích về mối quan hệ với các thầy bói, pháp sư ở Hàn Quốc.

Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee từng chịu búa rìu dư luận khi đài truyền hình MBC công bố các cuộc điện thoại giữa bà với công ty truyền thông Voice of Seoul, trong đó bà tự nhận mình là người "tâm linh" và thích thảo luận triết học với các "đạo sĩ". Các nghị sĩ thuộc đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) cầm quyền sau đó phản pháo rằng thông tin này bị phóng đại với động cơ chính trị nhằm bôi nhọ Tổng thống Yoon.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee tại Anh hồi tháng 11/2023. Ảnh: Reuters

Trong gần hai năm trước khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12/2024, Noh Sang-won, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng và có quan hệ thân thiết với ông Yoon, bị phát hiện nhiều lần đi gặp thầy bói tại thành phố cảng Gunsan, cách Seoul 175 km về phía nam.

Trong hơn 20 lần đến Gunsan, ông Noh nhiều lần hỏi thầy bói về tương lai của một số quan chức và cựu quan chức quân đội, trong đó có Kim Yong-hyun, bộ trưởng quốc phòng phải từ chức sau đêm thiết quân luật và đang bị điều tra về vai trò của mình trong biến động này. Noh cũng đã bị truy tố về tội nổi loạn và hỗ trợ Tổng thống Yoon lên kế hoạch ban bố thiết quân luật.

Tướng Noh không chỉ là khách hàng thân thiết của ngành bói toán, mà còn dấn thân kinh doanh tâm linh. Sau khi bị giáng chức vào năm 2018 vì cáo buộc quấy rối tình dục, Noh đồng sáng lập một dịch vụ bói toán ở thành phố Ansan.

"Các pháp sư phải luôn tách bạch khỏi chính trị. Những cá nhân này đã làm hoen ố danh tiếng của ngành, khiến tất cả chúng tôi trông như đồng lõa", Kim Hye-sook, người hành nghề thầy cúng Hwanghae-do Pyeongsan Sonoreumgut, di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc, bày tỏ bức xúc về ông Noh.

Công tố viên Hàn Quốc vào ngày 19/12/2024 đã bắt Jeon Seong-bae, có biệt danh pháp sư là Geon Jin, người từng tham gia vào chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Yoon vào năm 2022 và trước đó làm cố vấn cho công ty nghệ thuật Covana Contents của vợ ông Yoon. Jeon bị bắt với cáo buộc nhận tiền từ các chính trị gia và ứng viên trong các cuộc bầu cử địa phương hồi năm 2018 để lập quỹ chính trị bất hợp pháp.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Jeon đã quen biết ông Yoon từ khi ông còn là Tổng công tố viên, thông qua sự giới thiệu của phu nhân Kim. Jeon từng khoe với những người thân cận rằng ông là người thúc đẩy ông Yoon ra tranh cử. Trước khi tham gia chiến dịch tranh cử, Jeon lập một ngôi chùa tại Seoul, cung cấp dịch vụ bói toán và các nghi lễ khác.

Jeon Seong-bae, pháp sư thân cận với ông Yoon, bị bắt vào ngày 19/12/2024. Ảnh: Korea Times

Liên đoàn Kyungsin Hàn Quốc, hiệp hội pháp sư lớn nhất nước, đang xem xét việc ra tuyên bố phủ nhận mọi liên hệ với Noh và Jeon. "Nghề pháp sư chỉ là một hình thức thực hành tâm linh, hướng đến giúp đất nước trở nên tốt đẹp hơn. Người nào lợi dụng nó cho mục đích cá nhân hay chính trị là đang báng bổ thực hành văn hóa này", giám đốc Lee Sung-jae cho biết.

Trước ông Yoon, một số cựu tổng thống Hàn Quốc cũng đã vướng vào tranh cãi về vấn đề tâm linh.

Dưới thời cựu tổng thống Park Geun-hye, Choi Soon-sil, bạn thân của bà, từng bị cáo buộc thuyết phục bà đeo những phụ kiện mê tín dị đoan và tác động đến chính sách quốc gia. Bà Choi bị xem là nguyên nhân chủ chốt khiến bà Park bị luận tội vào năm 2017, liên quan đến những quỹ chính trị bất hợp pháp và thao túng các tập đoàn Hàn Quốc.

Bố của Choi, ông Choi Tae-min, là người sáng lập một giáo phái bí ẩn mang tên "Giáo hội Sự sống Vĩnh cửu". Ông từng tự nhận là một nhà tiên tri và sứ giả của Chúa, tuyên bố có thể truyền thông điệp từ người mẹ quá cố của bà Park.

Cha của bà Park Geun-hye, cựu tổng thống Park Chung-hee, cũng từng dựa vào bói toán để quyết định ban bố thiết quân luật vào ngày 17/10/1972. Ngày ban bố dựa trên gợi ý của Kim Sung-rak, một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc, sau khi ông đi xin quẻ từ một thầy bói nổi tiếng gần Nhà Xanh.

Cố tổng thống Kim Dae-jung cũng bị đồn đoán cho dời mộ bố theo lời khuyên của một pháp sư, với hy vọng thay đổi vận mệnh chính trị. Có tin đồn rằng ông Kim đã di dời ngôi mộ sau khi ba lần tranh cử thất bại, để rồi giành chiến thắng trong lần tranh cử thứ tư vào năm 1998.

"Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến mối liên hệ giữa pháp sư và chính trị trong cả chính quyền cựu tổng thống Park Geun-hye và đương kim Tổng thống Yoon Suk-yeol, điều này khá lạ lùng trong thế kỷ 21", giáo sư Lee nhận xét.

Thanh Danh (Theo Korea Herald, Korea Times, Yonhap)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020