Tháng 12/2018, tổng thống Donald Trump tuyên bố liên minh do Mỹ dẫn đầu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh bật nhóm khủng bố khỏi các thành trì chính ở Syria và Iraq.
"Chúng tôi đã chiến thắng IS", ông Trump nói trong một video đăng thời điểm đó, đồng thời cho biết lực lượng Mỹ triển khai đến Syria "đang trở về".
Ngay cả khi đó, nhiều quan chức trong chính quyền ông Trump tỏ ra ít lạc quan hơn, cho rằng việc mất vùng kiểm soát không đồng nghĩa IS đã bị đánh bại hoàn toàn và liên minh do Mỹ dẫn đầu cần tiếp tục sứ mệnh lâu dài để ngăn nhóm này trỗi dậy.
Hơn 6 năm sau, Mỹ vẫn duy trì hàng nghìn binh sĩ đồn trú ở Syria để đảm nhận nhiệm vụ và họ có thể tiếp tục ở lại sau khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai cuối tháng này. Trong tuần qua, không quân Mỹ và Pháp vẫn tiến hành các cuộc không kích vào mục tiêu IS ở Syria.
Hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria trở thành tâm điểm chú ý khi quốc gia này trải qua biến động chính trị lớn gần đây. Lực lượng đối lập đã lật đổ chính quyền ông Bashar al-Assad và Syria đang bắt đầu quá trình chuyển đổi chính trị sau 13 năm chìm trong nội chiến. Trong khi đó, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy IS đang trỗi dậy ở những khu vực bên ngoài Syria.
Hiện trường vụ lao xe ở New Orleans ngày 1/1. Ảnh: AP
Tại Mỹ, Shamsud-Din Jabbar, nghi phạm thực hiện vụ đâm xe, nổ súng ở New Orleans ngày đầu năm mới, mang theo cờ của IS trong xe bán tải. Vụ tấn công đã khiến 14 người thiệt mạng và 35 người bị thương, trong khi Jabbar bị cảnh sát tiêu diệt.
FBI không cho rằng vụ tấn công liên quan tới nghi phạm nào khác ngoài Jabbar và họ tin chắc người đàn ông này "lấy cảm hứng từ IS".
"Chúng tôi đang tìm hiểu sâu hơn về điều đó thông qua mạng xã hội, các cuộc thẩm vấn", Christopher Raia, phó trợ lý giám đốc FBI, nói.
Bất kể khả năng hoạt động của IS hiện tại ra sao, tầm ảnh hưởng của nhóm đã tác động đến làn sóng tấn công kiểu "sói đơn độc" ở cả hai bờ Đại Tây Dương, theo giới quan sát.
"Vụ tấn công khủng bố ở New Orleans chỉ xác nhận những gì mà nhiều người trong cộng đồng chống khủng bố nói năm qua rằng IS vẫn là mối đe dọa dai dẳng và không biến mất", Colin Clarke, thành viên công ty tư vấn về các vấn đề an ninh toàn cầu Soufan Group, nói với NBC News.
Chỉ trong năm qua, nhiều thành phố lớn trên thế giới chứng kiến các vụ tấn công có liên quan tới IS, trong đó có vụ đánh bom ở thành phố Kerman của Iran hồi tháng 1 và khủng bố nhà hát ở Moskva, Nga hồi cuối tháng 3. ISIS-K, nhánh của nhóm khủng bố IS, đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
ISIS-K hoạt động chủ yếu ở Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên, nhóm IS cũng đã bén rễ ở các khu vực châu Phi cận Sahara, theo các nhà phân tích.
Quân đội Mali ngày 4/1 thông báo đã tiêu diệt một số tay súng IS trong chiến dịch ở miền bắc đất nước, đồng thời bắt Mahamad Ould Erkehile, còn gọi là Abu Rakia, lãnh đạo chi nhánh Sahel của IS. Abu Rakia bị cáo buộc đã chỉ huy các cuộc tấn công vào dân thường ở Menaka và Gao, cũng như tập kích quân đội Mali.
"Chúng tôi thấy mối đe dọa IS ở châu Phi có khả năng là một trong những nguy cơ lâu dài nhất với lợi ích của Mỹ. Châu Phi rõ ràng đã được xem như cơ hội để nhóm này phát triển", Brett Holmgren, người đứng đầu Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, nói hồi tháng 11.
"Mối quan tâm lớn nhất của tôi là sự trỗi dậy của IS", Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, nói, thêm rằng IS đang tìm cách lợi dụng chính biến ở Syria để trỗi dậy.
Nghị sĩ Michael Waltz, dự kiến kế nhiệm vị trí của Sullivan, là người có lập trường cứng rắn trong đảng Cộng hòa và từng ám chỉ rằng ông Trump có thể không thực hiện cam kết rút lính Mỹ khỏi Syria.
"Tổng thống đã nói rõ ràng nhiệm vụ của ông ấy là không để chúng tôi bị kéo vào nhiều cuộc chiến ở Trung Đông hơn nữa. Nhưng ở Syria, ông ấy hiểu mối đe dọa của IS vẫn còn và chúng tôi phải ngăn chặn nguy cơ đó", Walzt từng nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với Fox News.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi về quan điểm này. Số lượng phiến quân IS ở Syria ước tính chưa tới 3.000 và nhóm sẽ bị kiềm chế bởi các lực lượng khác ở đây, từ chính quyền Syria mới, lực lượng người Kurd cho đến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh.
"Ông Trump sẽ hỏi tại sao phải duy trì lực lượng bộ binh chống IS, trong khi hoạt động quân sự chủ yếu trong cuộc chiến này là không kích. Do đó, rất khó để biết câu trả lời sẽ là gì", James Jeffrey, cựu đặc phái viên Mỹ ở Syria trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nói.
Trại tị nạn Al-Hol ở đông bắc Syria hồi tháng 4/2023. Ảnh: AP
Lỗ hổng lớn nhất được cho là các trại tị nạn và trại giam ở đông bắc Syria. Gần 10.000 thành viên IS cùng hơn 30.000 người thân của họ bị giam ở các trại giam do người Kurd quản lý. Giới chức Mỹ từng cảnh báo những khu vực này có thể trở thành nơi sản sinh thế hệ phiến quân IS mới.
Các trại giam được điều hành bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm có nòng cốt là dân quân người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, SDF đã suy giảm lực lượng và đối mặt nguy cơ mất hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, đồng thời cũng phải đối mặt cuộc chiến với các nhóm dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Farhad Shamsi, phát ngôn viên SDF, hy vọng chính quyền ông Trump sắp tới sẽ duy trì hiện diện của khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ trong khu vực, như một biện pháp bảo vệ họ và thể hiện cam kết liên tục chống IS.
"Chúng tôi mong rằng họ sẽ tiếp tục bám trụ ở Syria, đặc biệt trong tình huống nguy cấp này, bởi chúng tôi nghĩ IS sẽ trỗi dậy", Shamsi nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, NBC News, Fox News)