Vài tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã dần rút lui khỏi khu vực miền đông Donbass trong bối cảnh tổn thất nặng nề, và những người đứng đầu cảnh báo phòng tuyến có thể sụp đổ vì thiếu đạn dược và nhân lực trầm trọng.
"Với tất cả các cuộc rút lui này, tôi không biết làm cách nào chúng tôi có thể lấy lại những gì đã mất", Natalya Brovko, 37 tuổi, cho hay.
"Hai năm trước tôi đã rất sợ hãi và bây giờ tôi vẫn sợ hãi như vậy", bà mẹ hai con nói.
Người dân Ukraine ngồi bên bãi biển nhìn khói bốc lên trên cảng Pivdennyi, sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Odessa ngày 19/4. Ảnh: Reuters
Theo một cuộc khảo sát do cơ quan thăm dò độc lập Rating công bố hồi đầu tháng, lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, 45% người dân Ukraine tin đất nước của họ có thể giành lại lãnh thổ như trước thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Một năm trước, tỷ lệ này là 74%. Lúc bấy giờ, Ukraine đang đạt được một số thành công khi họ đã buộc được lực lượng Nga rút lui khỏi hầu hết khu vực đông bắc Kharkov.
Vài tháng trước đó, Moskva đã rút quân khỏi khu vực xung quanh Kiev và toàn bộ miền bắc Ukraine. Nhiều người Ukraine và các nhà quan sát tin tưởng rằng lực lượng Ukraine sẽ nhanh chóng tiến tới Biển Azov để chia đôi hành lang nối giữa Donbass và Crimea.
Nhưng thất bại của chiến dịch phản công đã khiến người dân Ukraine rơi vào bi quan, đặc biệt là ở những khu vực do Nga kiểm soát.
"Không ai đến giải cứu, không đời nào chúng tôi có thể trở thành một phần của Ukraine một lần nữa", Halyna, người sống ở thị trấn Henichesk, tỉnh Kherson, miền nam Ukraine, nơi Nga kiểm soát từ tháng 3/2022, nói.
Viễn cảnh Crimea và Donbass trở về với Ukraine sau một thập kỷ bị chia cắt càng khó khả thi hơn. Chỉ 7% số người tham gia cuộc khảo sát của Rating tin vào kịch bản này.
Nỗi bi quan là kết quả của nhiều yếu tố. Sau hơn hai năm xung đột, hàng chục nghìn quân nhân Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương, hàng triệu thường dân phải chạy trốn ra nước ngoài hoặc đến các khu vực an toàn hơn và nền kinh tế lâm vào suy thoái.
Cũng có những lo ngại về tính ổn định của nguồn viện trợ tài chính và quân sự từ phương Tây. Mặc dù vũ khí mới từ Mỹ có thể sớm được chuyển đến nhưng việc Washington phải mất nhiều tháng mới thông qua được gói viện trợ đã khiến không ít người Ukraine cảm thấy mất niềm tin, theo giới quan sát.
"Với tất cả những thực tế như vậy, kết quả cuộc thăm dò là khá hợp lý", nhà phân tích Igar Tyshkevich ở Kiev nhận xét. "Nhưng không có nghĩa tỷ lệ này sẽ không thay đổi".
Ông cho hay Moskva đang cố gắng tạo ra bầu không khí bất ổn bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine. Tình trạng mất điện và thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, đồng thời khiến giá cả tăng cao.
Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa liên tục vào những thành phố lớn như Kharkov ở phía đông bắc hay Odessa ở phía nam đã khiến dân thường phải di tản đến các khu vực an toàn hơn ở miền trung và miền tây Ukraine.
"Mục đích của Nga là tạo ra thật nhiều khó khăn trong bối cảnh áp lực chính trị bên trong Ukraine ngày càng gia tăng", Tyshkevich nói.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Nhưng một số người ở khu vực biên giới vẫn giữ vững niềm tin.
"Có vẻ như mọi người đã quen với việc bị pháo kích hàng ngày", Mykola Akhbash, sĩ quan cảnh sát ở thị trấn miền đông Pokrovsk, gần Avdeevka, thành phố chiến lược mới nhất mà Nga kiểm soát, cho hay.
Mặc dù một số người dân đang rời đi, "không có cuộc di cư ồ ạt nào", ông nói thêm. "Thông thường, nhiều người sẽ rời đi sau khi tên lửa tấn công khu dân cư. Nhưng điều đó không xảy ra liên tục. Dù vậy, chúng tôi đoán các cuộc pháo kích sẽ diễn ra thường xuyên hơn".
Nga đã chuyển chiến lược sang tấn công chính xác vào cơ sở hạ tầng năng lượng sâu bên trong Ukraine. Cùng lúc, lực lượng tinh nhuệ của nước này đang hướng về thành phố chiến lược Chasov Yar ở miền đông.
Theo trung tướng Ihor Romanenko, cựu phó tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine, Nga cũng đang triệu tập lại những tay súng Wagner đã chuyển đến Trung Phi sau cái chết của thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin hồi tháng 8/2023.
"Nỗ lực tích lũy nguồn lực và quân số của chúng tôi rất khó khăn và phức tạp", Romanenko nói.
Để ứng phó, Ukraine đang tăng cường tấn công vào các nhà máy lọc dầu, nhà máy quân sự và sân bay ở Crimea và ở miền tây Nga, trong đó có các địa điểm cách biên giới hơn 1.000 km.
Binh sĩ Ukraine bên dưới chiến hào ở vùng Kharkov, miền đông đất nước, hôm 10/3. Ảnh: AFP
Những cuộc tập kích vào các nhà máy lọc dầu Nga đi ngược lại khuyến nghị kiềm chế từ Washington do lo ngại giá dầu thế giới tăng cao. Romanenko gọi quan điểm này của Mỹ là "tiêu chuẩn kép".
Việc Washington miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ và tên lửa khiến nhiệm vụ tái chiếm các khu vực do Nga kiểm soát trở nên phức tạp hơn, buộc Kiev phải chia nhiệm vụ thành từng giai đoạn, Romanenko cho hay.
Các nhà quan sát nước ngoài cũng không tỏ ra lạc quan về khả năng Ukraine giành lại được lãnh thổ từ tay Nga, đặc biệt là bán đảo Crimea.
Viễn cảnh Crimea trở về với Ukraine "hoàn toàn phi thực tế", Nikolay Mitrokhin từ Đại học Bremen, Đức, bình luận.
Theo ông, trước cuộc phản công thất bại vào mùa hè năm ngoái, Ukraine có cơ hội giành lại bán đảo Crimea nếu họ có thể tiến tới Biển Azov và pháo kích vào cây cầu Crimea cũng như eo biển Kerch phân chia Biển Azov và Biển Đen.
"Nhưng bây giờ, khó có thể xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga và tiến xa hơn khỏi bán đảo Kinburn", Mitrokhin nói, đề cập đến khu vực hình con cá ở vùng Mykolaiv và Kherson, miền nam đất nước.
Điện Kremlin đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự tại Crimea. Tình hình ở Donbass thậm chí còn ảm đạm hơn với Ukraine, mặc dù Nga đã giảm nguồn lực đổ về đây và phần bị sáp nhập của khu vực này đang gặp khó khăn khi cắt đứt quan hệ kinh tế với các khu vực do Kiev kiểm soát.
"Tại Donbass, Ukraine thậm chí không thể đạt được đột phá vào năm ngoái", Mitrokhin cho hay, thêm rằng kịch bản tốt nhất có thể mong đợi từ lực lượng Ukraine trong năm nay là ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào các thị trấn Kramatorsk và Sloviansk ở phía bắc khu vực do Kiev kiểm soát ở Donbass.
Về lý thuyết, Ukraine có cơ hội vượt qua khu vực Lugansk khoảng 100 km về phía biên giới Nga, ông nói. "Nhưng điều đó là vô nghĩa về mặt quân sự và chiến lược, bởi nó sẽ tiêu tốn nhiều nhân lực và tài nguyên nhưng lại không thể khiến hòa bình trở lại Lugansk", Mitrokhin nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, AFP, Reuters)