Chuyên mục  


Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 9/10 cho biết Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm 30 phút "thẳng thắn" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, chấm dứt gần hai tháng lãnh đạo hai nước đồng minh không trao đổi với nhau. Đây được coi là cơ hội để Israel chia sẻ với Mỹ về kế hoạch của họ nhằm đáp trả đòn tập kích tên lửa quy mô lớn của Iran hồi đầu tháng.

"Họ đã thảo luận nhiều vấn đề", Jean-Pierre, mô tả đây là phần mở rộng của những cuộc trao đổi giữa các quan chức Mỹ và Israel về cách đáp trả của Tel Aviv với Iran. Nhưng Nhà Trắng hầu như không cung cấp được thông tin chi tiết nào cho thấy Israel sẽ đáp trả Iran ra sao.

Các quan chức Mỹ cho biết Israel trong gần hai tuần qua vẫn từ chối tiết lộ với chính quyền Tổng thống Biden thông tin chi tiết về kế hoạch trả đũa Iran, giữa lúc Nhà Trắng thúc giục đồng minh thân cận nhất của mình ở Trung Đông không tấn công các cơ sở dầu mỏ hoặc hạt nhân Iran, do lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện.

Giới chức Mỹ mất kiên nhẫn và thất vọng vì họ liên tục bị bất ngờ trước các hành động quân sự của Israel ở Gaza và Lebanon, trong bối cảnh họ phải tìm mọi cách ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Một số người hy vọng Washington có thể tìm hiểu thêm về tính toán của Tel Aviv khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant có kế hoạch thăm Lầu Năm Góc vào ngày 9/10. Trong cuộc họp dự kiến ở Lầu Năm Góc, Gallant được cho là sẽ trình bày một số chi tiết về kế hoạch tấn công trả đũa Iran, như các mục tiêu tiềm năng, các quan chức Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ngăn Bộ trưởng Gallant khởi hành đến Mỹ hôm 8/10, khi Israel tiếp tục lên phương án đáp trả Iran, một quan chức nước này cho hay. Thiếu dữ liệu từ đồng minh, các quan chức Mỹ cho hay họ chưa nắm được thông tin về thời điểm diễn ra cuộc tấn công trả đũa hay mục tiêu mà Israel muốn nhắm tới.

Israel tháng trước thực hiện một cuộc tấn công hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah mà không thông báo trước cho Mỹ. Cuộc tập kích, diễn ra khi Washington đang hy vọng hoàn tất kế hoạch ngừng bắn giữa Israel và Lebanon, đã khiến các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ bất ngờ và giận dữ.

"Xin lỗi, ngài vừa nói gì cơ?", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói khi người đồng cấp Israel gọi điện cho ông để thông báo về cuộc tấn công đoạt mạng thủ lĩnh Hezbollah, theo các quan chức Mỹ nắm rõ về cuộc trò chuyện.

Trong cuộc gọi thứ hai diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Austin đã hỏi Bộ trưởng Gallant rằng liệu Israel có sẵn sàng "đơn thương độc mã" tự vệ không, vì Mỹ không được báo trước về kế hoạch tấn công của họ.

Các quan chức quốc phòng cho biết Bộ trưởng Austin giận dữ vì hành động không báo trước của Tel Aviv khiến Washington không có đủ thời gian để bố trí lực lượng bảo vệ Israel cũng như binh sĩ Mỹ đồn trú trong khu vực trước nguy cơ bị Hezbollah và các thành viên trong "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn đáp trả.

Với việc Israel tuyên bố sẽ trả đũa vụ Iran phóng gần 200 tên lửa vào nước này ngay sau vụ ám sát Nasrallah, các quan chức Mỹ hy vọng họ sẽ không bị lâm vào thế bị động như trước, khi hành động của Tel Aviv có nguy cơ khiến Washington phải tiến hành những động thái quân sự lớn hơn.

Trong năm qua, Israel đôi khi vẫn nghe theo lời khuyên từ Mỹ. Washington từng thuyết phục thành công Tel Aviv không tấn công lực lượng Hezbollah ở Lebanon dựa trên thông tin tình báo sai lệch chỉ vài ngày sau cuộc tập kích của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, bất đồng giữa hai nước không ngừng gia tăng khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Gaza và Tel Aviv từ chối ủng hộ các biện pháp ngoại giao do Washington dẫn dắt hay lắng nghe lời khuyên từ họ nhằm ngăn chặn xung đột leo thang.

Cách họ phản ứng với Iran đang tiếp tục thách thức giới hạn của Mỹ, giới quan sát đánh giá.

Tướng Erik Kurilla, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) phụ trách các hoạt động quân sự ở Trung Đông, đã tới Israel hôm 6/10, gặp Bộ trưởng Gallant và các quan chức cấp cao nước này, một phần để cảnh báo Tel Aviv không tấn công những địa điểm hạt nhân hay cơ sở dầu mỏ Iran.

Gallant được coi là một trong những lãnh đạo Israel phản ứng tích cực nhất với những lo ngại của Mỹ về việc Tel Aviv mở chiến dịch quân sự tại Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã liên lạc chặt chẽ trong năm qua, đôi khi nói chuyện nhiều lần một tuần và nhìn chung có mối quan hệ tốt.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh, Bộ trưởng Austin và Gallant đã nói chuyện hơn 80 lần trong năm qua, tuy nhiên, Israel dường như vẫn không đảm bảo sẽ thông báo trước cho Mỹ khi họ chuẩn bị tấn công trả đũa Iran. Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Gallant bị hủy bỏ cho thấy Israel có lẽ vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ những thông tin quan trọng nhất với đồng minh.

Mặt khác, nó cũng làm bật lên tính phức tạp trong mối quan hệ giữa Mỹ với Israel kể từ khi khủng hoảng Gaza nổ ra, khiến Washington phải điều động hàng loạt khí tài, nhân sự tới khu vực và dồn nhiều nỗ lực ngoại giao để đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài giữa các bên liên quan.

Giới chức Mỹ hiện lo ngại nhất về kịch bản Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran. Song nếu Tel Aviv quyết định làm điều này, lựa chọn của họ khá hạn chế.

Nhà máy làm giàu uranium chính của Iran gần thành phố Natanz nằm sâu gần 8 m dưới lòng đất, được gia cố bằng bê tông. Nhà máy làm giàu uranium Fordow của họ cũng được xây dựng bên trong một ngọn núi.

Theo giới chuyên gia, cả hai cơ sở trên đều khó bị phá hủy trong các đòn không kích. Để gây thiệt hại cho Fordow, Israel cần hội đủ hai yếu tố mà họ hiện không có: Bom xuyên cỡ lớn và oanh tạc cơ hạng nặng mang được nó. Chỉ có Mỹ mới sở hữu những vũ khí hiện đại này.

Theo Michael Eisenstadt, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Quân sự và An ninh tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, Iran đã xây dựng một cơ sở hạt nhân khác gần Natanz nhưng nó thậm chí còn nằm ở độ sâu lớn hơn.

Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận định Israel có thể thực hiện các cuộc tấn công phong tỏa lối vào đường hầm và phá hủy hệ thống thông gió tại những cơ sở hạt nhân Iran.

"Nhưng chúng chỉ tạo ra thiệt hại tạm thời và sẽ được khắc phục nhanh chóng", Kristensen nói.

Israel cũng có thể tấn công các địa điểm phụ trợ, như cơ sở mà Iran đặt máy ly tâm cần để sản xuất uranium cấp độ vũ khí, James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay.

Một cuộc tấn công mạng cũng có thể là phương án khả thi với Israel, giúp họ gửi thông điệp rằng Iran rất dễ bị tổn thương trước các hình thức tác chiến phi truyền thống, Acton nói thêm.

Phương án khác với Israel là tấn công các căn cứ tên lửa đạn đạo hoặc phòng không Iran để thiết lập khả năng răn đe. Dù phương án là gì, một cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ dự đoán lần này Israel sẽ "giáng đòn thực sự mạnh mẽ để gửi thông điệp rõ ràng đến Iran", trong khi đồng minh Mỹ vẫn không thực sự hay biết về tính toán của họ.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, Washington Post, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020