Chuyên mục  


Bão Milton tối 9/10 đổ bộ bang Florida với sức gió 193 km/h, tương đương cấp 3 trong thang đo bão 5 cấp ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden trước đó nhận định Milton có thể là cơn bão tồi tệ nhất càn quét bang Florida trong hơn một thế kỷ qua.

Theo giới phân tích, cơn bão tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có tình trạng nước biển dâng cao, nguy cơ nhấn chìm nhiều khu vực duyên hải của bang Florida, đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người và của cải.

Trong lúc các nỗ lực chống bão được gấp rút triển khai, một cuộc chiến chính trị cũng khốc liệt hơn không kém đã nổ ra.

Nhân viên cứu hộ đi bộ giữa trời mưa gió ở thành phố Tampa, khi bão Milton đổ bộ. Ảnh: AP

Nước Mỹ trong hai tuần qua liên tiếp hứng chịu hai trận siêu bão đổ bộ vào khu vực đông nam. Trong những tuần cuối của cuộc bầu cử tổng thống, bão Milton, cùng cơn bão Helene trước đó, đã trở thành tâm điểm của làn sóng chia rẽ đảng phái, giới chuyên gia đánh giá.

Thông thường, những cú sốc chính trị chỉ nảy sinh sau khi cơn bão đi qua. Nhưng lần này, cuộc đấu khẩu đã bắt đầu sớm.

Đối với Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, cơn bão là cơ hội để bà thể hiện sự đồng cảm với các nạn nhân và khả năng quản lý khủng hoảng, chỉ huy bộ máy chính phủ liên bang ứng phó tình hình.

Nhưng nếu phạm phải bất kỳ sai lầm hay thất bại nào trong nỗ lực cứu hộ và cứu trợ liên bang, Phó tổng thống có thể bị ảnh hưởng nặng nề và không thể khắc phục, khi cuộc bầu cử đã rất cận kề.

Ngay cả khi bà Harris điều phối chiến dịch liên bang ứng phó bão diễn ra tốt đẹp, thách thức với bà vẫn không giảm đi, bởi cựu tổng thống Donald Trump vẫn có thể thúc đẩy một làn sóng thông tin sai lệch để ám chỉ bà là người thất bại, theo Stephen Collinson, bình luận viên kỳ cựu từ CNN.

Điều này giải thích lý do Harris chọn cách đối mặt trực diện và tung "đòn phủ đầu" trong một cuộc phỏng vấn hôm 7/10, tuyên bố cựu tổng thống đang tung ra những thông tin sai lệch về hỗ trợ của chính phủ cho khu vực bị bão Helene tàn phá.

"Mọi thứ nhằm phục vụ cho mục đích riêng của ông ấy, không phải người dân", bà nói.

nga-p-do-ba-o-milton-1728527178.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fwRyqXk4nKaYuUtpJmJM9Q
Ngập do bão Milton

Hầm một tòa nhà ở Port Charlotte, Florida, bị ngập sau khi bão Milton đổ bộ. Video: X/StevePetyerak

Ngày hôm sau, trong chương trình "The View" của kênh ABC, Phó tổng thống tiếp tục gia tăng sức nặng đòn công kích, nói rằng tình hình bão "không phải vấn đề đảng phái hay chính trị với một số lãnh đạo" nhưng bà "không chắc về điều này với những người khác", ám chỉ cựu tổng thống Trump.

Các quan chức chính phủ cũng góp phần củng cố thông điệp của Phó tổng thống. Giám đốc Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) Deanne Criswell cảnh báo những thông tin từ cựu tổng thống Trump đang khiến mọi người lo sợ chính phủ sẽ không hỗ trợ họ sau bão Milton. Nhà Trắng đã mở một tài khoản trên mạng xã hội Reddit để xác minh và bác bỏ thông tin sai lệch.

Trong lúc đó, Tổng thống Biden cũng đứng trước sức ép khi phải xử lý tình trạng khẩn cấp quốc gia, có thể là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Tính cấp bách được cảm nhận rõ ràng hơn vào ngày 8/10, khi ông hoãn chuyến công du Đức và Angola để chỉ đạo ứng phó bão Milton.

Với di sản chính sách đối ngoại đang bị phủ bóng đen bởi những cuộc xung đột chưa được giải quyết ở Trung Đông, Tổng thống Biden chắc chắn muốn tránh một rắc rối nữa sẽ làm lu mờ những ngày cuối tại nhiệm của ông và có thể gây tổn hại đến người kế nhiệm được ông lựa chọn, Phó tổng thống Harris.

Những cuộc chiến chính trị mùa mưa bão thực tế được hình thành từ ký ức về hai thảm họa trong quá khứ. Cách xử lý vụng về trước bão Katrina, cơn bão đã tấn công New Orleans và vùng duyên hải Vịnh Mexico vào năm 2005, đã góp phần hủy hoại nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống George W. Bush. Và việc tổng thống Barack Obama xử lý hiệu quả siêu bão Sandy, cơn bão đổ bộ Bờ Đông vào năm 2012, đã giúp ông đánh bại ứng viên Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử năm đó.

Trump đã nhiều lần cho thấy không có tình huống nào mà ông không thể tận dụng để phục vụ mục đích chính trị. Ông từng dựa vào cơn bão Helene để khắc họa chính quyền Biden - Harris "thiếu năng lực, không thể giải quyết những nhu cầu cơ bản của người dân Mỹ".

Điều này cũng giống như cách ông cáo buộc Phó tổng thống Harris tiếp tay tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc gia mà ông tuyên bố là do tội phạm và tình trạng nhập cư tràn lan. Ông liên tục cho rằng người nhập cư trái phép mang "gene xấu" đến Mỹ, cáo buộc họ "ăn thịt chó, mèo" của người Mỹ, dù không đưa ra được bằng chứng nào.

Khi bão Helene đổ bộ, ông đưa ra thông tin thiếu căn cứ rằng Tổng thống Biden đang phớt lờ những khu vực ủng hộ đảng Cộng hòa bị ảnh hưởng bởi bão. Cựu tổng thống đồng thời phát đi thông tin không chính xác rằng Phó tổng thống Harris đã chuyển ngân sách ứng phó thiên tai của FEMA sang phục vụ chương trình xây dựng nơi lưu trú cho những người nhập cư không giấy tờ và do đó không thể giúp đỡ các nạn nhân của bão. FEMA đã bác bỏ cáo buộc này của Trump.

Tiếp nối loạt thông tin sai lệch từ Trump, phó tướng của ông, thượng nghị sĩ JD Vance, cũng tung ra tuyên bố không chính xác về việc chính phủ liên bang chỉ viện trợ 750 USD cho những người bị mất nhà vì bão.

Ông chỉ trích Biden - Harris vì không điều động quân đội nhanh chóng hơn để tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Bắc Carolina sau bão Helene.

"Sau khi bão Helene đổ bộ ngày 26/9, Joe Biden vẫn ở nhà riêng tại Rehoboth Beach, Delaware. Phó tổng thống Kamala Harris thì đang đắm chìm giữa các buổi gây quỹ xa hoa ở California, giao lưu với những người nổi tiếng", Vance viết. "Việc thiếu ưu tiên cho nhiệm vụ chống bão đã gây ra những hậu quả thực sự".

Một số tuyên bố của Trump và Vance đã bị chính các lãnh đạo đảng Cộng hòa bác bỏ. Nhưng với cựu tổng thống, việc thông tin ông cung cấp đúng hay sai không quan trọng. Tất cả chỉ hướng đến việc tiếp cận cử tri và gieo những suy nghĩ không tích cực về đối thủ đảng Dân chủ, Collinson nhận xét.

Cựu tổng thống Trump hôm 4/10 tới thăm Georgia sau khi bão Helene quét qua bang này. Ảnh: AFP

Trump lâu nay vẫn lập luận rằng cả Harris và Biden đều không đủ khả năng làm tổng thống cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cựu tổng thống phủ nhận những tuyên bố từ đảng Dân chủ về việc ông đang chính trị hóa mùa bão sau khi vội vã đến bang chiến trường Bắc Carolina để đưa ra những tuyên bố cáo buộc chính quyền không đủ năng lực.

"Bất cứ điều gì tôi làm, họ sẽ đều bảo rằng nó có động cơ chính trị", cựu tổng thống nói với người dẫn chương trình Laura Ingraham trên kênh Fox hôm 7/10, ám chỉ đảng Dân chủ đang đổ lỗi sai cho ông. "Nếu tôi làm bất cứ điều gì tốt, bất kể tôi làm gì, họ sẽ nói ông ấy làm điều đó vì chính trị. Nhưng tôi thấy họ thậm chí còn làm như thế trước cả tôi".

Song chính những chỉ đạo hỗn loạn của Trump sau những cơn bão tấn công nước Mỹ trong thời kỳ ông làm tổng thống cũng có thể quay trở lại ám ảnh ông.

Chiến dịch tranh cử của Harris hồi đầu tuần đã tìm cách khơi lại quá khứ này bằng việc ra mắt một quảng cáo, trong đó hai cựu quan chức chính quyền Trump là Olivia Troye và Kevin Carroll tiết lộ cựu tổng thống từng tìm cách cắt quỹ cứu trợ thiên tai cho các bang nghiêng về đảng Dân chủ.

Và Phó tổng thống Harris đã lấy cơn bão Milton làm bàn đạp để gia tăng chỉ trích nhằm vào tính cách bốc đồng của cựu tổng thống, đồng thời thúc đẩy lập luận rằng ông là một người "không nghiêm túc", có khả năng gây ra mối đe dọa lớn nếu đắc cử.

Harris cáo buộc Trump đặt bản thân trước "trước nhu cầu của người khác". "Tôi lo ngại rằng ông ấy thực sự thiếu đồng cảm ở mức cơ bản để có thể quan tâm đến nỗi khổ của người khác và sau đó hiểu rằng vai trò của một lãnh đạo không phải là hạ bệ mọi người, mà là nâng đỡ họ, đặc biệt là trong những thời điểm khủng hoảng", bà nói trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC.

Khi bão Milton hình thành ở Vịnh Mexico tuần qua, Harris đã tham gia hàng loạt cuộc phỏng vấn để truyền đi thông điệp rằng phản ứng của Trump trước cơn bão chứng tỏ ông thiếu lòng trắc ẩn cũng như trạng thái bình tĩnh cần có để trở thành tổng thống.

"Các nạn nhân của bão không cần phải có một lãnh đạo khiến họ sợ hãi hơn", bà nói trên CNN.

Còn quá sớm để biết liệu những cơn bão có tác động đáng kể đến cuộc bầu cử hay không, nhưng cả hai chiến dịch đã bắt đầu cân nhắc về khả năng thay đổi cục diện ở các bang bị bão tàn phá.

Phó tổng thống Kamala Harris hôm 5/10 gặp gỡ các quan chức địa phương để nghe báo cáo về thiệt hại do cơn bão Helene gây ra ở Bắc Carolina. Ảnh: AFP

Chiến dịch tranh cử của Trump đang cố gắng tính toán xem có bao nhiêu cử tri tiềm năng bị ảnh hưởng ở Bắc Carolina hay Georgia và làm thế nào để họ đi bỏ phiếu. Các nhân viên chiến dịch đặc biệt lo lắng về Bắc Carolina, nơi lũ lụt do bão Helene gây ra đã nhấn chìm nhiều khu vực mà cựu tổng thống được ủng hộ mạnh mẽ.

Bão Milton cũng có tác động tức thời đến Trump. Văn phòng chiến dịch của ông ở Palm Beach, Florida, hiện trống không khi các nhân viên đã sơ tán trước cơn bão, một cố vấn cho biết.

Mike DuHaime, cố vấn chính trị đảng Cộng hòa, nhận định cuộc chiến chính trị xung quanh bão Milton rõ ràng vẫn là một "mối nguy hiểm" đối với cả hai ứng viên. "Có những lúc công chúng mong đợi vấn đề chính trị được gạt sang một bên. Đây chính là thời điểm đó", ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo CNN, Washington Post, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020