Trong lúc chuẩn bị cho mối quan hệ thương mại đầy gai góc với Mỹ trong tương lai dưới chính quyền Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang vun đắp mối quan hệ với một người mà ông gọi là bạn tốt cùng chí hướng: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
Tổng thống Brazil cũng tuyên bố ông chia sẻ mục tiêu với Chủ tịch Trung Quốc là tìm cách ứng phó với khả năng Mỹ thống trị kinh tế toàn cầu khi ông Trump trở lại. Khi hai người gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio De Janeiro hồi đầu tuần, Tổng thống da Silva và Chủ tịch Trung Quốc đã bắt tay và ôm nhau nồng nhiệt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sau cuộc họp tại Điện Alvorada ở Brasilia ngày 20/11. Ảnh: AFP
Trung Quốc và Brazil ngày 20/11 tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới, hướng tới một thế giới công bằng hơn và một hành tinh bền vững hơn. Giới quan sát đánh giá sự nồng ấm này rõ ràng xuất phát từ nhu cầu kinh tế chung của hai nước.
"Những gì Trung Quốc và Brazil cùng nhau làm sẽ tạo được tiếng vang trên toàn cầu", Tổng thống da Silva phát biểu khi đứng cạnh Chủ tịch Tập. Hai quốc gia trước đó vừa thông báo ký kết 37 thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản đến thương mại và đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, khoa học - công nghệ.
"Chúng tôi nhất trí rằng mối quan hệ này đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử", ông Tập nói thêm.
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào quặng sắt, đậu nành, thịt bò, dầu và các mặt hàng khác của Brazil, đến mức Brazil là quốc gia hiếm hoi có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Đổi lại, Brazil lại có nhu cầu về chất bán dẫn, phân bón, thép, phụ tùng ôtô, hóa chất và xe cộ của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Mối quan hệ với Brasilia được cho là có thể giúp Bắc Kinh đối phó hiệu quả trước các biện pháp thuế quan khắc nghiệt mà chính quyền Trump dự định áp đặt lên nền kinh tế nước này.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế 60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sau khi ông lên nắm quyền. Đòn thuế này được cho là sẽ tác động đáng kể đến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tìm cách đáp trả, trong đó phương án khả thi nhất là áp thuế với mặt hàng nông sản Mỹ, đặc biệt là đậu nành, khiến nông dân nước này chịu thiệt hại lớn.
Nhưng điều đó cũng buộc Trung Quốc phải chuẩn bị nguồn cung nông sản giá rẻ thay thế để giảm thiểu tác động từ thương chiến với Mỹ. Trong bối cảnh đó, đậu nành từ Brazil có thể là một giải pháp.
Trong khi các lãnh đạo thế giới lo ngại rằng những chính sách sắp tới của ông Trump có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu, Chủ tịch Tập và Tổng thống da Silva vẫn quyết tâm duy trì dòng chảy hàng hóa.
"Mỹ không thể làm gì nhiều để đảo ngược xu hướng đó", Margaret Myers, người chuyên theo dõi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ Latin tại Inter-American Dialogue, nhóm chính sách tại Washington, nhận xét.
Trong cuộc chiến thương mại trước đây của ông Trump, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu nông sản từ Brazil và giảm mua từ Mỹ.
"Mối quan hệ Trung Quốc - Brazil đã ăn sâu bén rễ và sẽ không thay đổi chỉ vì Nhà Trắng đổi chủ", giáo sư Jiang Shixue, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latin tại Đại học Thượng Hải, cho biết.
Theo giới chuyên gia, Chủ tịch Tập và Tổng thống da Silva có mối quan hệ cá nhân khăng khít. Ông da Silva luôn coi Trung Quốc là ưu tiên trong cả ba nhiệm kỳ của mình và hai bên đều được hưởng lợi khi coi nhau như đối tác tin cậy.
Sau khi ông da Silva quay lại nắm quyền vào năm ngoái, thay thế một đồng minh của ông Trump là cựu tổng thống Jair Bolsonaro, Trung Quốc là nơi công du đầu tiên của ông bên ngoài châu Mỹ.
Ở chiều ngược lại, chuyến thăm của Chủ tịch Tập tuần này là lần thứ ba ông tới Brazil với tư cách lãnh đạo Trung Quốc.
"Có một sự tương đồng tự nhiên trong cách Brazil, đặc biệt là Tổng thống da Silva, và Trung Quốc nhìn nhận thế giới", Jason Marczak, chuyên gia về Mỹ Latin tại Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, nhận định. Brazil muốn "đa dạng hóa đối tác" và khi ông Trump lên nắm quyền, Trung Quốc cần các lựa chọn thương mại thay thế Mỹ.
Ông Trump và ông Tập tại cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh: Reuters
Khi Chủ tịch Tập chào đón Tổng thống da Silva đến Bắc Kinh hồi tháng 4 năm ngoái, quân nhạc đã chơi bài hát Brazil được nhiều người ưa thích mang tên Một kỷ nguyên mới, khiến nhiều thành viên đoàn đại biểu Brazil xúc động. Ông da Silva sải bước đầy tự hào trên thảm đỏ, tươi cười với lãnh đạo Trung Quốc, trước khi cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
"Mối quan hệ Brazil - Trung Quốc ngày càng quan trọng đối với việc xây dựng trật tự đa cực", Tổng thống da Silva nói hồi đầu năm.
"Tôi sẽ không đánh giá thấp khả năng hợp tác ăn ý giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Lula", Ryan Berg, giám đốc chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington, cho hay.
Tại Rio de Janeiro, dấu ấn của Trung Quốc đối với nền kinh tế Brazil được thể hiện trên màn hình kỹ thuật số khổng lồ hướng về phía khách sạn khu vực Copacabana, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu trú để tham dự hội nghị G20. Màn hình này hiển thị một chuỗi quảng cáo của Trung Quốc, từ công ty xe hơi BYD, tập đoàn dầu khí CNOOC, công ty hóa chất Sinopec, công ty điện lực State Grid đến gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies.
Lãnh đạo Brazil - Trung Quốc cho biết họ đã ký biên bản ghi nhớ giữa một công ty trực thuộc Bộ Truyền thông Brazil và Shanghai Spacesail Technologies, công ty vận hành hệ thống truyền thông vệ tinh quỹ đạo thấp. Theo hãng thông tấn Xinhua, tập đoàn Trung Quốc sẽ cung cấp dịch vụ Internet cho các vùng xa xôi của Brazil.
Thỏa thuận này có thể mở đường cho Trung Quốc phóng vệ tinh liên lạc quỹ đạo thấp từ Trung tâm vũ trụ Alcantara tại Brazil, nơi có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi. Nó cũng có thể tạo đòn bẩy lợi thế cho Bắc Kinh trong cuộc đua không gian với Washington và cung cấp cho Tổng thống cho da Silva những lựa chọn mới để thiết lập hệ thống liên lạc trên lãnh thổ rộng lớn của Brazil, trong đó có khu vực Amazon.
Hai lãnh đạo được cho là còn thảo luận riêng về việc BYD gần đây tiếp quản một nhà máy sản xuất ôtô cũ của Ford tại Brazil, nơi sản xuất ôtô đầu tiên ở châu Mỹ, nhằm thúc đẩy phát triển xe điện Trung Quốc trong khu vực.
Cả hai dự án đều có thể là mối quan ngại của tỷ phú Elon Musk, người hậu thuẫn Tổng thống đắc cử Trump và đang điều hành hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp lớn nhất thế giới Starlink cùng hãng sản xuất ôtô điện Tesla.
Chủ tịch Tập và Tổng thống da Silva lên án sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch toàn cầu và đã ủng hộ nỗ lực giữa các thành viên khác trong nhóm BRICS, bao gồm cả Nga, Ấn Độ và Nam Phi, nhằm tạo ra một đơn vị tiền tệ cạnh tranh với USD.
Trung Quốc đã thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế và đang tiến hành một số thử nghiệm với tiền kỹ thuật số. Nhưng chúng có quy mô nhỏ và việc gạt đồng USD khỏi vị thế là một loại tiền tệ dự trữ bền vững là nhiệm vụ thách thức hơn nhiều.
Quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống da Silva gợi nhớ đến "tình anh em" giữa lãnh đạo Trung Quốc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập từng gọi ông Putin là "người bạn thân nhất" và chống lại nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga vì chiến sự ở Ukraine.
Nhưng mối quan hệ Brazil - Trung Quốc dựa trên kinh tế nhiều hơn là địa chính trị và do đó ít bị Mỹ cùng các cường quốc phương Tây khác để ý như mối tương tác giữa Bắc Kinh và Moskva.
Dù vậy, Brazil vẫn phải quản lý thận trọng mối quan hệ với Mỹ. Trong khi Chủ tịch Tập tìm cách thay thế những thể chế do Mỹ dẫn dắt, Tổng thống da Silva chú trọng hơn vào việc tái cấu trúc các thể chế hiện có để trao cho những quốc gia như Brazil nhiều tiếng nói hơn.
Chuyến công du của ông Tập tới châu Mỹ Latin, trong đó có điểm dừng chân tại Peru để dự lễ khánh thành một cảng lớn tại đây, đã cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Lula da Silva tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2023. Ảnh: AFP
Mối quan hệ giữa Brazil và Trung Quốc hiện tại có lẽ chưa nằm trong tầm ngắm của Tổng thống đắc cử Trump, khi trọng tâm chính ông hướng tới vẫn là dòng người nhập cư từ Mexico.
"Nhưng khó có thể đoán ông Trump sẽ quan tâm đến Brazil ở mức độ nào", Berg cho hay, bởi Tổng thống thứ 47 của Mỹ vốn nổi tiếng là một người khó lường.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)