Lãnh đạo Lee Jae Myun và các thành viên Đảng Dân chủ đối lập phát biểu sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon - Ảnh: REUTERS
Thời gian vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã rơi vào bế tắc với Đảng dân chủ đối lập về khoản chi ngân sách trong năm tới, cũng như bị các đối thủ chính trị chỉ trích vì bác bỏ lời kêu gọi tiến hành mở các cuộc điều tra về bê bối xoay quanh đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee và một số quan chức cấp cao.
Áp lực chồng chất áp lực
Tổng thống Yoon Suk Yeol được bầu vào năm 2022 với tư cách là một chính trị gia bảo thủ cứng rắn. Tuy nhiên ông đã mất đi sự ảnh hưởng của mình sau khi Đảng Dân chủ đối lập giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4-2024, nhằm bầu ra các thành viên Quốc hội, theo Đài BBC.
Sau cuộc tổng tuyển cử, Tổng thống Yoon phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đánh giá lại cách thức quản lý và điều hành quốc gia của ông, đồng thời gấp rút nỗ lực cải cách.
Với 175/300 ghế Quốc hội thuộc về Đảng Dân chủ đối lập và đảng vệ tinh của đảng này, Chính quyền Tổng thống Yoon không thể thông qua các dự luật mà họ mong muốn.
Thay vào đó, chính phủ chỉ có thể sử dụng quyền phủ quyết đối với các dự luật mà phe đối lập thông qua.
Không chỉ vậy, tỉ lệ ủng hộ ông Yoon đã giảm mạnh xuống còn khoảng 17% sau hàng loạt vụ bê bối trong quá khứ như vụ bê bối túi xách hàng hiệu của đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee; cáo buộc thao túng cổ phiếu; thảm họa Itaewon; cái chết của hạ sĩ Chae Su-geun; vụ đàn áp dân lao động và giới truyền thông, hay cố gắng duy trì quan hệ "ngoại giao phục tùng" với Mỹ, Nhật Bản nhưng lại thù địch với Triều Tiên (theo cách gọi của tờ Korea Times).
Tuần này, Đảng Dân chủ đối lập đã đề xuất cắt giảm một khoản ngân sách lớn của chính phủ - điều mà Tổng thống Yoon không thể phủ quyết.
Bên cạnh đó phe đối lập cũng kêu gọi luận tội các thành viên trong nội các của ông Yoon, cũng như một số công tố viên cấp cao, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan kiểm toán chính phủ vì không điều tra các bê bối của đệ nhất phu nhân.
Mới nhất là hôm 30-11, Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myun, cùng khoảng 100.000 đảng viên và những người dân ủng hộ họ đã tổ chức cuộc biểu tình lớn ở trung tâm thủ đô Seoul, nhằm chỉ trích chính quyền ông Yoon về những sai lầm trong chính sách, đồng thời tiếp tục yêu cầu mở cuộc điều tra đặc biệt với bà Kim.
Ông Lee Jae Myun cùng khoảng 100.000 đảng viên và những người dân ủng hộ biểu tình nhằm kêu gọi chính phủ mở cuộc điều tra đặc biệt với bà Kim Keon Hee tại Seoul ngày 30-11 - Ảnh: YONHAP
‘Cái gai trong mắt ông Yoon’
Tờ New York Times gọi lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myun là “cái gai trong mắt Tổng thống Yoon”.
Thay vì rút lui sau thất bại trước ông Yoon trong cuộc bầu cử 2022, ông Lee nhanh chóng trở lại chính trường Hàn Quốc chỉ trong vài tháng. Việc giành được một ghế trong Quốc hội vào tháng 6 và trở thành lãnh đạo của Đảng Dân chủ đối lập đã biến ông Lee trở thành nhân vật đối lập hàng đầu với chính quyền ông Yoon.
Cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua tiếp tục làm thay đổi cục diện chính trường Hàn Quốc khi Đảng của ông Lee giành chiến thắng áp đảo.
Có thể nói kết quả này đã làm tiêu tan hy vọng của ông Yoon về một chiến thắng tạo ra động lực cho chương trình nghị sự của đảng cầm quyền.
Trong khi một số thành viên trong chính phủ của ông Yoon đã từ chức và ngay cả nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng dần mất đi sự tín nhiệm của người dân, thì ông Lee đang không ngừng nâng cao sức ảnh hưởng và quyền kiểm soát trong nội bộ Đảng Dân Chủ.
Với thế đa số trong Quốc hội, Đảng Dân Chủ đối lập của ông Lee nhiều lần bác bỏ kế hoạch ngân sách trong năm tới do ông Yoon đề xuất.
Không chỉ vậy, phe đối lập cũng bỏ phiếu để luận tội các đồng minh thân cận của ông Yoon khiến mâu thuẫn giữa hai nhân vật này không thể hạ nhiệt.