Chuyên mục  


chu-tich-quoc-hoi-han-quoc-woo-won-sik-1733314690610302763643.jpg

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik kiểm tra các thiệt hại ở tòa nhà Quốc hội vào sáng 4-12 - Ảnh: YONHAP

Theo Hãng thông tấn Yonhap, ở thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật, Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik (67 tuổi) đang nghỉ ngơi tại Đại sứ quán Kyrgyzstan sau khi dùng bữa tối với Tổng thống Kyrgyzstan Sadir Jafarov.

Video lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc leo tường vào tòa nhà Quốc hội - Nguồn: AFP - KBS News

Ngay khi nhận được thông báo từ Tổng thư ký Quốc hội Kim Min Ki, ông Won đã lập tức khởi hành từ Đại sứ quán Kyrgyzstan ở phường Hannam đến tòa nhà Quốc hội ở quận Yeongdeungpo, thủ đô Seoul.

Cũng theo Yonhap, ông Woo đến tòa nhà Quốc hội lúc 22h56 ngày 3-12 (theo giờ Hàn Quốc) nhưng bị các xe cảnh sát chặn lại. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc quyết định trèo qua hàng rào cao 1m để vào bên trong tòa nhà Quốc hội.

chu-tich-quoc-hoi-han-quoc-woo-won-sik-1733314614564103573175.jpg

Ảnh chụp lúc Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik leo rào vào tòa nhà Quốc hội tối 3-12 - Ảnh: VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HÀN QUỐC

Sau đó, vào khoảng 0h30 ngày 4-12, ông Woo đã có mặt ở phòng họp bên trong tòa nhà Quốc hội và chuẩn bị khai mạc phiên họp toàn thể bất thường để bỏ phiếu biểu quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.

Theo các quan chức Hàn Quốc thuật lại, phiên họp bất thường diễn ra trong tình trạng vô cùng căng thẳng khi quân đội liên tục đập phá cửa sổ, tiến vào đối đầu với dàn trợ lý của các nhà lập pháp nước này.

Chủ tịch Quốc hội Woo dự định sẽ ở lại văn phòng của mình tại tòa nhà Quốc hội trong thời gian này để kiểm soát tình hình và ứng phó với khả năng xảy ra thêm các tình huống khác.

Lãnh đạo đảng đối lập được dân khen hết lời

Trước đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ (DP) đối lập Lee Jae Myung cũng phát sóng trực tiếp (livestream) cảnh mình leo rào vào tòa nhà Quốc hội trong tối 3-12.

Hành động của ông Lee nhanh chóng thu hút sự chú ý và được dư luận Hàn Quốc hết mực khen ngợi với khả năng ứng phó đáng kinh ngạc trước tình huống bất ngờ.

Ngay sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật, ông Lee đã ra lệnh triệu tập khẩn cấp 170 thành viên của Đảng Dân chủ đối lập cùng các nghị sĩ khác đến tòa nhà Quốc hội.

Sau đó, ông Lee đã livestream toàn bộ quá trình mình đến tòa nhà Quốc hội. Đáng chú ý, khi đến tòa nhà Quốc hội, ông Lee không đi cổng chính mà ngay lập tức chọn trèo qua hàng rào để vào bên trong.

Thậm chí ông Lee còn đoán được ba người chắc chắn sẽ bị quân đội bắt giữ bao gồm ông, Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik và lãnh đạo Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong Hoon và liên tục kêu gọi người dân đến tòa nhà Quốc hội để "giải cứu" đất nước.

Ông Lee Jae Myung đã từng bị đâm vào cổ khi đang tham quan một sân bay mới tại thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc hồi đầu tháng 1-2024.

Khi máy ảnh mạnh hơn súng ống

Gần như suốt 155 phút là tính từ khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật cho đến khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật đều được người dân và các quan chức Hàn Quốc ghi lại bằng điện thoại, máy ảnh hay thậm chí là livestream chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội theo thời gian thực.

Ngay sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật lúc 22h25 ngày 3-12, người dân nước này lập tức đổ xô đến tòa nhà Quốc hội với điện thoại thông minh, máy ảnh, máy quay phim để “tường thuật trực tiếp” về tình hình cổng vào tòa nhà Quốc hội bị chặn như thế nào, cảnh máy bay trực thăng quân sự bay đến như thế nào và hình ảnh quân đội được trang bị quân trang đầy đủ ra vào tòa nhà Quốc hội.

Toàn bộ những hình ảnh và video ghi lại khung cảnh hỗn loạn ở tòa nhà Quốc hội đều được chia sẻ trong các nhóm, các phòng chat trên ứng dụng nhắn tin Kakao Talk.

Ngoài ra, tình hình bên trong tòa nhà Quốc hội - nơi người dân khó có thể tiếp cận - cũng được tiết lộ không qua kiểm duyệt khi các chính trị gia livestream trên YouTube.

Trong đó, buổi livestream về đường đến tòa nhà Quốc hội và cảnh leo rào kịch tính như phim hành động của lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung đã thu hút 2,38 triệu lượt xem.

Kênh YouTube cá nhân của Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik, người chủ trì phiên họp toàn thể bất thường của Quốc hội Hàn Quốc, cũng cán mốc hơn 600.000 người theo dõi.

“Lệnh thiết quân luật gần nhất diễn ra cách đây 45 năm sẽ dễ dàng kiểm soát truyền thông vì toàn bộ tình hình khi đó không được chia sẻ theo thời gian thực”, ông Kim Baek Young, giáo sư khoa xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, phân tích.

NATO khẳng định quan hệ bền chặt với Hàn Quốc

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 4-12, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho biết liên minh quân sự đang theo dõi tình hình hiện tại ở Hàn Quốc, đồng thời khẳng định quan hệ bền chặt giữa liên minh và quốc gia Đông Bắc Á này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Matxcơva đang theo dõi sát mọi diễn biến tại quốc gia Đông Bắc Á này, đồng thời bày tỏ hy vọng những sự kiện vừa qua không ảnh hưởng đến tình hình và sự ổn định nói chung trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một thông báo trên ứng dụng nhắn tin WeChat sáng 4-12, Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul khuyến cáo công dân Trung Quốc có thể trở lại cuộc sống thường nhật, nhưng cần duy trì theo dõi diễn biến tiếp theo và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cá nhân.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020