Chuyên mục  


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 diễn ra ở Bali, Indonesia hôm 15/11 (Ảnh: THX).

Trong tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du quan trọng đầu tiên đến khu vực Đông Nam Á để tham dự chuỗi sự kiện quốc tế quan trọng trong năm, gồm Hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và Hội nghị Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ sau khi tái đắc cử Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là chuyến đi quan trọng đầu tiên của nhà lãnh đạo này kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

Một hình ảnh mới

Theo các chuyên gia, tại loạt hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo luôn mỉm cười và cởi mở. 

Theo họ, những khoảnh khắc đầy bất ngờ của ông Tập trong các hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần qua cho thấy hình ảnh hiếm hoi về nhà lãnh đạo của quốc gia tỷ dân này trong nhiều thập niên qua, cũng như mang đến sự lạc quan về chính sách ngoại giao thời hậu đại dịch Covid-19 của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị G20 (Ảnh: Reuters).

Trái ngược với cách tiếp cận cứng rắn trước đây, ông Tập tỏ ra thân thiện và hợp tác tại Hội nghị G20 ở Bali (Indonesia) và APEC diễn đàn ở Bangkok (Thái Lan).

Ông cởi bỏ khẩu trang, mỉm cười và tìm cách tái khẳng định cam kết của Trung Quốc đối với khu vực cũng như khẳng định vị thế của Bắc Kinh trong một loạt các cuộc gặp chính thức với hơn 20 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong khi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đối với các cường quốc lớn và các điểm nóng địa chính trị hầu như không thay đổi, giọng điệu nhẹ nhàng của ông Tập dường như gây ấn tượng, khiến ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo được chú ý tại các sự kiện.

Tại Thái Lan, phu nhân của ông Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện, được tặng một chiếc bánh sinh nhật 60 tuổi tại một bữa tiệc do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tổ chức hôm 19/11. Trong đoạn video do chính phủ Thái Lan công bố, bà Bành Lệ Viện vui vẻ cắt bánh, trong khi ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Gen Prayut và phu nhân Naraporn Chan-o-cha vỗ tay.

Theo Benoit Hardy-Chartrand, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo (Nhật Bản), đối với hầu hết mọi người, đây là lần đầu tiên họ thấy ông Tập ở góc độ cá nhân như vậy.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có các cuộc gặp với lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có cả những nhà lãnh đạo từng chỉ trích ông trong quá khứ.

Trong các bài phát biểu tại các sự kiện quốc tế vừa qua, ông Tập đã thể hiện là nhà lãnh đạo thúc đẩy phong trào thúc đẩy sự đoàn kết quốc tế.

"Châu Á - Thái Bình Dương không phải sân sau của bất kỳ quốc gia nào và không nên trở thành khu vực cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc", ông Tập phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị APEC. 

Trong cuộc gặp với Tổng thống Biden hôm 14/11, ông Tập khẳng định "các nhà lãnh đạo phải luôn suy nghĩ và biết cách cùng chung sống hòa bình với các quốc gia khác trên thế giới".

Trong những cuộc gặp khác, đặc biệt là khi đối mặt với những chỉ trích về chính sách của Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã không ngại chia sẻ suy nghĩ.

Trong một thái độ tỏ ra cứng rắn khác thường, ông Tập được nhìn thấy đang trao đổi khá căng thẳng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề G20 ở Indonesia, tỏ sự không hài lòng vì thông tin về nội dung cuộc trò chuyện trước đó giữa 2 nhà lãnh đạo bị tiết lộ ra ngoài.

Chủ tịch Trung Quốc trách Thủ tướng Canada làm lộ thông tin thảo luận

Sau khi video trên lan truyền, Trung Quốc cho biết ông Tập chỉ nêu quan điểm với Thủ tướng Trudeau, không phải chỉ trích hay đổ lỗi. "Đoạn video được đề cập thực sự là cuộc trò chuyện ngắn của hai lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh G20. Điều này rất bình thường. Tôi không nghĩ việc đó nên bị hiểu thành Chủ tịch Tập chỉ trích hay đổ lỗi cho bất kỳ ai", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói.

Ông Tập cũng kêu gọi các nước trong khu vực, bao gồm 5 đồng minh hiệp ước của Washington - Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan - "giữ vững quyền tự chủ chiến lược", "từ chối xung đột và đối đầu" và ngăn chặn căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến hợp tác của họ với Trung Quốc.

Các chuyên gia có đánh giá tích cực về những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng và hàn gắn quan hệ với Mỹ và các nước khác.

Gal Luft,  Giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng từ các cuộc tiếp xúc của ông Tập với các nhà lãnh đạo khác nhau cho thấy, ngoại giao cá nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên quan hệ quốc tế mới của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

"Có những người ông ấy thích và những người ông ấy không thích. Ngôn ngữ cơ thể của ông ấy đã nói... lên điều đó", chuyên gia nói.

Tạo thế đối trọng với Mỹ

Chuỗi hoạt động ngoại giao trực tiếp trong tuần qua được nhận định là một thắng lợi cho ông Tập, trong bối cảnh Trung Quốc giảm các hoạt động tiếp xúc và giao thương với các quốc gia khác nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19.

Nhưng ngoài việc nối lại hoạt động ngoại giao trực tiếp, các chuyên gia lưu ý, mục đích quan trọng khác trong chuyến công du đến khu vực Đông Nam Á của ông Tập là nhằm chống lại cách tiếp cận kiềm chế Trung Quốc dựa trên liên minh của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden.

"Việc ông Tập tham dự các hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu sự trở lại của chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc và cũng có ý nghĩa gửi thông điệp đến Mỹ: nếu ông Biden tham dự, không có lý do gì để ông Tập bỏ lỡ và để Washington nắm bắt thế chủ động", nhà nghiên cứu Collin Koh nói.

Mặc dù ông Tập và ông Biden không đạt được nhiều kết quả cụ thể trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức, nhưng cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần trước được đánh giá là thành công khi cả hai bên đồng ý nối lại đối thoại và hợp tác.

Ông Tập bày tỏ lo ngại việc Mỹ không coi trọng chính sách "một Trung Quốc" lâu nay và thúc giục Washington "nói đi đôi với làm" trong vấn đề Đài Loan, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là "lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua" trong quan hệ song phương.

Đối với ông Tập, các buổi tiếp xúc ngoại giao với các nhà lãnh đạo phương Tây dường như là bước quan trọng đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia, vốn bị tổn hại bởi chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh và phong cách "ngoại giao chiến lang" của các nhà ngoại giao Trung Quốc.

Những hành động của ông Tập tại các hội nghị quốc tế vừa qua cũng là một thông điệp gửi tới người dân Trung Quốc. Theo các chuyên gia, việc ông Tập nói chuyện với phong thái tự tin và mỉm cười trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden đã truyền đi thông điệp rằng đã đến kỷ nguyên của nhóm G20.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020